Những người muốn mua bất động sản tại thời điểm này cần cân nhắc 2 yếu tố: Tính pháp lý và năng lực của chủ đầu tư.

Dù hàng loạt chính sách cho bất động sản (BĐS) đã được khai thông nhưng vẫn chưa thể lấy được lòng tin từ các khách hàng. Nhiều chủ đầu tư đang lâm vào thế khó, nếu không thoát ra được sẽ cầm chắc... phá sản.

Giải phóng hàng tồn

“Tự cứu mình trước khi trời cứu. Không thể ngồi chờ ngân hàng hay Nhà nước cứu mình...” đang trở thành kim chỉ nam của các doanh nghiệp. Để thực hiện, các chủ đầu tư đã mạnh tay giải phóng lượng hàng tồn quá lớn và cuộc đua săn khách với đủ kiểu giảm giá, ưu đãi lãi suất, chiết khấu cao được đưa ra ồ ạt giữa lúc thị trường địa ốc trầm lắng.

Theo Hiệp hội BĐS TPHCM (Horea), hiện hầu hết doanh nghiệp địa ốc đã làm mọi cách có thể để tồn tại. Nhiều doanh nghiệp chấp nhận bán tháo, lỗ tới 50% nhưng vẫn phải bán. Cách thứ hai là làm nhỏ diện tích căn hộ, giảm bớt chiều cao số tầng nhằm bán được hàng. Chẳng hạn, một doanh nghiệp có dự án ở quận Gò Vấp đã chủ động giảm chiều cao dự án từ 15 tầng xuống còn 12 tầng, diện tích căn hộ cũng thu nhỏ từ 80 - 100 m2 xuống còn 50 - 60 m2, với hy vọng giá thành không vượt quá tầm với của người dân.


Các doanh nghiệp đang tung nhiều chiêu để thu hút khách hàng mua nhà. Ảnh: TẤN THẠNH

Mới đây, Công ty Nam Long chào hàng dự án Ehome 3 Tây Sài Gòn tại đường Hồ Học Lãm (quận Bình Tân) giá thấp nhất 615 triệu đồng cho căn hộ 2 phòng ngủ. Dù giá trị sản phẩm đã được cho là khá mềm, trong ngày mở bán, chủ đầu tư vẫn quyết định giảm giá 4% cho 100 căn đầu tiên.
Động thái này đã thu hút nhiều khách hàng mua nhà. Một dự án thuộc phân khúc 1,5 tỉ đồng sắp giao nhà trong quý IV năm nay cũng mạnh tay chiết khấu lớn để đẩy hàng đi. Ngày 12-8, Công ty Hung Thinh Land sẽ mở bán căn hộ The Harmona (quận Tân Bình) do Công ty Cổ phần Thanh Niên làm chủ đầu tư có giá 1,5 tỉ đồng/căn. Do chỉ còn căn hộ diện tích lớn từ 74 - 99 m2, chủ đầu tư áp dụng chính sách thanh toán 30%, khách hàng sẽ nhận được ngay mức chiết khấu lên đến 200 triệu đồng.

Khách hàng chờ giảm hơn nữa

Cũng theo nhận định của Horea, trong năm 2011 và những tháng đầu năm 2012, thị trường BĐS TPHCM tiếp tục gặp nhiều bất ổn, giá cả sụt giảm ở tất cả các phân khúc thị trường, số lượng giao dịch giảm mạnh. Rất nhiều doanh nghiệp BĐS tiếp tục gặp khó khăn, có những doanh nghiệp trên bờ phá sản.
Bên cạnh đó, việc các doanh nghiệp không đủ khả năng trả nợ các khoản vay bắt buộc phải bán BĐS đang nắm giữ bằng giá thành đầu tư, thậm chí còn thấp hơn giá thành, do vậy giá nhà ở tại thời điểm này đang là giá rất thuận lợi cho những người có nhu cầu thực về nhà ở. Tuy nhiên, tâm lý của nhiều khách hàng hiện nay vẫn chờ giá nhà thấp hơn nữa mới chịu mở “hầu bao”.

Tổng Giám đốc Công ty Địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn Đoàn Chí Thanh cho biết: Thị trường lúc này thuộc về người mua và đang diễn ra cuộc đua về giá. Do vậy, các hình thức chiết khấu, ưu đãi ít nhiều đã tác động tích cực đến thị trường. Nếu chủ đầu tư có điều khoản áp dụng không quá khắt khe, chương trình chiết khấu hấp dẫn sẽ tạo ra sự kích cầu không nhỏ... “Thực tế nhà càng rẻ, bán càng nhanh. Đó cũng là lý do vì sao căn hộ 1 tỉ đồng trở xuống đang lấn át các sản phẩm có giá cao hơn” - ông nói.

Các chuyên gia địa ốc khuyến cáo lúc này tuy người mua nhà có nhiều cơ hội tìm hiểu, so sánh và chọn sản phẩm nhưng không nên chỉ nhìn vào giá bán mà cần dung hòa các yếu tố: pháp lý, chất lượng công trình, hạ tầng và tiến độ triển khai dự án. Những người có nhu cầu thực sự nếu muốn mua BĐS tại thời điểm này cần cân nhắc 2 yếu tố: Tính pháp lý và năng lực của chủ đầu tư.

Thị trường đang phân hóa mạnh

Thị trường đang xuất hiện nhiều căn hộ giá từ 600 triệu đến 1 tỉ đồng, trong đó phân thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất là dự án mới, khoảng 2 năm nữa mới bàn giao nhà, giá tối thiểu 600-700 triệu đồng/căn. Nhóm thứ hai là dự án cũ, bán hàng tồn hoặc giai đoạn cuối, nhận nhà ngay, giá thấp nhất 1 tỉ đồng/căn nhưng chỉ trả 50% là được nhận nhà, phần còn lại trả góp. Sự phân hóa các nhóm sản phẩm này góp phần tạo nên sự đa dạng cho thị trường địa ốc, giúp người mua có nhiều sự lựa chọn tùy theo khả năng tài chính và nhu cầu về nhà ở.

Theo Người Lao Động
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.