Theo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2012 mà QH đã thông qua, chỉ tiêu về lạm phát được ấn định dưới 10%. Các chuyên gia nhận định rằng, nhiều khả năng lạm phát năm 2012 của Việt Nam sẽ được khống chế ở mức 1 con số. Tuy nhiên, chỉ cần một sai lầm nhỏ trong điều hành chính sách tài chính hay một cú sốc lớn từ bên ngoài, lạm phát của Việt Nam sẽ không thể giữ ở mức 1 con số.

Trao đổi với chúng tôi, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) Ts Võ Trí Thành cho rằng, cách đây khoảng 2 tháng, chúng ta nhìn mục tiêu đưa lạm phát về 1 con số tính theo cùng thời kỳ là rất khả quan. Tuy nhiên, trong bối cảnh ảm đạm của kinh tế thế giới, đặc biệt có thể có những cú sốc ở bên ngoài, về giá dầu do bất ổn chính trị chẳng hạn, khiến nhận định của các chuyên gia không còn được lạc quan như trước. Đó là chưa kể đến việc chúng ta vừa tăng giá xăng dầu, tới đây nhiều khả năng điều chỉnh giá điện, rồi điều chỉnh mức lương tối thiểu. Tuy vậy, đánh giá chung là khả năng giữ được lạm phát dưới một con số vẫn khả quan hơn so với chiều ngược lại.

Theo dự đoán mới nhất của Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF trong thời gian đoàn làm việc tại Việt Nam, lạm phát năm nay của nước ta so với cùng kỳ ở mức 9,5%. Như vậy, nhiều khả năng chúng ta có thể giữ được mục tiêu lạm phát ở mức 1 con số, với điều kiện không có cú sốc quá lớn từ bên ngoài. Chỉ số lạm phát tháng 3 khá là thấp, do nhiều mặt hàng lương thực thực phẩm tháng 3 này giảm. Ts Võ Trí Thành phân tích, nếu CPI khoảng 0,3-0,4% thì lạm phát tính theo năm tháng 2/2012 của chúng ta là 16,4% thì tháng 3 sẽ giảm xuống dưới 15%. Tháng tư năm ngoái lạm phát của chúng ta trên 4%, lạm phát tháng 4 năm nay, nếu tính cả tác động do giá dầu của chúng ta tăng, ước khoảng 10,5%, kéo theo lạm phát tính theo năm của chúng ta tháng tư tới sẽ giảm xuống dưới 13%. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước đang tiếp tục giải quyết vấn đề thanh khoản, giải quyết các ngân hàng yếu, hạ lãi suất VNĐ từ từ. Điều mà các nhà kinh tế mong mỏi là cả hệ thống tài chính ngân hàng, thanh khoản, chỉ số lạm phát đều tốt thì chúng ta có thể sớm xóa bỏ trần lãi suất.


Đưa lạm phát 2012 xuống 1 con số: Có thể và không thể
Nguồn: chaobuoisang.net

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố quyết định điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành và lãi suất tiền gửi bằng VND ở mức 1%. Động thái này của ngân hàng Nhà nước được kỳ vọng sẽ làm ấm lại thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán. Khi lãi suất tiền gửi ngân hàng giảm, một nguồn tiền sẽ chuyển sang thị trường chứng khoán và bất động sản, vực các thị trường này khỏi sự đóng băng. Điều này đồng thời sẽ góp phần giải quyết nợ xấu tại các ngân hàng, hiện được các chuyên gia nhận định con số thực tế đang ở mức 12-15% chứ không phải là con số 3% như công bố. Tuy nhiên, còn sớm để khẳng định thị trường bất động sản và chứng khoán sẽ ấm lên. Mặt khác, các chuyên gia cũng cảnh báo, việc sớm nới lỏng chính sách tiền tệ hay bỏ trần lãi suất sẽ tạo ra cuộc đua lãi suất của các ngân hàng nhỏ, điều này đồng nghĩa với việc đẩy lãi xuất VNĐ lên cao, đồng nghĩa với việc lạm phát tăng trở lại. Vì vậy, nhà quản lý đang dằng co giữa việc nên hay chưa nên bỏ trần lãi suất ở giai đoạn này.

Trong một trao đổi mới đây, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng ANZ Warren Hogan cũng đưa ra nhận định, lạm phát của Việt Nam đang giảm xuống và có thể giảm xuống 1 con số trong năm nay, nhưng vẫn còn áp lực, rủi ro lớn. Lạm phát giảm do chính sách thắt lưng buộc bụng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước; tăng trưởng toàn cầu và khu vực bị chậm lại và giá cả hàng hóa, đặc biệt là giá lương thực thực phẩm có xu hướng giảm. Lạm phát của Việt Nam có thể vẫn ở mức 2 con số cho đến nửa sau của năm 2012. Rủi ro từ việc tăng giá vẫn còn, nhất là tăng giá dầu và việc nới lỏng tiền tệ quá sớm và quá mạnh.

Ông Warren Hogan khuyến nghị, tương lai gần, thách thức chính sách của Việt Nam là việc cần đạt được sự cân bằng giữa mức tăng trưởng mong muốn và kiềm chế lạm phát. Nếu lạm phát giảm xuống và ổn định ở mức một con số thì tăng trưởng GDP có thể quay lại mức tiền măng là 7,0% - 7,5%, với điều kiện môi trường bên ngoài thuận lợi. Hơn nữa, dòng tiền từ các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục đổ nhiều vào Việt Nam nhờ điều kiện địa lý thuận lợi và một lực lượng lao động trẻ, có tính cạnh tranh. Các cải cách cơ cấu trong những năm tiếp theo, bao gồm cải thiện cơ sở hạ tầng và cải cách hệ thống ngân hàng cũng như các doanh nghiệp nhà nước cần thực hiện triệt để mới có thể nâng cao năng lực cạnh tranh và tính sáng tạo của nền kinh tế, tạo ra môi trường kinh tế vĩ mô bền vững hơn.

Các chuyên gia nhận định, khủng hoảng kinh tế Mỹ và châu Âu bắt đầu có những tín hiệu khả quan, song khả năng rủi ro vẫn còn rất lớn. Cùng với đó là bất ổn về chính trị tại một số quốc gia sở hữu dầu thô, đặc biệt là khu vực Tây Á vẫn chứa đựng nguy cơ đẩy giá dầu và giá lương thực lên cao, tạo ra một cú sốc mạnh giáng vào nền kinh tế chưa kịp bình phục của thế giới, kinh tế Việt Nam cũng không nằm ngoài ảnh hưởng này. Và nếu điều đó sảy ra, thì chính sách tài chính có linh hoạt và hiệu quả, chúng ta cũng khó có thể hạ lạm phát xuống 1 con số như chỉ tiêu ban đầu.

Theo Đại biểu nhân dân
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: tai chinh