Đến nay mới có 8/20 dự án có nguồn vốn đang thi công hoặc chuẩn bị khởi công trong năm 2011 - 2012. Việc đầu tư cho các dự án đường cao tốc theo hình thức BOT hiệu quả tài chính không cao, khó có khả năng hoàn vốn trong khi thu hút đầu tư theo hình thức công – tư (PPP) được xem là hướng mở nhưng lại thiếu khung pháp lý.
Tại Hội nghị lần 5 Kế hoạch phát triển đường bộ cao tốc Việt Nam, do Bộ Giao thông vận tải Việt Nam phối hợp cùng Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông Vận tải và Du lịch Nhật Bản tổ chức ngày 20/8, tại thành phố Đà Nẵng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam Ngô Thịnh Đức cho biết, Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, Việt Nam có 39 tuyến đường bộ cao tốc quốc gia với chiều dài 5.873 km, tổng mức đầu tư 40,5 tỷ USD. Như vậy, vốn đầu tư cần cho đường bộ cao tốc là 70.000 tỷ đồng một năm. Tuy nhiên, do nhu cầu nguồn vốn đầu tư cho Quy hoạch lớn, trong khi vốn ngân sách hạn chế nên đến nay mới có 8/20 dự án có nguồn vốn đang thi công hoặc chuẩn bị khởi công trong năm 2011 - 2012.


Đường cao tốc ở Việt Nam: Quy hoạch lớn, vốn nhỏ
Việt Nam cần tầm nhìn dài hạn hơn trong xây dựng cơ chế quản lý và cấp vốn có hiệu quả. Trong ảnh: Đường cao tốc TP HCM - Trung Lương Ảnh: Lê Quân

Với 40 năm kinh nghiệm xây dựng đường cao tốc, các diễn giả đến từ Nhật Bản đã giới thiệu kinh nghiệm thu phí đường bộ cao tốc ở Nhật để lấy nguồn làm vốn đầu tư xây dựng hạ tầng. Theo đó, vào năm 1966, bằng cách sử dụng hệ thống thu phí chung trên toàn quốc ở Nhật, nước này đã thi công được 200 km một năm. Đến năm 2010, tại Nhật đã có 9.855 km đường cao tốc trong mạng lưới đưa vào phục vụ.


Theo ông Shunji Hata – chuyên gia cao cấp về Quản lý, Vận hành và Bảo trì hệ thống đường cao tốc ở Việt Nam, việc ra đời Cục Đường cao tốc là cấp bách, để quản lý các cơ quan (thi hành việc xây dựng và vận hành đường cao tốc) một cách hiệu quả, đảm bảo kế hoạch, tài chính, thiết kế và chất lượng của công trình được quản lý chặt chẽ. Chuyên gia này cũng chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản về quá trình điều khiển giao thông tại Nhật Bản theo phân luồng thông tin có lắp camera, điện thoại khẩn, trạm quan sát, trung tâm điều khiển giao thông… Ông Hata cũng khuyến cáo về hệ thống biển báo đường bộ Việt Nam còn bất cập, làm lái xe khó nhận biết. “Tình trạng lái xe Việt Nam dừng đỗ bất thường, chở quá tải trọng tại đường cao tốc cũng là một nguy cơ cần lưu tâm”, ông Hata nói.


Theo Thứ trưởng phụ trách về các vấn đề kỹ thuật Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông Vận tải và Du lịch Nhật Bản Naoyoshi Sato, cùng với việc xúc tiến xây dựng phát triển hạ tầng giao thông một cách bền vững, Việt Nam cần tầm nhìn dài hạn hơn trong xây dựng cơ chế quản lý và cấp vốn có hiệu quả.
Theo Nguyên Vũ (Đất Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland