Ngày 28/2, Bộ Tài nguyên – Môi trường đã tổ chức họp báo tuyên truyền về Luật Đất đai (sửa đổi). Hàng loạt câu hỏi liên quan tới vấn đề nguyên tắc định giá đất, cơ chế thu hồi đất… đã được Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển trả lời thẳng thắn, trực diện…

Khắc phục tình trạng tùy tiện trong thu hồi đất

Trả lời câu hỏi của báo chí xung quanh vấn đề nhiều địa phương tùy tiện thu hồi đất nông nghiệp, Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển cho rằng, cần phải làm rõ cơ chế thu hồi đất. Hiện nay việc thu hồi đất vẫn được thực hiện theo 2 cơ chế: theo chỉ định của chủ đầu tư và theo qui hoạch. Tuy nhiên, thời gian qua, việc thu hồi chủ yếu theo chỉ định của chủ đầu tư do nhiều địa phương không có tiền nên phải nhờ chủ đầu tư ứng vốn đền bù, giải phóng mặt bằng. Nay chủ đầu tư muốn được giao đất, cho thuê đất phải đáp ứng các yêu cầu: có năng lực tài chính, kiểm toán, có ký quỹ (nếu không thực hiện dự án sẽ không hoàn trả)… Nếu trước đó chủ đầu tư có dự án triển khai chậm hoặc làm không tốt thì kiên quyết không giao dự án mới.

Riêng với đất lúa sẽ phải làm chặt hơn, trước khi chấp nhận chủ trương đầu tư phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Khi nhà đầu tư vào phải có phương án bóc lớp đất mặt, nộp khoản tiền để Nhà nước khai hoang hóa khu vực khác. Nhà đầu tư sẽ phải cân nhắc xem sử dụng đất lúa hay đất đồi, nếu thấy chi phí lớn quá, họ sẽ xin chuyển vị trí khác. Như thế mới bảo vệ được đất lúa.

Với những dự án qui hoạch treo, Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ có chế tài xử lí mạnh tay. Đối với dự án có chủ trương đầu tư nhưng chưa giao đất, sau 3 năm không thực hiện sẽ hủy bỏ. Với dự án đã giao đất nhưng chưa triển khai, sau 12 tháng sẽ thu hồi. Đối với các dự án đã giao đất, đã triển khai nhưng chậm tiến độ sẽ thu hồi sau 24 tháng, nhưng được gia hạn thêm 1 lần (tối đa là 12 tháng).

Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ xử lí mạnh tay dự án treo.

Quá thời hạn đó, Nhà nước thu hồi và không có khoản bồi hoàn. “Nếu chủ đầu tư gặp khó khăn về kinh tế, không thể tiếp tục dự án thì trước khi hết hạn nên trả lại cho nhà nước, nhà nước sẽ bồi hoàn lại. Nếu cứ chây ì, quá thời hạn sẽ bị thu hồi bắt buộc, không hoàn trả tiền thuê đất cũng như giá trị đầu tư trên đất” – Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển khẳng định.

PV Báo CAND hỏi về việc có nên đấu giá để định giá đất, Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển cho rằng: Đấu giá đất là cách làm tốt, tuy nhiên muốn thực hiện thì cần có các điều kiện: phải có ngân sách, địa phương phải làm tốt công tác qui hoạch. Muốn đấu giá, Nhà nước phải có “đất sạch”. Năm 2011, Nhà nước phải chi 6.000 tỉ đồng cho các địa phương làm “đất sạch” để đấu giá. Đất có giá trị mới đấu giá được.

Nhiều nơi, vị trí nào đẹp, chính quyền địa phương đem xây dựng trụ sở, còn lại những vị trí xấu đem đấu giá nên không có ai tham gia. Khi chỉnh trang đô thị, những vị trí “đất vàng” nên được dành riêng để đấu giá giúp địa phương có tiền đầu tư phát triển hạ tầng, đồng thời phải ưu tiên cho người dân mất đất ở khu vực đó. Kể cả những người không bị thu hồi đất nhưng bị ảnh hưởng cũng phải được bồi thường.

“Khi thu hồi, các địa phương có quĩ đất sẽ bồi thường bằng đất, địa phương không có quỹ đất sẽ bồi thường bằng tiền theo đúng giá trị. Nguyên tắc bồi thường là thu hồi đất nào sẽ bồi thường theo giá trị đất đó, thu hồi đất nông nghiệp thì không thể đòi bồi thường theo giá đất khu dân cư. Trước đây, Nghị định 69 ban hành có nội dung hỗ trợ những hộ dân mất đất bằng đất dịch vụ. Khi thực hiện đã gặp khó bởi lẽ nhiều nơi không có quỹ đất. Tới đây, khi sửa đổi Nghị định 69 sẽ điều chỉnh lại nội dung này, nếu không có quỹ đất thì sẽ chỉ đền bù bằng tiền” – Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển nhấn mạnh.

Đấu giá để định giá đất

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn sẽ tiếp tục giữ lại qui định về khung giá đất. Trên cơ sở khung giá sẽ hình thành bảng giá đất cho từng địa phương, giá đất cho các vùng giáp ranh. Đất đai là sở hữu toàn dân do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu, bởi vậy về nguyên tắc, Nhà nước sẽ định giá. Giá đất sẽ được xây dựng theo nguyên tắc thị trường. Tuy nhiên, cái khó ở chỗ, thị trường bất động sản Việt Nam tồn tại nhiều giao dịch ngầm, không ổn định nên chưa thể để giá đất vận hành hoàn toàn theo cơ chế thị trường mà vẫn cần đến sự tác động của Nhà nước.

“Với mức thu nhập hiện nay mà giá đất ở Việt Nam cao ngang Tokyo thì đó không thể là giá thị trường. Cần phải phân biệt rõ đâu là thực, đâu là ảo. Nhà nước định giá nhưng dựa trên phương pháp mà thế giới đang làm nên giá đất sẽ không lạc hậu” – khẳng định của Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển.

Việc xác định giá đất là căn cứ quan trọng để thực hiện chính sách bồi thường cũng như thực hiện nghĩa vụ tài chính của người dân với Nhà nước. Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn tiếp tục sử dụng bảng giá nhưng bảng giá phải được cập nhật thường xuyên khi có biến động, sử dụng cho tất cả các mục đích. Địa phương nào chưa xây dựng được bảng giá thì xác định giá đất cụ thể. Trong trường hợp giá đất quá cao, phải giảm thuế suất, khi đó Nhà nước phải chấp nhận chịu thiệt.

Khánh Vy (Công an nhân dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.