Chuyện khó tin này nằm trong chủ trương của cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang khi tỉnh quyết định giao gần như tòa bộ xã đảo Hòn Thơm (Phú Quốc) cho chủ đầu tư làm dự án.

Một góc đảo Hòn Thơm, nơi sẽ trở thành quần thể khu vui chơi giải trí biển - Ảnh: N.Triều

Đó là dự án cáp treo và quần thể khu vui chơi giải trí biển Hòn Thơm, Phú Quốc.

Hơn ba tháng qua kể từ khi khởi công (ngày 4-9), dự án cáp treo An Thới - Hòn Thơm trở thành câu chuyện cửa miệng của người dân xã đảo này.

Nằm cách thị trấn An Thới vài cây số, địa hình khá bằng phẳng với những bãi biển đẹp, Hòn Thơm là điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước mỗi khi tới Phú Quốc.

Nhưng viễn cảnh về một quần thể vui chơi giải trí biển và đặc biệt là tuyến cáp treo vượt biển dài nhất thế giới như thế nào thì hầu hết người dân xứ đảo này chưa hình dung ra được.

Giấc mơ đảo du lịch

Anh Nguyễn Văn Luận (45 tuổi), chủ một xưởng tiện ở ấp Bãi Chướng, cho biết bản thân anh thấy khấp khởi mừng vì có một dự án du lịch tầm cỡ đầu tư tại xã đảo.

Từ đất liền ra đảo rồi cưới vợ, định cư tại đây hơn 20 năm, anh đã có lưng vốn mua được hơn 2ha đất nông nghiệp gọi là để “dưỡng già”.

“Giờ có dự án, toàn bộ đất phải giải tỏa, chính quyền nói sẽ bố trí tái định cư. Nghe nói dự án này lớn lắm, dù có thể sắp tới phải đổi nghề, kiếm chuyện khác sinh sống nhưng cứ mừng cái đã” - anh Luận nói.

Tuy thừa nhận mình lớn tuổi sẽ khó có thể tìm việc phù hợp sau này, nhưng anh cho hay dự đoán được Hòn Thơm sớm muộn cũng trở thành đảo du lịch nên đã định hướng cho con cái học ngành du lịch để mai này có thể về làm việc tại địa phương.

Anh khoe: “Con trai tui đang học năm 1 ngành du lịch ở Cần Thơ, con gái nhỏ năm nay học lớp 10, sắp tới cũng sẽ học du lịch”.

Ông Dương Thanh Vân - chủ tịch UBND xã Hòn Thơm - cho biết bản thân ông ra công tác ở đảo từ hồi mới thành lập xã (năm 2003) và nhận thấy tiềm năng du lịch của Hòn Thơm rất dồi dào.

Ông từng bỏ tiền túi tham quan, tìm hiểu kinh nghiệm làm du lịch ở nhiều nơi như Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang... và tự viết đề án trình lên UBND huyện Phú Quốc đề xuất xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, nhưng vì nhiều lý do mà không triển khai được.

“Đón nhận một dự án tầm cỡ như vậy phải nói là cơ hội hiếm có của Hòn Thơm. Tôi làm chủ tịch 10 năm nữa giỏi lắm cũng chỉ có thể kéo xã đảo khá lên chút xíu, còn theo tiến độ đầu tư của dự án đã được tỉnh phê duyệt, chỉ sau vài năm khi dự án hoàn thành cả xã sẽ có bộ mặt khác liền.

Vấn đề mấu chốt hiện nay là phải làm thế nào để người dân được thụ hưởng giá trị mà dự án mang lại. Nói gì thì nói, dự án làm ở Hòn Thơm thì người dân Hòn Thơm phải được hưởng lợi cái đã” - ông Vân nói.

Ông Trần Thanh Chiến (ấp Bãi Chướng) cho rằng người đi biển không thể lên sống ở chung cư - Ảnh: N.Triều

Băn khoăn chỗ ở, 
việc làm

“Vấn đề mấu chốt” mà ông Vân nói cũng đang là nỗi lo, bức xúc của người dân Hòn Thơm mấy tháng qua. Trong đó câu chuyện bồi thường, tái định cư và chuyển đổi việc làm sau giải tỏa là điều người dân nơi đây quan tâm trước nhất.

Theo quy hoạch ban đầu, toàn bộ khoảng 308ha của Hòn Thơm sẽ được giao cho nhà đầu tư làm dự án. Sau đó, UBND tỉnh quyết định dành một khu vực khoảng 8ha để bố trí tái định cư cho người dân và xây dựng các cơ sở hành chính, công cộng của xã.

Và điều đáng lưu ý là theo chủ trương, người dân bị giải tỏa sẽ được tái bố trí lên chung cư cao tầng. Phương án tái định cư “từ biển lên trời” này không được người dân đồng tình bởi người dân xứ đảo suốt ngày bám biển, không thể thích nghi được với nhà chung cư như dân ở các đô thị.

Nói về chuyện lên chung cư, ông Trương Văn Kỳ (51 tuổi) bức xúc: “Như tui suốt ngày đi biển, mình mẩy lem nhem, cá mắm tanh hôi đi ra đi vô thang máy coi có giống ai. Dân đi biển phải ở ven biển, một bước là xuống ghe, chứ lên chung cư là như cá ra khỏi nước”.

Ông Dương Thanh Vân nhìn nhận bản thân ông thích ở chung cư, nhưng với người dân thì không thể phù hợp tập quán lao động, sinh hoạt của người đi biển. Do đó, UBND xã đã kiến nghị phương án bố trí tái định cư cho người dân bằng nền đất và nhà riêng.

Tại buổi làm việc với UBND tỉnh mới đây, ông Lâm Minh Thành - bí thư Huyện ủy Phú Quốc - cũng kiến nghị tỉnh có phương án bố trí phù hợp để người dân yên tâm sinh sống.

Về chuyển đổi nghề cho người dân sau giải tỏa, ông Phạm Văn Bình - chủ tịch Hội Nông dân xã Hòn Thơm - cho biết hiện vẫn chưa có chính sách cụ thể nên nhiều hội viên đang thấp thỏm.

Theo ông Bình, ngoài những hộ làm nghề đánh bắt chủ yếu cất nhà sống trên đất thuê, cả xã có hàng chục hộ làm nghề nuôi hải sản, nuôi heo, trồng trọt.

Phần lớn người dân trình độ học vấn có hạn, quen làm nghề biển, nên muốn chuyển nghề khác để có thể tham gia lao động ở dự án du lịch cũng là điều không dễ.

Ông Lê Văn Phụng (61 tuổi) cho biết đã sống ở đảo từ những năm 1980, nay con cái lớn lên ra riêng cũng sống bằng nghề đi biển. Hiện ông vẫn phải ngày ngày làm phụ hồ nuôi vợ và mấy đứa cháu mới 14-15 tuổi. Sắp tới chưa biết sẽ ra sao.

Trong khi đó, chủ tịch UBND xã Dương Thanh Vân cho hay xã Hòn Thơm có 806 hộ với 2.698 nhân khẩu, hầu hết làm nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và dịch vụ nghề cá.

UBND xã đã có tính đến phương án đề nghị nhà đầu tư hỗ trợ kinh phí để phối hợp các trường, trung tâm dạy nghề đào tạo nghề cho người dân, thanh niên địa phương, sẵn sàng cung ứng lực lượng lao động cho dự án.

Tuy nhiên, theo ông Vân, hiện xã đang trong quá trình đo đạc diện tích của từng hộ dân, tiếp đó một tổ công tác của tỉnh sẽ khảo sát, định giá rồi sau đó mới lập phương án bồi thường và tái định cư cho người dân.

“Tính đến giờ này việc bồi thường, tái định cư đang còn phía trước, nhưng tôi mong phương án tái định cư và giải quyết việc làm cho dân sẽ được tỉnh quan tâm, xem xét thỏa đáng” - ông Vân nói.

Thi công trước, giải tỏa sau

Theo ông Dương Thanh Vân, sau khi khởi công dự án, chủ đầu tư đã triển khai thi công các hạng mục trụ cáp trên các điểm đảo mà tuyến cáp đi qua.

Để có mặt bằng thi công, chủ đầu tư phải thuê đất (chưa bồi thường) của người dân để khoan địa chất, mở đường vận chuyển và tập kết phương tiện.

“Chủ đầu tư đã ký hợp đồng thi công, cung cấp thiết bị với các nhà thầu để đảm bảo hoàn thành tuyến cáp vào năm 2017.

Do đó, trong khi chờ đợi tỉnh duyệt phương án bồi thường, tái định cư thì địa phương cũng phải vận động người dân cho thuê đất để thi công, không làm chậm tiến độ của dự án” - ông Vân nói.

Nguyễn Triều - Duy Khánh (Tuổi Trẻ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.