Dù Hà Nội đã có những quy định trong quản lý trật tự xây dựng (TTXD), nhiều công trình xây vượt tầng đã bị “cắt ngọn”. Thế nhưng mới đây hàng loạt cao ốc có quy mô lớn tại các quận nội thành xây vượt tầng lại đang tái diễn.
Cao ốc nội đô thi nhau xây vượt tầng
Cao ốc nội đô thi nhau xây vượt tầng.

Nhà sai phép lọt mắt công quyền

Năm 2007, trong cao điểm xử lý các công trình cao tầng xây dựng sai phép của Hà Nội, quận Hai Bà Trưng đã tiên phong khi tiến hành “cắt ngọn” toà nhà cấp phép tầng 7 xây thành 12 tầng tại phố Bạch Mai để làm gương. Thế nhưng thời gian gần đây, nhiều công trình mặt phố trung tâm của quận này đã được nâng tầng sai phép.

Nhiều công trình trên địa bàn quận Hai Bà Trưng có quy mô lớn, đều xây cao trên 10 tầng đến 13 tầng. Các tuyến phố như Triệu Việt Vương, Bùi Thị Xuân, Mai Hắc Đế, Đoàn Trần Nghiệp đã có hơn 10 công trình thuộc thẩm quyền cấp phép của quận hiện đang xây dựng hoặc đang hoàn thiện với quy mô lớn, không phù hợp với cảnh quan và nội dung giấy phép được cấp.

Tại phố Triệu Việt Vương-một con phố khá ngắn nhưng tập trung nhiều công trình xây dựng vi phạm như công trình số 19 hiện là tòa nhà cao 11 tầng đang được xây dựng; kế đó là công trình số 22 hay công trình số 28-30 cũng cao trên 10 tầng; công trình số 92-94 cao 10 tầng.

Song song với phố Triệu Việt Vương, nhiều công trình quy mô lớn khác cũng đang trong quá trình hoàn thiện ngay mặt phố Bùi Thị Xuân như công trình tại số 135-137 cao 11 tầng; công trình số 167-169 cao 13 tầng; công trình số 72-74 Đại Cồ Việt cao 11 tầng.

Tại các phố như Mai Hắc Đế, Đoàn Trần Nghiệp cũng mọc lên nhiều công trình cao từ 10 đến 12 tầng, vượt trần quy định 2-4 tầng.

Còn tại quận Hoàn Kiếm, nhiều công trình “khủng” ngang nhiên được xây sai phép, vượt tầng. Tại các tuyến phố như Hàng Gà, Hàng Điếu, Lò Rèn, Mã Mây, Hàng Than, Bát Đàn, Gia Ngư..., dù là những khu phố cổ thuộc diện bảo tồn (chỉ được xây dựng tối đa 4 tầng-PV), nhưng hiện tại nhiều công trình được xây vượt từ hai đến bốn tầng đua nhau mọc lên.

Điển hình phố Gia Ngư chỉ dài vài trăm mét nhưng có đến hai công trình cao 8 tầng gồm công trình số 38 và số 43. Tại phố Bát Đàn, Bát Sứ, Hàng Gà thuộc phường Hàng Bồ, hàng loạt khách sạn hiện đại cao sừng sững như: số 10 Bát Đàn cao 10 tầng; công trình 31 Hàng Gà cao 9 tầng, công trình Bát Sứ cao 7 tầng.

Ngay các tuyến phố trung tâm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, nhiều công trình cũng xây vượt tầng gây bức xúc cho người dân như công trình sai phép tại số 55A-55B phố Bà Triệu (phường Hàng Bài). Theo giấy phép được cấp, công trình này được phép xây dựng 9 tầng+tum. Song thực tế, hiện nay công trình này đã xây lên tới 13 tầng.

Dung túng và bao che

Theo Thanh tra Sở Xây dựng, các quận nội thành lại có nhiều trường hợp xây vượt tầng bởi sự lỏng lẻo trong quản lý TTXD. Đặc biệt, một số quận bị đánh giá là để tồn đọng nhiều công trình vi phạm với quy mô lớn, nghiêm trọng như quận Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm...

Những công trình “chọc trời” xây sai phép kể trên dù nằm ngay mặt phố lớn trung tâm, nhưng những vi phạm của các chủ đầu tư đã không được chính quyền sở tại kiên quyết xử lý ngay từ đầu. Chỉ đến khi dư luận lên tiếng, có sự chỉ đạo của lãnh đạo thành phố thì UBND các quận mới tiến hành lập đoàn kiểm tra, xử lý.

“Quận đã lập đoàn kiểm tra những công trình vi phạm trên và sẽ đề xuất hướng xử lý cụ thể sai phạm của từng công trình. Chúng tôi sẽ làm rõ trách nhiệm của cán bộ phường, thanh tra xây dựng”- Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng, ông Lâm Anh Tuấn cho biết.

Ông Phan Văn Bảo- Chánh Thanh tra Sở Xây dựng cho rằng, nếu chính quyền làm hết trách nhiệm, hết thẩm quyền của mình ngay từ khi phát hiện vi phạm thì chắc những công trình sai phép trên không thể tồn tại và các chủ công trình sẽ không dám ngang nhiên vi phạm.

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, một trong những nguyên nhân khiến tình trạng vi phạm TTXD trên địa bàn vẫn diễn ra phức tạp là do chính quyền một số địa phương buông lỏng quản lý, khi phát hiện vi phạm thì xử lý không kiên quyết, thậm chí còn bao che, dung túng cho vi phạm.

Mục tiêu kiểm soát nhà cao tầng để giảm tải cho nội đô và bộ mặt đô thị của Thủ đô sẽ khó thực hiện khi mà cách xử lý vi phạm lại đang “giúp” cho nhiều người vi phạm.

Theo Tiền Phong
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.