Quy hoạch treo đã và đang khiến hàng chục ngàn người dân đi không được, ở không xong, xây nhà thì bị tháo dỡ nên buộc phải tiếp tục chui rúc trong những căn nhà tạm bợ, không bảo đảm đảm an toàn khiến Đại biểu tỉnh Quảng Nam, ông Trần Xuân Vinh lên tiếng: “Đừng để người dân khổ vì quy hoạch nữa” khi cho ý kiến vào Dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi.

Dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi vừa được Bộ Xây dựng trình Quốc hội cho ý kiến đã dành hẳn một chương với 26 điều để quy định cụ thể về quy hoạch vùng; đô thị; khu chức năng đặc thù (khu kinh tế; khu công nghiệp, khu công nghệ cao; khu du lịch, khu sinh thái; sân bay, cảng biển...) và quy hoạch nông thôn.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quang Nam, ông Trần Xuân Vinh

“Quy định về quy hoạch khá “đồ sộ”, nhưng nghiên cứu kỹ cả 26 điều sẽ thấy trách nhiệm, nghĩa vụ của người dân và Nhà nước không tương xứng. Đây là nguyên nhân khiến khiếu nại, khiếu kiện trong lĩnh vực xây dựng chỉ đứng sau lĩnh vực đất đai”, ông Vinh phân tích.

“Đọc kỹ lại 26 điều quy định về quy hoạch trong Dự thảo Luật Xây dựng, tôi thấy không bảo đảm, thậm chí khó hạn chế được tình trạng tiêu cực trong xây dựng quy hoạch”, Đại biểu Võ Thị Dung nhận định.

Theo bà Dung, Luật Xây dựng chỉ nên điều chỉnh những gì liên quan đến xây dựng để chống thất thoát, lãng phí, tham ô, tiêu cực, còn phần liên quan đến quy hoạch thì phải ban hành Luật Quy hoạch xây dựng để điều chỉnh.

Xây dựng và đất đai là 2 lĩnh vực có mối liên hệ không tách rời. Trong khi Luật Đất đai hiện hành và cả Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi vừa được Quốc hội thảo luận quy định rất rõ 10 quyền của người sử dụng đất thì Dự thảo Luật Xây dựng quy định về quyền của người sử dụng đất đối với diện tích đất trong quy hoạch chung chung, mờ nhạt. Chính điều này khiến nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại.

Năm 1996, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch xây dựng Làng Đại học Đà Nẵng với diện tích hàng chục hec-ta đất. Nhưng đã 17 năm trôi qua, dự án vẫn… chỉ là dự án, khiến người dân trong vùng quy hoạch đi không được, ở không xong, xây nhà không được cấp phép và buộc phải sống trong những ngôi nhà không ra nhà.

“Tôi đã nhiều lần gửi công văn đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xử lý, nhưng đến nay chưa một lần nhận được hồi âm. Người dân sống trong vùng quy hoạch Làng Đại học Đà Nẵng sống quá cực khổ rồi, đừng bắt họ khổ hơn nữa”, ông Vinh lên tiếng.

Tại các khu đô thị, theo nhiều đại biểu Quốc hội, hộ gia đình nào “vướng” vào quy hoạch thì tương lai trở nên mờ mịt.

“Đất đai của người ta có “sổ đỏ”, họ đã sống nhiều đời, khi con cái trưởng thành, lập gia đình riêng, có nhu cầu tách hộ, xây nhà trên chính mảnh đất của cha ông nhưng không thể thực hiện được, nên 3-4 thế hệ với hàng chục nhân khẩu đành phải sống chui rúc trong những ngôi nhà chật hẹp, ẩm ướt; họ muốn bán không được, thế chấp vay vốn cũng không xong… chỉ vì vướng quy hoạch treo kéo dài cả chục năm và chưa biết bao giờ mới kết thúc”, ông Vinh bức xúc.

Theo ông Vinh, nếu sửa đổi Luật Xây dựng lần này mà không quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan xây dựng quy hoạch thì “chúng ta đang bần cùng hóa một bộ phận người dân”.

“Luật phải quy định, người dân nằm trong quy hoạch 5 năm, 10 năm có quyền làm gì mà không phải “xin” bất cứ cơ quan nào”, ông Vinh kiến nghị.

Để tạo điều kiện cho người dân, một số địa phương đã cho phép người dân được “xây nhà tạm” đối với diện tích đất nằm trong vùng quy hoạch 5 năm, 10 năm.

“Phải luật hóa quyền của người dân xây dựng nhà tạm trong vùng quy hoạch thì mới góp phần giải quyết nhà nhu cầu nhà ở cho người dân”, Đại biểu Lê Trọng Sang kiến nghị.

“Anh cho phép người dân xây dựng nhà tạm ở vùng quy hoạch có thời gian 10-15 năm, người ta đều xây dựng nhà 1 trệt 2 lầu trở lên, nhưng mới được 3-4 năm anh thu hồi thì anh phải có trách nhiệm bồi thường cho người dân theo giá thị trường”, ông Sang tiếp tục kiến nghị.

Theo ông Sang, chính sách cho người dân xây nhà tạm trong vùng quy hoạch phù hợp với lòng dân, tạo điều kiện cho người dân không phải sống trong những ngôi nhà quá chật hẹp, ẩm thấp và có nguy cơ đổ bất cứ lúc nào, nhưng luật pháp phải sằng phẳng: người dân xây dựng nhà tạm sai (xây không phép) thì không được bồi thường khi thu hồi đất; ngược lại, Nhà nước sai (thu hồi đất trước thời hạn) thì phải bồi thường.

“Nói là nhà tạm nhưng người dân đều xây “một trệt, hai lầu”. Đây là tài sản cả đời tích cóp của người dân mà không đền bù khi Nhà nước sai là không hợp lý, sẽ khiến nhiều gia đình bị bần cùng hóa”, ông Sang phát biểu.

Hàn Tín (Báo Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.