Tạm dừng dự án bất động sản chậm triển khai không phải là để đẩy doanh nghiệp đến chỗ chết mà là để doanh nghiệp tìm hướng đầu tư mới.

Đây là khẳng định của ông Nguyễn Quốc Tuấn - Phó giám đốc Sở Xây dựng xung quanh chủ trương tạm dừng dự án hiện nay.

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về chủ trương tạm dừng dự án chậm triển khai?

Ông Nguyễn Quốc Tuấn: Việc xem xét tạm dừng các dự án mục đích giải quyết vấn đề cung cầu trên thị trường bất động sản hiện nay. Nếu Chính phủ đã cân nhắc và đưa ra quyết định tạm dừng dự án và được các Bộ, ngành, địa phương thống nhất thì dựa vào từng tiêu chí để áp dụng cho các dự án. Việc tạm dừng này để giải quyết vấn đề cung – cầu hiện nay.

Thưa ông, nếu đưa ra một bộ tiêu chí thu hồi dự án mà áp dụng cho tất cả các địa phương thì có khả thi không?

Thực ra, khi một chính sách ra đời thì không thể nào dàn trải tất cả và không phải tất cả mọi người đều thấy đúng, sẽ có những địa phương chưa phù hợp. Theo mục tiêu chung của Chính phủ, chủ yếu tiêu chí này sẽ đạt ra hai thành phố lớn là TP.HCM, Hà Nội.

Hiện nay, sau khi thông tin tạm dừng được đưa ra, nhiều doanh nghiệp băn khoăn nếu dự án đầu tư rồi, nếu tạm dừng sẽ ảnh hưởng đến các đối tác đầu tư. Thậm chí, trong tiêu chí thu hồi, có cả những dự án đã giải phóng xong 50% mà không triển khai cũng bị thu hồi. Vậy quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Khi thực hiện dự án kinh doanh nhà ở thương mại tất cả các doanh nghiệp đều phải thực hiện theo Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, các doanh nghiệp đã làm nhiệm vụ này phải làm theo luật. Khi áp dụng các tiêu chí vào cho từng dự án, chắc chắn các doanh nghiệp đề xuất và căn cứ vào đề xuất, kiến nghị trong giai đoạn lịch sử, có dự án ra đời khi chưa có luật. Tùy từng trường hợp các cơ quan ban ngành sẽ xem xét cụ thể.

Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Quốc Tuấn - PGĐ Sở Xây dựng Hà Nội


Như vậy, việc căn cứ vào tính đặc thù của các dự án, việc thu hồi có dễ dàng không thưa ông?

Trong quá trình thực hiện các dự án, mỗi dự án có đặc thù riêng. Căn cứ vào các đặc thù riêng, cơ quan quản lý phải đưa ra phương án giải quyết cho phù hợp.

Chúng ta thường xử lý các doanh nghiệp làm sai luật. Trong trường hợp doanh nghiệp không làm sai mà tạm dừng dự án theo ông có cơ sở pháp lý gì để dừng không?

Việc phải dừng dự án là do thị trường bất động sản đang đóng băng, dòng tiền tồn đọng lớn, ảnh hưởng đến nền kinh tế. Chủ trương của Chính phủ là giải quyết hàng tồn đọng này là đúng. Trong khi triển khai thực hiện các doanh nghiệp phải chấp nhận điều này.

Tạm dừng dự án doanh nghiệp có lợi gì không?

Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô hiện nay khi xây dựng các chính sách, Bộ ban ngành đã xem xét rất kỹ. Việc tạm dừng dự án cũng sẽ đặt lợi ích các doanh nghiệp lên hàng đầu. Tạm dừng dự án không phải là để đẩy doanh nghiệp đến chỗ chết mà là để doanh nghiệp tìm hướng đầu tư mới.

Tôi cho rằng, sau khi Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ xem xét các tiêu chí tạm dừng, nếu Chính phủ chấp thuận chắc chắn chính sách đi vào cuộc sống.

Xin cám ơn ông!

Anh Đào (VnMedia)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.