Đầu ra của các doanh nghiệp dự kiến sẽ dần được cải thiện về cuối năm nhờ vào các biện pháp kích cầu của Chính phủ. Điều này có thể giúp kích thích hoạt động cho vay của các ngân hàng. Cả Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại đang sẵn sàng cho triển vọng này.

Chính sách tiền tệ tiếp tục được nới lỏng

Bản tin lãi suất tháng 7/2012 của nhóm nghiên cứu thuộc Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ BIDV vừa đưa ra nhận định, từ đầu năm, NHNN đã thực hiện khá nhiều biện pháp hạ mặt bằng lãi suất nhằm khơi thông dòng vốn tín dụng, nhưng dường như những biện pháp này vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả. Các ngân hàng vẫn rất thận trọng trong việc cho doanh nghiệp vay khi rủi ro phá sản tiếp tục gia tăng. Vì thế, nhiều khả năng, trạng thái nới lỏng của chính sách tiền tệ có thể vẫn được duy trì hoặc tăng cường trong thời gian tới, đặc biệt khi dư địa từ lạm phát đang cho phép.

Cùng lúc, Chính phủ tăng cường giải ngân vốn ngân sách cho các dự án nhằm khôi phục sức mua của nền kinh tế, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, giảm rủi ro phá sản, kỳ vọng nguồn vốn được khơi thông. Báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia về tình hình kinh tế Việt Nam 7 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2012 cho biết, giải ngân vốn đầu tư từ nguồn NSNN có dấu hiệu khởi sắc. Tính đến ngày 15/7, chi đầu tư phát triển bằng 49,7% dự toán, tăng 4,5% so với 6 tháng đầu năm, tương đương với 8.100 tỷ đồng. Với tốc độ giải ngân nguồn vốn từ NSNN như trên, chi đầu tư phát triển tháng 7 ước khoảng 16.200 tỷ đồng, so với mức trung bình 13.500 tỷ đồng của những tháng đầu năm.

“Tuy nhiên, quá trình này cần một thời gian dài để có thể phát huy tác dụng. Tín dụng theo đó dự kiến sẽ được cải thiện hơn trong tháng 8, nhưng vẫn sẽ ở mức thấp, tăng trưởng khoảng 1 - 1,5% so với đầu năm”, nhóm nghiên cứu thuộc BIDV nhận định.

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu của BIDV cho biết thêm, lạm phát đã không còn là nỗi lo thường trực như những năm trước. Tính đến thời điểm cuối tháng 7, lạm phát chỉ là 2,22% so với đầu năm. Trước tình hình tổng cầu vẫn rất thấp, kinh tế thế giới chưa phục hồi, khiến giá năng lượng và các nguyên liệu đầu vào chưa thể tăng mạnh, nhiều khả năng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 8 không thay đổi nhiều so với tháng 7, xoay quanh mức -0,1%. Lạm phát đến cuối năm 2012 ước tính sẽ quanh mức 6,5 - 7,5%/năm. Dự kiến, với mức lạm phát như vậy, NHNN có thể sẽ tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất điều hành thêm 1%/năm vào cuối tháng 8, đầu tháng 9.

“Chúng tôi hy vọng, sẽ sớm có thông tin về việc cắt giảm thêm 1%/năm lãi suất chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn và lãi suất huy động trong thời gian gần”, Báo cáo kinh tế vĩ mô, triển vọng thị trường Việt Nam tháng 8 của HSBC nhận định.

Theo một chuyên gia kinh tế, việc NHNN thể hiện quan điểm kiên định thực hiện chính sách, đồng thời cũng rất linh hoạt trước biến động của thị trường trong thời gian qua đã tạo tâm lý ổn định của thị trường và niềm tin về chính sách cũng như điều hành của NHNN. Chính sách tiền tệ đang và sẽ tiếp tục được thực hiện theo hướng nới lỏng có sự kiểm soát. Vấn đề còn lại là các ngân hàng chuẩn bị tinh thần và sức lực như thế nào để bắt kịp với tình hình.

Các ngân hàng nhanh nhẹn nhập cuộc

Cuối tuần trước, TienPhong Bank công bố, NHNN đã có Công văn số 4879 ngày 6/8/2012 chấp thuận đề nghị điều chỉnh tốc độ tăng tín dụng của TienPhong Bank. Theo đó, dư nợ tín dụng (bao gồm cả số dư trái phiếu doanh nghiệp) đến hết ngày 31/12/2012 của TienPhong Bank sẽ được tăng tối đa 27% so với thời điểm cuối năm 2011. Theo giải thích từ phía TienPhong Bank, việc tăng trưởng tín dụng lên 27% được chấp thuận là dựa trên cơ sở đánh giá hoạt động 6 tháng đầu năm 2012 của Ngân hàng. Cụ thể, quý I/2012, tín dụng của TienPhong Bank tăng trưởng chậm do Ngân hàng tập trung tái cơ cấu. Tuy nhiên, quý II/2012, dư nợ cho vay của TienPhong Bank đã tăng 6,8% so với quý trước đó.

“Do vậy, 6 tháng cuối năm, TienPhong Bank sẽ đẩy mạnh hoạt động cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn dễ dàng nhất”, một lãnh đạo cao cấp TienPhong Bank nói.

Cụ thể, mặc dầu TienPhong Bank đang triển khai gói tín dụng mang tên “90 ngày vàng dành cho khách hàng doanh nghiệp” với mức lãi suất ưu đãi dao động từ 12,5% - 14%/năm, tổng giá trị gói tín dụng là 3.000 tỷ đồng, nhưng từ 15/8/2012, Ngân hàng sẽ triển khai thêm 1.000 tỷ đồng cấp tín dụng cho khách hàng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong chương trình mang tên “Hỗ trợ tín dụng trọn gói cho cá nhân, hộ gia đình sản xuất lúa”. Khách hàng được tài trợ chi phí lưu động để sản xuất lúa (mua phân bón, thuốc trừ sâu, thuê nhân công...), chi phí sinh hoạt trong thời gian sản xuất lúa, chi phí mua đất nông nghiệp và đầu tư máy móc, thiết bị. Ngoài ra, TienPhong Bank cũng sẽ đẩy mạnh cho vay khách hàng cá nhân, khách hàng vay tín chấp thấu chi được giảm tối đa 2%/năm lãi suất so với mức thông thường.

Theo tìm hiểu của ĐTCK, hiện MB dự kiến sẽ trình NHNN xin chấp thuận tăng trưởng tín dụng trong năm 2012 là 25% để đáp ứng nhu cầu vay vốn của các khách hàng đã được MB cấp hạn mức, các khách hàng mục tiêu thuộc đối tượng khuyến khích tăng trưởng của MB và NHNN. Theo đó, MB tiếp tục ưu tiên tài trợ đối với các khách hàng có hoạt động xuất khẩu, phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, vay vốn lưu động đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ, các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh hàng tiêu dùng thiết yếu (xăng dầu, dược phẩm, lương thực thực phẩm…), các doanh nghiệp quân đội vừa làm kinh tế vừa phục vụ an ninh quốc phòng.

Ngoài ra, ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT OCB cho biết, ngân hàng ông đang cân nhắc việc xin tăng tỷ lệ tăng trưởng tín dụng hơn mức đã được NHNN giao cho đầu năm 2012.

Theo ĐTCK
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.