Tháng 4-2011, UBND tỉnh Hải Dương cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Dự án đầu tư mở rộng sản xuất của Công ty May Tinh Lợi và Dự án dệt Pacific Việt Nam (đều thuộc Công ty PCGT Hồng Công) vào cụm công nghiệp (CCN) Nguyên Giáp, xã Nguyên Giáp, huyện Tứ Kỳ. Theo kế hoạch, giữa năm 2012, xưởng may đầu tiên trong dự án đầu tư mở rộng sản xuất của Công ty May Tinh Lợi sẽ đi vào sản xuất với 1.200 lao động. Song, đến nay, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) để triển khai dự án này vẫn chưa hoàn thành, ả

Bí thư Ðảng ủy xã Nguyên Giáp, Ðồng Viết Song tâm sự: Là xã thuần nông, năm 2011 giá trị sản xuất nông nghiệp vẫn chiếm tới 48% cơ cấu kinh tế của xã, thu nhập bình quân đầu người mới đạt khoảng 15 triệu đồng/năm, cho nên ngay từ năm 2007, khi con đường liên tỉnh 391 được nâng cấp, mở rộng, nhân dân trong xã phấn khởi và thống nhất cao khi UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết CCN Nguyên Giáp với diện tích 102,64 ha (Quyết định số 2767/QÐ-UBND ngày 31-7-2007).

Tháng 4-2011 UBND tỉnh Hải Dương cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Dự án đầu tư mở rộng sản xuất của Công ty May Tinh Lợi và Dự án dệt Pacific Việt Nam (đều thuộc Công ty PCGT Hồng Công) vào CCN Nguyên Giáp. Ðây là hai dự án dệt, may liên hoàn (100% vốn nước ngoài), đầu tư vào khu vực vùng xa của huyện thuần nông nhằm tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế khu vực phía đông nam của tỉnh. Tổng vốn đầu tư của hai dự án hơn 540 triệu USD, được thực hiện trên diện tích 86 ha, khi đi vào hoạt động sẽ tạo việc làm cho 14 đến 15 nghìn lao động.

Tháng 11-2011, UBND huyện Tứ Kỳ có quyết định thu hồi đất nông nghiệp và quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ với tổng kinh phí 236 tỷ đồng.

Quá trình GPMB ở CCN Nguyên Giáp cơ bản bảo đảm các bước trình tự theo quy định. Chủ dự án đầu tư đã ứng kinh phí kịp thời để chi trả bồi thường, hỗ trợ nhân dân. Khó khăn trong GPMB xây dựng hai dự án liên quan đến 784 hộ dân đang quản lý sử dụng 74 ha đất được giao. Trong 784 hộ dân phải thu hồi đất có 285 hộ (chủ yếu ở thôn An Quý) phải thu hồi từ 70% diện tích trở lên, trong đó 158 hộ bị thu hồi 100% diện tích. Mặc dù đây là chủ trương đúng, mang lại nhiều lợi ích về lâu dài cho nhân dân xã Nguyên Giáp, nhưng tiến độ nhận tiền bồi thường, hỗ trợ GPMB quá chậm, đến ngày 5-10-2012 mới có 429 hộ (54,7%) nhận tiền đền bù với tổng số tiền 71,2 tỷ đồng.

Công tác GPMB đang gặp những khó khăn, vướng mắc do nhiều hộ dân chưa chấp thuận phương án bồi thường, hỗ trợ và đề xuất, kiến nghị một số nội dung như: giá bồi thường, hỗ trợ còn thấp; lo ngại về vấn đề môi trường; đề nghị được thỏa thuận với doanh nghiệp về giá đền bù; nâng mức hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm lên bốn đến năm lần; có chính sách giải quyết việc làm cho người lao động hơn 40 tuổi; mở rộng đường đi của nhân dân từ thôn An Quý đến đường 391... Về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển khẳng định: Căn cứ vào tình hình thực tế và các quy định của Nhà nước, UBND tỉnh Hải Dương đã vận dụng cao nhất các chính sách hỗ trợ nhân dân có đất bị thu hồi khi triển khai hai dự án ở CCN Nguyên Giáp, đáp ứng một số kiến nghị của nhân dân, như hỗ trợ một vụ lúa (bằng tiền) cho các hộ có đất bị thu hồi; hỗ trợ chi phí san lấp, nâng cốt đất màu cho các hộ có đầu tư nâng cốt đất nông nghiệp với tổng kinh phí 2,45 tỷ đồng; điều chỉnh ranh giới dự án cách bờ mương quy hoạch 50m (cách khu dân cư khoảng 65m); lập và phê duyệt đề án giải quyết việc làm, ổn định sản xuất cho các hộ bị thu hồi diện tích đất nông nghiệp; đường đi từ thôn An Quý đến đường 391 được sử dụng đường trục chính của CCN (có lộ giới 45m); dành quỹ đất 17,27 ha chia lại cho các hộ có nhu cầu (đất công điền 11 ha và để lại 6,27 ha đất trong quy hoạch CCN), bảo đảm không có hộ nào không còn đất sản xuất nông nghiệp. Mức bồi thường, hỗ trợ GPMB ở CCN Nguyên Giáp là mức đã được Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

Hiện nay, công tác GPMB ở CCN Nguyên Giáp chưa hoàn thành, làm ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư của dự án và gây bức xúc trong dư luận nhân dân, nhất là đối với những hộ đã nhận tiền bồi thường. Bởi theo kế hoạch, năm 2012, xưởng may đầu tiên của Công ty May Tinh Lợi sẽ đi vào sản xuất với 1.200 lao động. Bên cạnh nhiều hộ đã nhận tiền đền bù, hỗ trợ GPMB, vẫn còn khá nhiều hộ chưa nhận tiền đền bù hỗ trợ GPMB, thậm chí có hiện tượng một số người vận động, lôi kéo, gây sức ép, ngăn cản một số hộ nhận tiền đền bù hỗ trợ GPMB.

Giám đốc hành chính, nhân sự Công ty May Tinh Lợi Trần Thị Vượng cho biết: Năm 2006, Công ty May Tinh Lợi đầu tư vào Khu công nghiệp Nam Sách, tạo việc làm ổn định cho 6.800 lao động. Thu nhập bình quân của công nhân hiện nay đạt bốn triệu đồng/tháng, không kể tiền hỗ trợ ăn ca, trong đó hàng trăm công nhân tay nghề cao có thu nhập từ bảy đến tám triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, các dịch vụ phục vụ khu công nghiệp phát triển khiến diện mạo các làng, xã chung quanh khu công nghiệp trở nên sầm uất, nhộn nhịp. Kế hoạch của công ty là sau khi hoàn thành GPMB ở CCN Nguyên Giáp, trong vòng ba năm, riêng Công ty May Tinh Lợi sẽ hoàn thành sáu khu nhà xưởng, tạo việc làm cho 8.000 lao động. Công ty cũng sẵn lòng tiếp nhận các lao động hơn 40 tuổi vào làm các công việc phù hợp và hỗ trợ địa phương xây dựng các công trình phúc lợi công cộng. Vừa qua, công ty tuyển khoảng 400 lao động người Tứ Kỳ vào công ty làm việc với cam kết khi dự án ở CCN Nguyên Giáp đi vào sản xuất sẽ được chuyển về đó làm việc để không phải đi lại quá xa.

Ông Phan Trọng Nuôi ở xóm 3, trước kia từng là Bí thư, Chủ tịch UBND xã Nguyên Giáp, nhỏ nhẹ: Không chỉ gia đình ông mà trong cả dòng họ ông đã sớm nhận tiền bồi thường, hỗ trợ GPMB. Phần lớn bà con đều phấn khởi và nhận thấy đây là cơ hội để làng quê thay da đổi thịt, thu nhập tốt lên, làng xã văn minh hơn. Ông cho rằng: Nguyên nhân chính dẫn đến khó khăn GPMB là trước kia, một bộ phận cán bộ nhận thức chưa tốt, cho rằng chưa chắc đã có khu công nghiệp khiến bà con thiếu tin tưởng; khi bắt đầu tiến hành dự án thì làm thiếu chặt chẽ, chưa làm tốt công tác tuyên truyền, nhất là đối với dân làng An Quý, nơi bị thu hồi hơn 70% diện tích khiến bà con cho rằng thiếu dân chủ; nay các cấp, các ngành tích cực vào cuộc, thể hiện rõ sự dân chủ thì đang bị một số người lợi dụng, cho rằng dự án có sai cho nên mới thường xuyên trao đổi với dân...

Ông Phạm Quang Tích, đảng viên ở xóm 5 (tổ trưởng tổ đảng) là một trong 15 đảng viên chưa nhận tiền bồi thường cho biết: Làng xã sẽ không thể giàu bằng đất nông nghiệp nếu không phát triển công nghiệp; nhưng dự án xây dựng CCN bị bỏ bẵng nhiều năm (có hai dự án nhỏ trước năm 2011 nhưng chậm triển khai, có dự án đã thu hồi giấy phép), đảng viên đã có nhiều ý kiến đóng góp với Bí thư Ðảng ủy xã từ những năm 2007-2008 nhưng không thấy chuyển biến, bỗng nhiên đến cuối năm 2011 có quyết định thu hồi đất khiến nhân dân bức xúc...

Ðề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Hải Dương, huyện Tứ Kỳ, xã Nguyên Giáp sâu sát dân hơn, thường xuyên lắng nghe, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, quan tâm giải quyết những khó khăn, vướng mắc của nhân dân, đồng thời vận dụng đầy đủ chính sách của Nhà nước theo hướng có lợi nhất cho người dân, có phương án bảo vệ môi trường, chuyển đổi nghề nghiệp, bảo đảm đời sống và sản xuất cho những gia đình có đất thu hồi. Tăng cường kiểm tra giám sát quá trình thực hiện dự án, kịp thời phát hiện và xử lý cán bộ nếu có vi phạm để củng cố niềm tin của nhân dân và để dự án ở CCN Nguyên Giáp sớm đi vào hoạt động.

Theo Nguyễn Quốc Vinh (Báo Nhân dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.