Thị trường nhà đất ế ẩm, các nhà đầu tư tìm đủ phương cách bán hàng cắt lỗ. Thế nhưng, đằng sau những cuộc tháo chạy tưởng chừng như “đơn thương độc mã” của nhà đầu tư, còn có cả bóng dáng của chính các chủ dự án.

Một lượng không nhỏ căn hộ “phá giá” được các chủ đầu tư âm thầm tung ra thị trường

Thị trường bất động sản trong một năm qua dường như “bội thực” với các quảng cáo bán nhà cắt lỗ. Đến nay, các quảng cáo dạng này dường như đã lỗi thời và không được mấy người chú ý. Vì thế mới có các kiểu rao bán nhà rất khôi hài, dạng phát tờ rơi, treo quảng cáo trên các bờ rào, gốc cây ven đường, cho người đi rao dọc phố; thậm chí dán quảng cáo bán nhà trên thùng rác.

Tuy nhiên, các quảng cáo loại này cũng chỉ gây cười cho người đi đường nhiều hơn, chứ không gây tò mò đến độ người có nhu cầu mua nhà ngay lập tức phải gọi điện đến như các mẩu quảng cáo dạng: “Làm ăn thua lỗ phải bán nhà” hoặc “Vỡ nợ cần bán nhà gấp”… Bởi đọc các thông tin này, người có nhu cầu mua nhà có cảm giác sẽ ép giá được bên bán, nên dễ dàng đi đến quyết định gọi điện tìm hiểu, mặc cả. Trong khi với người bán nhà, chỉ cần có khách hàng quan tâm hỏi mua sản phẩm chứng tỏ việc quảng cáo đã mang lại thành công.

Ông Phạm Trung Hà, Tổng giám đốc Hòa Phát Land cho biết, do thị trường khó khăn, các nhà đầu tư có xu hướng giảm giá cắt lỗ. Thế nhưng, khác với suy nghĩ thông thường, tỷ trọng nhà đầu tư cắt lỗ so với lượng sản phẩm mà các chủ dự án ngầm đưa ra thị trường với mức giá rẻ là rất thấp. Các chủ dự án này cần tiền để duy trì hoạt động công ty nhưng không dám công khai hạ mạnh giá bán bởi lo ngại khách hàng đã mua sản phẩm tại dự án phàn nàn, nên chọn cách bí mật đưa hàng giá thấp ra thị trường.

Bên cạnh đó, ông Hà cho rằng, do thị trường quá xấu, thanh khoản của các sản phẩm bất động sản cực thấp nên dù có giảm giá bán, kèm theo nhiều khuyến mãi khác, các cuộc mở bán tốn kém của nhiều chủ đầu tư vẫn không hiệu quả. Vì thế, thay vì mở bán rình rang, tốn chi phí, nhiều chủ dự án thời gian qua đã cùng hệ thống phân phối của mình âm thầm bán hàng. Đến lượt hệ thống phân phối, họ tiếp tục xé lẻ các sản phẩm cho các “chân rết” để bán theo kiểu: “Bán nhà cắt lỗ”, hoặc “Làm ăn thua lỗ phải bán nhà”, rồi “Vỡ nợ cần bán nhà gấp”… để câu khách.

Một khi có khách hỏi mua, các nhà đầu tư sẵn sàng giảm mạnh giá bán để tăng thanh khoản cho sản phẩm. Dĩ nhiên, việc giảm giá này đã có sự đồng thuận của các chủ dự án. Phóng viên ĐTCK đã có cuộc khảo sát tại một số sàn giao dịch bất động sản tại Hà Nội, đại diện các sàn này cũng khẳng định: Hầu hết sản phẩm nhà đầu tư “làm ăn thua lỗ phải bán nhà”, hoặc “vỡ nợ cần bán nhà gấp” chào bán thời gian qua chỉ là một kịch bản bán hàng, mà người đạo diễn chính các chủ đầu tư đang gặp khó khăn về tài chính.

Một đại diện Sàn bất động sản Nhadat24h.net cho biết, việc tạo thanh khoản qua việc mở bán một cách chính thống, rầm rộ quá khó khăn, nên thời gian qua, nhiều chủ dự án đã chọn cách bán hàng không chính thống. Vì thế, đằng sau các cuộc tháo chạy tưởng chừng “đơn thương độc mã” của nhà đầu tư, còn có cả bóng dáng của chính các chủ dự án.

Cũng theo vị đại diện này, do không có kỹ năng bán hàng, nên các chủ dự án giao hẳn “chỉ tiêu” bán hàng cho nhà phân phối. Hệ thống phân phối sau đó sẽ nghĩ ra các chiêu bán hàng mới, với mức giá cho phép thỏa thuận thấp hơn giá bán trước đó rất nhiều. Việc các chủ dự án đứng sau các các giao dịch ngầm trên thị trường đã gây khó khăn cho nhiều nhà đầu tư đang muốn bán hàng cắt lỗ. Bởi mức giá chủ dự án chấp nhận trong các giao dịch ngầm có khi thấp hơn rất nhiều mức giá hiện đang được chào bán trên thị trường. Tuy nhiên, việc giảm giá được tiến hành theo quy trình khép kín, nên các nhà đầu tư đã mua sản phẩm trước đó cũng không có lý do để khiếu nại chủ đầu tư.

Thị trường bất động sản được đánh giá vẫn tiếp tục khó khăn và rất khó khởi sắc trong những tháng cuối năm nay. Nguyên nhân khiến thị trường khó khăn kéo dài, theo nhiều chuyên gia, là do những người có nhu cầu thật tiếp tục chờ đợi, kỳ vọng giá giảm thêm, còn nhà đầu tư thì không còn niềm tin vào thị trường.

Việc thay vì công khai giảm giá bán, các chủ dự án âm thầm đứng sau các cuộc tháo chạy càng khiến niềm tin của khách hàng vào thị trường giảm sút. Vòng quay giảm giá - chờ đợi - giảm giá sẽ tiếp tục khiến các bên tham gia thị trường gặp nhiều khó khăn.

Theo Phương Anh (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.