Trao đổi về quyết định thu hồi nhiều khu đất vàng của TP Hà Nội, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm - Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Hà Nội (nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc) cho biết: “Đừng chỉ đặt ra giá trị của những khu đất là vàng này vàng kia. Vậy việc giáo dục cho thế hệ mai sau có phải là vàng hay không?”.

Trên cơ sở kiến nghị của UBND 10 quận, huyện, Sở Tài nguyên Môi trường đề xuất UBND Thành phố ra quyết định thu hồi khoảng 40 nghìn m2 đất tại các vị trí, khu vực có giá trị kinh tế cao do các đơn vị, doanh nghiệp đang quản lý để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, đặc biệt là trường học.

PV Vland đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm - Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Hà Nội (nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc) về vấn đề này.

Đừng chỉ đặt ra giá trị đất là vàng này vàng kia

PV: Sau quá trình rà soát, đến nay 10/29 quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội đã trình đề xuất bổ sung quỹ đất xây dựng các trường học công lập tại khu dân cư mật độ cao. Một số quận nội thành đã “điểm mặt chỉ tên” hàng chục lô "đất vàng". Xin ông cho biết ý kiến xung quanh vấn đề này?

Ông Đào Ngọc Nghiêm:

Phải khẳng định một điều rằng đây là việc cần làm. Hiện nay quy hoạch về hệ thống giáo dục tại Hà Nội đang còn dưới mức chỉ tiêu của nhà nước. Nên việc tìm những khoảng đất trống để tăng diện tích cho giáo dục là việc cần phải làm.

Chất lượng giáo dục trong nội thành vẫn còn thấp hơn so với quy chuẩn nhà nước. Bình quân trong nội thành Hà Nội chỉ tính khoảng 5m2/học sinh. Trong khi đó quy chuẩn chung là 15m2/học sinh. Quy mô một lớp học cũng cao hơn với quy định của ngành giáo dục nên bị tập trung quá nhiều. Việc tăng diện tích là hợp lý, đúng với định hướng quy hoạch.

Theo quy hoạch việc di dời cơ sở, cơ quan các bộ ngành nên để cho không gian công cộng trong đó có không gian giáo dục. Đó là định hướng quy hoạch đúng đắn đã được chỉ ra rồi.

dự án, đất vàng, quy hoạch, Đào Ngọc Nghiêm, Hà Nội, Lò Đúc, thu hồi
Khu vực Nhà máy rượu Hà Nội 94 Lò Đúc nằm trong đề xuất thu hồi

PV: Trong đề xuất thu hồi đất để xây trường lần này của TP có không ít khu đất vàng được định giá không chỉ là “tấc đất tất vàng” mà là vàng ròng. Chính vì vậy dư luận đặt ra vấn đề nếu việc thu hồi không minh bạch có thể làm phát sinh nhiều vấn đề xung quanh đó. Ý kiến của ông ra sao, thưa ông?

Ông Đào Ngọc Nghiêm:

Thực ra thì không có vấn đề gì cả. Đừng chỉ đặt ra giá trị của những khu đất là vàng này vàng kia. Vậy việc giáo dục cho thế hệ mai sau có phải là vàng hay không? Điều đó còn hơn vàng nữa. Không thể để việc kinh doanh phí đất đai như vậy. Vấn đề là anh phải thấy trách nhiệm với xã hội chứ không phải là đòi hỏi những lợi ích cá nhân.

Như tôi đã nói việc dành đất cho trường học là cần thiết. Và càng với những khu đất vàng lại càng cần phải thể hiện quyết tâm thực sự.

Nâng cao vai trò của chính quyền

PV: Đây không phải là lần đầu tiên TP có quyết định thu hồi đất làm trường học. Suy cho cùng đây vẫn chỉ là chuyện cũ nhắc lại. Như tại khu vực Nhà máy rượu Hà Nội 94 Lò Đúc đã có quyết định thu hồi từ năm 2009 nhưng đến nay vẫn bất động. Ông nghĩ sao về những câu chuyện cũ này vẫn được quyết đi quyết lại trong nhiều năm qua?

Ông Đào Ngọc Nghiêm:

Từ khi tôi còn làm quy hoạch khu vực nhà máy rượu đã có quyết định di dời và đã cấp giới thiệu địa điểm di dời rồi. Trong quy hoạch của quận Hai Bà Trưng từ những năm 2000, đã tổ chức có thêm một trường mẫu giáo, 2 trường THPT và 1 vườn hoa công cộng.

Nhưng 13 năm nay quy hoạch đó vẫn chưa được thực hiện. Và lần này phải thể hiện sự quyết tâm của TP thực hiện Luật Thủ đô. Đó là việc làm cần thiết. Bản thân việc này cũng không phải là mới mà đã được thông báo từ rất lâu rồi.

Hơn 10 năm nay đã có quyết định thu hồi, quyết định là phải chuyển đổi chức năng. Là anh phải di dời phải dành đất đó cho quy hoạch. Quyết định lần này của TP chỉ là sự thể hiện quyết tâm mới của TP thôi.

Khu vực Nhà máy rượu Hà Nội 94 Lò Đúc nằm trong đề xuất thu hồi

PV: Tuy nhiên, nếu chỉ quyết tâm thôi thì chưa đủ. Ông có đề xuất gì để đề xuất lần này được thực hiện hiệu quả?

Ông Đào Ngọc Nghiêm:

Đề xuất rõ ràng và lớn nhất là phải kiên quyết thực hiện theo quy hoạch. Chúng ta hay nói là có quy hoạch treo nhưng cần phải khẳng định rằng quy hoạch là cần nhưng tổ chức thực hiện quy hoạch còn cần hơn.

Để thực hiện quy hoạch thì không phải chỉ có chính quyền quyết liệt mà vấn đề đòi hỏi là các chủ đầu tư phải tuân thủ quy hoạch. Vì quy hoạch là cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện. Vậy thì quy hoạch đã được cộng đồng dân cư nhất trí, chính quyền phê duyệt thì vấn đề còn lại ở đây là phải kiên quyết thực hiện quy hoạch.

Ở đây phải nâng cao vai trò của chính quyền nhưng đồng thời cũng phải kêu gọi chủ đầu tư những người quản lý khu đất đó phải vì trách nhiệm thủ đô vì anh đã chần chứ đến 10 năm không thực hiện rồi.

Hồng Khanh (Vland)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.