Đó là một trong những nội dung góp ý Dự thảo Thông tư quy định về trạm thu phí sử dụng đường bộ của VCCI gửi Tổng cục Đường bộ, Bộ GT&VT.

Văn bản kiến nghị do Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn ký gửi ngày 26-9.

Theo VCCI, Dự thảo đã liệt kê rất chi tiết các trường hợp tạm dừng thu phí và thẩm quyền quyết định việc tạm dừng thu phí nhưng chưa đầy đủ do chưa xác định được vai trò của một bên liên quan khác là chủ phương tiện trong công tác này.

“Khi mặt đường xuống cấp, cơ quan quản lý giao thông có thể chưa nhận thấy được ngay, nhưng các lái xe, đặc biệt là các hãng vận tải là người trực tiếp phải chịu hậu quả và có động lực rõ ràng để kiến nghị về việc yêu cầu dừng thu phí”, VCCI lý giải.


Tháng 8-2016, người xã Nghĩa Phương,Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) đã chặn xe tại Trạm thu phí BOT Thiên Tân vì cho rằng chi phí đi qua trạm là quá cao. Ảnh: Zing

Để khắc phục điều này, VCCI đề nghị bổ sung quy định cho phép người dân và doanh nghiệp kinh doanh vận tải, doanh nghiệp có vận tải nội bộ quyền phản ánh, kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền tạm dừng thu phí. Đồng thời, cơ quan nhà nước phải kiểm tra thực tế, trả lời phản ánh kiến nghị và công khai quá trình kiểm tra thực tế.

VCCI cũng kiến nghị bỏ các quy định can thiệp quá sâu vào việc phân công và trách nhiệm của từng người lao động tại trạm thu phí BOT, và vẫn duy trì các quy định về trang phục, thái độ phục vụ của người lao động vì điều này ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ đối với chủ phương tiện.

Về nội dung công khai thời điểm bắt đầu thu phí, địa điểm trạm thú phí… VCCI cho rằng: chi phí sử dụng đường bộ ảnh hưởng tương đối lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp vận tải. Do đó, VCCI đề nghị thông báo công khai thời điểm và địa điểm các trạm thu phí ngay khi chủ đầu tư và cơ quan nhà nước đạt được hợp đồng BOT hoặc hợp đồng nhượng quyền thu phí thì cần thông báo về dự kiến thời điểm bắt đầu thu phí, địa điểm trạm thu phí, công nghệ thu phí, hình thức thu phí, đối tượng thu, mức thu và đối tượng được miễn giảm phí sử dụng đường bộ.

Về vấn đề giám sát các trạm thu phí BOT, VCCI kiến nghị cần phải đảm bảo sự minh bạch các hoạt động của dự án hạ tầng giao thông đường bộ nhằm cân bằng lợi ích giữa chủ đầu tư, nhà nước và người dân.

Theo đó, để giám sát các trạm thu phí BOT, cần phải báo cáo bao gồm bảng kê chi tiết đến từng ngày và số lượng từng loại phương tiện.

“Ví dụ: ngày 19-9-2016 có 123 xe tải, 456 xe con… đi qua trạm thu phí. Các thông tin này phải được công bố rộng rãi chứ không chỉ gửi cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền như tại Dự thảo”, VCCI gợi ý.

Ngoài ra, việc kiểm tra, giám sát (đếm xe) phải được thực hiện định kỳ (khoảng 3 tháng một lần), có sự tham gia chung của cơ quan nhà nước, chủ đầu tư, đại diện doanh nghiệp kinh doanh vận tải, doanh nghiệp có vận tải nội bộ, đại diện HĐND và UBND các cấp, đại diện cơ quan thuế, cơ quan báo chí, và các cá nhân, tổ chức khác có liên quan.

Chân Luận (Pháp luật TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.