Nỗi lo “liệu 20 năm nữa người ta có còn dùng xi măng không hay là dùng chất kết dính khác”, để từ đó phải tận dụng cho hết tiềm năng đá vôi vào sản xuất xi măng, có lẽ chỉ là ý nghĩ chủ quan.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam phát biểu tại hội thảo - Ảnh: Thùy Dung.

Hội thảo “Xuất khẩu xi măng hướng tới tăng trưởng bền vững” ở Hà Nội được Bộ Xây dựng tổ chức ngay sau một năm xuất khẩu rất thành công của ngành xi măng, với 21 triệu tấn được xuất đi và mang về 1 tỉ đô la Mỹ. Đây là thành tích chưa từng có. Vì vậy, tại hội thảo này Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đề xuất đưa xi măng trở thành sản phẩm xuất khẩu chủ lực vì “Chúng ta có trên 12 tỉ tấn đá vôi, nếu sản xuất xi măng như hiện nay thì sử dụng hàng trăm năm cũng không hết. Liệu 20 năm nữa người ta có còn dùng xi măng không hay là dùng chất kết dính khác”.

Nhưng những người có kinh nghiệm với thị trường xi măng lại nghĩ hoàn toàn khác. Theo họ, xuất khẩu xi măng là thị trường luôn bấp bênh và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đồng thời hiệu quả mà xuất khẩu xi măng mang lại cho doanh nghiệp thường rất thấp, nên việc xuất khẩu chỉ nên xem là một giải pháp tình thế khi nhu cầu tiêu thụ trong nước suy giảm và năng lực sản xuất thì quá dư thừa như hiện nay.

Xi măng là sản phẩm có trọng lượng lớn, cồng kềnh nhưng giá trị lại thấp, nên chi phí xếp dỡ và cước vận chuyển luôn là điều bất lợi về giá thành đối với bất kỳ nhà sản xuất nào trên thế giới. Đây là đặc điểm không thể không tính đến khi muốn đưa xi măng trở thành sản phẩm xuất khẩu chủ lực. Hơn nữa, xi măng bảo quản khó và thời hạn bảo quản ngắn, thường chỉ được khoảng sáu tháng. Chính vì thế, các tập đoàn xi măng lớn của thế giới luôn chọn giải pháp đầu tư sản xuất để đáp ứng nhu cầu cho từng địa phương, thay vì tập trung sản xuất vào một chỗ để xuất khẩu như với một số ngành công nghiệp khác.

Năm ngoái chúng ta đã xuất khẩu được 21 triệu tấn xi măng và clinker, nhưng kinh nghiệm thực tế cho thấy việc xây dựng một thị trường xuất khẩu ổn định, hay bền vững như tên gọi của chủ đề hội thảo nêu trên, là gần như không thể. Vì ngay khi năng lực sản xuất ở một thị trường nào đó tăng lên là lập tức hàng nhập khẩu sẽ bị đánh bại do không thể cạnh tranh về giá. Đây chính xác là những gì đã diễn ra ở thị trường Việt Nam trong những năm qua.

Ngoài ra, cái giá phải trả cho môi trường cũng phải được đưa lên bàn cân khi có ý định đưa xi măng thành sản phẩm xuất khẩu chủ lực. Nguyên liệu chính để sản xuất xi măng là đá vôi. Khai thác đá vôi để làm xi măng là đồng nghĩa với việc phải hy sinh những thảm thực vật, những cánh rừng. Trong khi đó, mỗi tấn xi măng xuất khẩu chỉ thu được khoảng 55 đô la Mỹ, nhưng riêng năng lượng đã chiếm tới 45-50% chi phí sản xuất. Nếu cộng thêm khấu hao thiết bị, lương công nhân và các chi phí khác, thì số tiền kiếm được từ xuất khẩu có đủ bù đắp cho thiệt hại về môi trường?

Đá vôi không phải tài nguyên tái tạo và con số trữ lượng 12 tỉ tấn mà đại diện Bộ Xây dựng công bố không phải là nhiều. Thế nên, nỗi lo “liệu 20 năm nữa người ta có còn dùng xi măng không hay là dùng chất kết dính khác”, để từ đó phải tận dụng cho hết tiềm năng đá vôi vào sản xuất xi măng, chỉ là ý nghĩ chủ quan.

TBKTSG
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.