Nên phân chia ra thành những tiểu vùng để liên kết thu hút đầu tư vào sản xuất kinh doanh một mặt hàng cụ thể theo mô hình sản xuất lớn mới thành công.

13 tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nổi tiếng sản xuất nông nghiệp, nhưng nhiều năm qua đã bị cuốn vào làn sóng công nghiệp hóa như nhiều địa phương khác. Theo số liệu thống kê mới đây của Bộ KH&ĐT, toàn vùng hiện có 51 khu công nghiệp (KCN) và khoảng 200 cụm công nghiệp, tỷ lệ thuê đất hơn 50% diện tích. Cần Thơ, Long An hình thành KCN sớm nhất trong vùng, một có lợi thế cảng biển, một cửa ngõ phía Tây Nam TP. Hồ Chí Minh. Giới đầu tư đặt nhà máy ở hai địa phương này như một “tuyến hai”, sau TP. Hồ Chí Minh, để tận dụng giá thuê đất và nhân công thấp.

Hiện đang có hai tuyến đầu tư hạ tầng KCN các địa phương ĐBSCL: Vành đai biên giới Tây Nam hầu hết là hạ tầng cho các nhà máy chế biến nông, lâm, thủy sản. Phía Đông phát triển KCN kinh tế biển, nhưng đến nay đường vành đai ven biển chưa có gì, nên diện tích đất chờ thuê vẫn ế ẩm. Các tỉnh ở phía Tây sông Hậu gặp nhiều khó khăn nhất trong kêu gọi đầu tư vào các KCN. Nguyên nhân là chủ đầu tư thiếu vốn phát triển hạ tầng, lại chưa đủ năng lực huy động vốn từ NĐT. Chính sách của địa phương từ nhiều năm nay thì vẫn loay hoay mang đất ra cho thuê rẻ, coi đó là một “lợi thế”.

Từ chủ trương lấy đất đai thu hút NĐT đã dẫn đến đua nhau phá giá đất. Hệ quả là giới đầu tư như người tham dự “tiệc buffet”, phá nát bản quy hoạch toàn vùng. Bản thân lãnh đạo địa phương cũng đang rất bức xúc về câu chuyện cạnh tranh này. Ông Võ Văn Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu cho biết, “Không thể kêu gọi đầu tư theo kiểu đăng thông báo ưu đãi cái này cái kia sẽ hy vọng có người đến thuê mặt bằng KCN”.

Từ cuộc “cạnh tranh xuống đáy” đó, thời gian qua, một số địa phương kém lợi thế hạ tầng giao thông đang lặng lẽ chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại những KCN nhiều năm bỏ hoang. Năm 2013, KCN Hưng Phú 1 và 2B (Cần Thơ) phát triển hạ tầng rất chậm vì không đủ năng lực tài chính và chuyển đổi công năng một phần. Có tỉnh cho nông dân thuê lại đất trồng trọt cây ngắn ngày trong khi chờ có, NĐT đến thuê đất. Một số khác thì để cỏ mọc ngập đầu người, trong lúc địa phương đôn đáo chạy khắp nơi tìm NĐT.

Việc nhiều KCN ở ĐBSCL thu hẹp diện tích hoặc rút bớt lại diện tích theo kế hoạch ban đầu còn có nguyên nhân do hạ tầng các KCN trong vùng hầu như không được chủ đầu tư phát triển đồng bộ, đặc biệt là hệ thống xử lý môi trường. Cách thức phát triển hạ tầng mạnh ai nấy làm, dự án sơ sài sau đó đi chào mời thu hút đầu tư. Thậm chí nhiều địa phương còn giao cho một đơn vị chủ trì vấn đề xử lý nước thải tất cả các KCN trong toàn tỉnh, dẫn đến mâu thuẫn lợi ích giữa các KCN với nhau và cuối cùng không ai làm.

TS. Trần Du Lịch cho biết, không thể phát triển KCN theo trào lưu mà không nắm rõ lợi thế địa phương, toàn vùng ĐBSCL, mỗi địa phương có một số điểm mạnh, điểm yếu trong phát triển kinh tế. Theo đó, nên phân chia ra thành những tiểu vùng để liên kết thu hút đầu tư vào sản xuất kinh doanh một mặt hàng cụ thể theo mô hình sản xuất lớn mới thành công.

Thu Hiền (Thời báo ngân hàng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.