Mặc dù dư luận đã lên tiếng rất nhiều về việc giá bán nhà thu nhập thấp tại nhiều dự án ở Hà Nội hiện đang có mức giá cao kèm theo đó thủ tục mua bán rườm rà. Bất chấp tình trạng ế ẩm nhưng dường như các chủ đầu tư vẫn quyết không giảm giá.

Các dự án nhà ở thu nhập thấp tại Hà Nội đang có mức giá trung bình là 10-12 triệu đồng/m2. Trong bối cảnh thị trường bất động sản sôi động, giá nhà ở thương mại giữ ở mức cao trung bình 28-35 triệu đồng/m2 thì mức với mức giá bán trên dưới 10 triệu đồng/m2 được cho là thấp.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường đóng băng, hàng loạt các dự án nhà ở thương mại buộc phải giảm giá với mức trung bình 5-10 triệu đồng/m2. Đáng chú ý, nhiều dự án nhà ở thương mại còn đưa ra mức giá bán thấp 10-13 triệu đồng/m2. Như dự án chung cư Tân Tây Đô (Hoài Đức) có giá bán 13 triệu đồng/m2, dự án chung cư Đại Thanh có mức giá bán 11-12 triệu đồng/m2, dự án . Để có thể giảm giá bán, các chủ đầu tư dự án buộc phải chấp nhận giảm lợi nhuận, tiết kiệm tối đa chi phí để có thể hoàn thành công trình.

Thế nhưng, với các chủ đầu tư dự án nhà ở thu nhập thấp thì gần như không có động thái giảm giá bán xuống. Trong khi việc xây dựng nhà ở thu nhập thấp, các chủ đầu tư được hưởng rất nhiều ưu đãi như miễn tiền sử dụng đất, được hỗ trợ vốn vay lãi suất thấp...và định mức lợi nhuận được hưởng ở mức 10%. Phải chăng vì những lý do vậy nên các doanh nghiệp không giảm giá bán.

Mới đây, chủ đầu tư dự án nhà thu nhập thấp Đặng Xá tiếp tục mở bán các đợt tiếp theo với mức giá 10,3 triệu đồng/m2. Mức giá này được giữ nguyên so với các đợt mở bán trước. Tương tự, dự án nhà thu nhập thấp Kiến Hưng (quận Hà Đông, Hà Nội) cũng vừa được mở bán với mức giá là 11,5 triệu đồng/m2....

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc Cty Đầu tư Phát triển hạ tầng Viglacera thuộc Tổng Cty Viglacera, chủ đầu tư dự án nhà thu nhập thấp Đặng Xá cho rằng, doanh nghiệp không tính đến bài toán giảm giá. Bởi, làm nhà thu nhập thấp ngay từ đầu phải trình duyệt qua các cấp ban ngành nhiều, thiết kế qua Sở Xây dựng, dự toán công trình qua Sở Tài chính kiểm soát. Khi họ phê duyệt giá cũng kiểm soát chặt. Giá này là giá tạm tính. Khi xây dựng có phát sinh về thời điểm, cái này tăng, cái kia giảm... sau này khi quyết toán xong gửi lên các sở kiểm tra lại. Có thể tăng thì phụ thu khách hàng nếu giảm thì sẽ trả lại cho khách hàng. Doanh nghiệp không hạ giá vì nếu hạ giá thì những khách hàng mua trước không biết tính thế nào.

Nhiều chuyên gia cho rằng, nhiều doanh nghiệp có vốn nhà nước rất ngại nói đến hai từ “giảm giá ” bán bởi nó sẽ gây hiểu lầm việc vốn nhà nước bị mất đi hoặc giảm đi do vậy nhiều dự án nhà ở thương mại thậm chí nhà ở thu nhập thấp các doanh nghiệp nhà nước ít khi tính chuyện giảm giá bán. Thực tế cũng đã chứng minh, trên thị trường Hà Nội, phần lớn những dự án giảm giá “sốc” đều rơi vào các doanh nghiệp tư nhân. Họ có thể chủ động, tự quyết và kiểm soát, tiết kiệm đối đa mọi chi phí.

Theo Anh Đào (VnMedia)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.