Theo tính toán từ Bộ Tài chính, số thu ngân sách từ đất có thể đạt từ 4 - 5 tỷ USD/năm. Nhiều doanh nghiệp kéo dài thời gian hoàn thành nghĩa vụ tài chính đất đai, chiếm dụng vốn của Nhà nước.
Trụ sở làm việc của cơ quan Nhà nước và cơ sở hoạt động hiện nay chiếm khoảng 1,5 tỉ m2, tương đương 594.000 tỉ đồng. Bên cạnh đó còn có hơn 100.000 m2 nhà với tổng giá trị khoảng 138 tỉ đồng. Xét về giá trị, số nhà đất thuộc sở hữu nhà nước tại các cơ quan, đơn vị, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước (gọi chung là DN nhà nước) hiện chiếm đến 97,2% giá trị tài sản DN nhà nước.

Riêng các DN nhà nước đang quản lý, sử dụng khoảng 155 triệu m2 đất và ở những vị trí đắc địa, có giá trị thương mại cao. Điển hình là trụ sở của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tại số 75 Đinh Tiên Hoàng, đối diện Hồ Hoàn Kiếm - Hà Nội hoặc Tổng Công ty Đường sắt tại số 136 Hàm Nghi, quận 1 – TPHCM
Đó là một trong những vấn đề được đưa ra tại hội thảo khoa học Khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai và tài sản nhà nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, do Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) tổ chức cuối tuần qua.

Khung giá nhanh chóng bị lạc hậu so với giá thị trường

Theo khẳng định của Bộ Tài chính, tại nhiều thành phố lớn, một bộ phận đất đai, trụ sở làm việc của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp bị sử dụng lãng phí, sai mục đích, thậm chí bỏ trống, khai thác chưa hiệu quả... dẫn đến thất thoát tài sản nhà nước. Doanh nghiệp được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng chậm triển khai thực hiện dự án đầu tư theo quy định, nhiều trường hợp sẵn sàng chịu chấp nhận phạt chậm nộp để giữ đất, kéo dài thời gian hoàn thành nghĩa vụ tài chính đất đai, chiếm dụng vốn của Nhà nước.

Theo số liệu của hệ thống thuế, thu từ thuê đất trong năm 2010 là 3.000 tỷ đồng, nếu chia số này cho khoảng 200.000 doanh nghiệp (DN) thuê đất, thì mỗi DN đóng bình quân là 1,5 tỷ đồng/năm. Nếu tính theo diện tích trên một mét vuông thì bình quân cả nước chỉ thu tiền thuê đất là 2.316 đồng/m2, nhiều DN chỉ đóng từ 800-1000 đồng/m2. Rõ ràng chi phí tiền thuê đất quá thấp.

Ông Phạm Đình Cường (Cục Quản lý công sản) cho rằng, tình trạng này là do chính sách trong giai đoạn vừa qua chú trọng về ưu đãi đầu tư và ưu đãi sản xuất để thu hút đầu tư. Đất thuê của Nhà nước thì rất rẻ nhưng đất mặt bằng thuê của tư nhân lại rất đắt. Đây là một hậu quả xấu và không đảm bảo tính thị trường.

Cũng theo Bộ Tài chính, việc lãng phí nguồn thu ngân sách nhà nước từ đất đai còn do khung giá đất ban hành chưa sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Các mức giá đất trong khung giá nhanh chóng bị lạc hậu làm hạn chế tính chủ động của địa phương. Biên độ giữa giá đất tối đa và giá đất tổi thiểu trong khung giá của mỗi loại đô thị, mỗi loại xã có khoảng cách rất lớn (từ 1,5 đến 67,5 triệu đồng đối với đất ở tại đô thị loại đặc biệt; từ 4.000 đến 135.000 đồng và từ 1 đến 71.000 đồng đối với đất nông nghiệp trồng cây hàng năm tại xã đồng bằng và xã miền núi).

Do bị giới hạn bởi khung giá đất do Chính phủ quy định nên giá đất trong Bảng giá đất tại nhiều địa phương vẫn thấp xa so với giá đất thị trường (phổ biến chỉ bằng 30%-60% giá thị trường). GS.TS Đặng Hùng Võ dẫn chứng, ở Hà Nội, mức giá tối đa là 81 triệu đồng/m2 thuộc về phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Lý Thái Tổ - quận Hoàn Kiếm và "giá này chỉ bằng 10% so với giá thị trường”. Giá đất trong Bảng giá đất năm sau thường cao hơn năm trước nên việc bồi thường, giải phóng mặt bằng nhất là những dự án có kế hoạch thu hồi đất vào các tháng cuối năm thường bị chậm trễ.

Theo ông Phạm Đình Cường, Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thống nhất bỏ khung giá đất. Chính phủ chỉ quy định nguyên tắc, phương pháp xác định giá đất; Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên Môi trường có văn bản hướng dẫn, UBND căn cứ giá thực tế chuyển nhượng để quyết định bảng giá. Bên cạnh đó, Bảng giá đất được xây dựng chi tiết hơn theo vị trí, vùng, mục đích sử dụng đất và điều chỉnh kịp thời khi thị trường có biến động lớn; trường hợp chưa kịp điều chỉnh bảng giá đất, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giá đất cụ thể.

Đề xuất 2 phương án tăng thu NSNN từ đất đai

Theo số liệu thống kê, hiện nay quỹ đất chưa sử dụng còn khá lớn (3.164 nghìn ha) và việc khai thác quỹ đất này đưa vào sử dụng trong thời gian qua chưa đạt được chỉ tiêu mà Quốc hội duyệt (bình quân đạt 95,15%).

Theo dự thảo đề án Khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai và tài sản nhà nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, sẽ có hai phương án thu ngân sách từ đất đai. Phương án 1, tổng số thu NSNN từ đất (tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế chuyển nhượng quyền sử dụng đất) bình quân là 81.646 tỉ đồng/năm. Phương án 2, tổng số thu NSNN từ đất bình quân là 98.624 tỉ đồng/năm với giả định giá đất tăng 20% (không tính trượt giá) và có dự kiến phát sinh thêm khoản thu đối với thuế tài sản. Dù theo phương án nào thì con số dự kiến thu từ đất sẽ đạt 4-5 tỷ USD/năm. Trên thực tế số thu này có thể còn cao hơn vì giá đất tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo lộ trình mới đang dần tiếp cận giá thị trường, nhất là trong trường hợp chuyển mạnh sang đấu giá đất để giao đất, cho thuê đất. Cụ thể, số thu từ việc cho thuê đất đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính tăng thêm khoảng 1.465 tỉ đồng; số thu từ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và theo quy hoạch tăng khoảng hơn 18.000 tỉ đồng; số thu từ bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước tăng hơn 3.800 tỉ đồng. Riêng số thu từ sắp xếp lại nhà đất theo Quyết định số 09/2007/QĐ của Thủ tướng Chính phủ sẽ thêm khoảng 100.000 tỉ đồng.

Theo Đại đoàn kết
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.