TPHCM được thiên nhiên ban tặng một dòng sông Sài Gòn chảy uốn lượn giữa lòng đô thị, như một tài nguyên vô giá. Thế nhưng, dường như không mấy ai quan tâm đến việc làm cho cảnh quan bờ sông ngày càng đẹp hơn.

Bờ sông Sài Gòn bị chiếm làm bãi giữ xe.

Nhiều trường hợp lấn chiếm dọc bờ sông Sài Gòn của những năm trước chưa được xử lý triệt để, thì cứ mỗi năm lại có thêm hàng chục trường hợp vi phạm phát sinh.

Tình trạng này đang dần biến hành lang dọc bờ sông Sài Gòn đáng ra được cải tạo thành cảnh quan thiên nhiên đặc trưng của thành phố, thì lại trở thành của riêng một số tổ chức, cá nhân và thi nhau “xẻ thịt”!

Mạnh ai nấy chiếm

Tuy TPHCM đã ban hành riêng một quy định về quản lý, sử dụng hành lang bờ sông, kênh rạch trên địa bàn, song mỗi năm vẫn có vài chục vụ vi phạm lấn chiếm được phát hiện, từ quy mô nhỏ lẻ hộ gia đình cho đến quy mô cả một dự án lớn. Những vụ vi phạm nổi cộm được các cơ quan chức năng phát hiện chủ yếu thuộc các dự án bất động sản trên địa bàn Q.2.

Với giá trị cảnh quan dọc bờ sông Sài Gòn nằm tại P.Thảo Điền mang lại, Cty TNHH xây dựng và kinh doanh nhà Văn Minh không ngần ngại thi công tuyến kè dài 140m và xây 9 căn biệt thự không đúng quy hoạch, thiết kế do cơ quan chức năng phê duyệt, lấn chiếm hành lang bảo vệ sông từ 2-7,6m. Cũng trên địa bàn P.Thảo Điền, trong quá trình xây dựng khu nhà ở, Cty TNHH Hải Vương đã xây bờ kè dài 376m lấn ra sông Sài Gòn, san lấp mặt bằng lấn chiếm hành lang bảo vệ sông Sài Gòn.

Chưa hết, Cty này còn đóng cừ tràm, lấn rạch Ông Chùa 108,8m2, san lấp không phép một phần diện tích nằm trên kênh rạch...

Không chỉ đối với các tổ chức, những hộ cá nhân cũng đua nhau lấn chiếm sông, hành lang bờ sông Sài Gòn để xây dựng nhà cửa, hàng quán tràn lan. Mới đây nhất, Khu quản lý đường thủy nội địa đã phát hiện một trường hợp hộ 281/20 Ung Văn Khiêm (P.25, Q.Bình Thạnh) xây dựng, sửa chữa nhà với quy mô dài dọc sông 26,7m, rộng 11m (tổng diện tích gần 300m2) nằm hoàn toàn trong hành lang bảo vệ sông Sài Gòn.

Thậm chí, có hộ còn bạo dạn hơn khi vi phạm lấn chiếm hành lang bờ sông để xây dựng những căn nhà với quy mô 4-5 tầng như hộ 243-245 đường Ung Văn Khiêm (mặt sau giáp sông Sài Gòn) cũng thuộc P.25, Q.Bình Thạnh. Tuy được chính quyền địa phương cấp phép xây dựng, nhưng do thiếu kiểm tra, giám sát nên đến khi công trình sắp hoàn thành, các cơ quan chức năng mới phát hiện phần cấu trúc xây dựng sai giấy phép của 4 tầng lầu lên đến gần 3.500m2.

Tương tự, tại ấp Hòa An (xã Trung An, huyện Củ Chi), một hộ cá nhân đã tự ý đóng cọc dừa lấn chiếm sông Sài Gòn với chiều dài 170m, rộng 9m, tương ứng với tổng diện tích hơn 1.500m2...

Thống kê của Sở GTVT cũng cho thấy, trong số khoảng 100 trường hợp vi phạm lấn chiếm sông – rạch và xây dựng trên hành lang an toàn bờ sông được phát hiện năm vừa qua thì có đến khoảng 30 trường hợp nằm trên khu vực sông Sài Gòn, với tổng diện tích vi phạm lấn chiếm lên đến trên 8.000m2.

Muốn ngắm sông phải... trả tiền

Theo quy định của UBND TPHCM, hành lang bờ sông Sài Gòn rộng 30-50m, tính từ mép sông trở vào bờ. Mục tiêu của hành lang bờ sông chủ yếu xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật như đường giao thông, công viên, cây xanh và đảm bảo môi trường...

Hành lang bờ sông Sài Gòn bị biến thành của riêng, thành nơi mở quán bán hàng.


Thực tế qua khảo sát của PV, dọc bờ sông Sài Gòn đi qua địa bàn các quận, huyện (Củ Chi, Hóc Môn, 12, Thủ Đức, 9, Bình Thạnh, 1, 2...) dài hàng chục kilômét, đâu đâu cũng thấy nhà cửa, biệt thự, hàng quán, sân tennis đua nhau mọc lên lấn sát ra sông. Trong khi đó, đối với những đoạn hành lang bờ sông thông thoáng, cảnh quan đô thị bắt mắt nhằm phục vụ cho người dân tản bộ, thư dãn, thưởng ngoạn thì tìm đỏ mắt cũng chẳng thấy đâu.

Ngay cả như hành lang dọc hai bờ sông Sài Gòn nằm ngay khu vực trung tâm (bờ Q.1 và Q.2), tuy đã được xây kè, trồng cây xanh, công viên hẳn hoi, song phần lớn cũng bị trưng dụng làm nơi giữ xe, hàng quán bày biện tràn lan lấn ra sát mép sông, làm thu hẹp không gian dành cho công cộng. Người dân muốn ngắm dòng sông, cảnh quan đành phải đứng từ xa xa, hoặc chấp nhận hòa vào những khoảng không gian chật hẹp còn sót lại.

Tình trạng này diễn ra gần như phổ biến dọc hai bờ sông Sài Gòn (đoạn đi qua Q.Bình Thạnh), hầu hết đều đã được các chủ nhà hàng, quán ăn, càphê, sân tennis, bãi giữ xe biến thành của riêng, thậm chí có hộ còn đóng cọc ra ngoài sông như để xí phần. Hành lang bờ sông Sài Gòn vốn là của chung, giờ đây đang bị biến thành của riêng. Người dân muốn xách cần câu ra bờ sông ngồi câu cá giải trí, hay tận hưởng một chút làn gió sông lồng lộng, đành phải chấp nhận trả tiền để mua chỗ ngồi.

Ngồi ngắm sông, hóng mát trong một khoảng không gian chật hẹp tại một bờ sông được xây kè ở Thanh Đa, anh Vũ Hiền bức xúc phản ánh: “Sau một ngày làm việc mệt mỏi, đến đây để thư dãn, xả stress, nhưng cũng chỉ ngồi được đến hơn 17 giờ là phải cuốn gói về, vì có người đến đuổi đi để căng dây phục vụ giữ xe cho những quán nhậu bên cạnh”.

Trong khi đó, ông Phạm Văn Nghĩa (73 tuổi), tay dắt chiếc xe đạp đang loay hoay tìm chỗ hóng mát, chỉ tay vào khu nhà hàng ẩm thực Thanh Đa và đầy rẫy hàng quán ven sông khác, lắc đầu nói: “Muốn ngắm sông phải vào những nơi đó uống nước, chứ vào đó ngồi mà không gọi gì thì đảm bảo chưa đầy 5 phút, mình phải là người ra đi”...

Với giá trị “tấc đất là tấc vàng” như tại TPHCM, nếu quy thành tiền thì tổng giá trị đất ven sông Sài Gòn bị lấn chiếm mỗi năm ước tính hàng chục tỉ đồng. Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây không chỉ là tiền, mà tình trạng lấn chiếm diễn ra tràn lan như hiện nay đang làm tan nát cảnh quan và hủy hoại môi trường dọc bờ sông Sài Gòn - vốn được xem như cái hồn của một đô thị hơn 300 năm tuổi.

Theo Lao Động
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.