Cuối tuần qua, tại cuộc hội thảo mô hình tiết kiệm nhà ở của CHLB Đức và kinh nghiệm cho Việt Nam, Bộ Xây dựng đưa ra vấn đề: năm 2017, Việt Nam có thể sẽ xuất hiện Ngân hàng tiết kiệm nhà ở. Ý tưởng này không mới vì đã có nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng, khi áp dụng vào Việt Nam, ý tưởng mang mục đích tích cực.

Một chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản chia sẻ, Ngân hàng tiết kiệm nhà ở trước hết khuyến khích tinh thần "tự lực cánh sinh" và kế đến là tinh thần tiết kiệm của người dân. Nói vậy, tức dân Việt Nam không biết tiết kiệm?

Chuyên gia này dẫn giải, nhiều người Việt thu nhập 15 - 17 triệu đồng/tháng, trừ đi sinh hoạt phí, họ cũng còn dư ít nhất 5 triệu đồng. Tuy nhiên, họ không có động lực để tiết kiệm mà tiêu xài rất hoang phí cho nhu cầu cá nhân. Cho nên, đối với họ, chuyện ở nhà trọ hay biệt thự cũng giống nhau, chẳng qua chỉ là có chỗ để ngả lưng!

Rõ ràng, về ý tưởng là tốt, nếu không nói ở khía cạnh nào đó, nó có tác động đến việc khơi thông thị trường. Nhưng điều quan trọng là thực hiện ra sao? Đây luôn là "vướng mắc" không nhỏ trong rất nhiều ý tưởng giải cứu thị trường bất động sản Việt Nam khỏi cơn ảm đạm.

Còn nhớ, câu chuyện gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ cả doanh nghiệp và khách hàng có thể sở hữu căn hộ với lãi vay ưu đãi chỉ 6%/năm (trong thời hạn 10 năm). Sự trông chờ vào tín hiệu hồi phục của thị trường khi gói hỗ trợ này đi vào thực tế dường như khó thành hiện thực.

Với những thủ tục vay nhiêu khê, từ xác nhận của cơ quan đến xã, phường... đã khiến bao người nản lòng. Dù theo như lời quảng bá của nhiều đơn vị phân phối thì khách hàng sẽ được giải ngân trong vòng không quá 1 tuần lễ kể từ lúc ngân hàng thẩm định hồ sơ, nhưng thực tế đã có khách hàng chờ đợi, đi tới, đi lui đến tận... 4 tháng mà vẫn chưa đâu vào đâu.

Do đó, khi triển khai Ngân hàng tiết kiệm, cũng cần quy định rõ về vai trò, trách nhiệm và quyền của tổ chức này. Việc huy động nguồn vốn như thế nào? Tất cả người dân, doanh nghiệp đều có nghĩa vụ góp vốn hay dựa trên tinh thần tự nguyện của từng cá nhân, doanh nghiệp?

Hơn nữa, nếu người dân gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng này thì họ sẽ được hưởng lãi suất ra sao? Cái khó là trong những năm đầu tiên, ngân hàng này sẽ làm gì tạo ra nguồn thu để trả lãi cho người gửi tiết kiệm vào đó?

Và khi họ rút tiền ra, lẫn vay thêm tiền để mua nhà hay sửa nhà thì mức chênh lệch lãi suất sẽ được tính như thế nào?... Còn vô vàn tình huống thực tế có thể phát sinh mà ý tưởng Ngân hàng tiết kiệm phải đặt ra để giải quyết.

Nó không đơn giản theo cách nói của một vị lãnh đạo trong Bộ Xây dựng đã từng chia sẻ với báo chí rằng, thực tế chúng ta có những căn hộ giá chỉ khoảng 200 - 300 triệu đồng (do được Chính phủ miễn tiền sử dụng đất, miễn giảm thuế...) và với mức thu nhập hiện nay, người dân chỉ cần tiết kiệm được 100 - 150 triệu đồng, sau đó vay thêm 150 triệu đồng nữa thì hoàn toàn có thể trả được trong vòng 10 năm, mỗi năm trả 15 triệu đồng.

Nói thì nghe xuôi tai, làm mới khó vì một phát sinh khác là ai sẽ giám sát hoạt động của Ngân hàng tiết kiệm nhà ở này? Nếu chẳng may có sự cố xảy ra thì ai đứng ra lãnh trách nhiệm?

Đỗ Hải (Doanh nhân Sài Gòn)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.