Bên lề Hội nghị UBTƯMTTQ VN lần thứ 5, VS. TSKH Trương Công Phú – Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn kinh tế bày tỏ sự lo ngại cho những khó khăn của nền kinh tế sẽ tiếp tục xuất hiện trong năm 2013 - năm bản lề của kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế-xã hội 2011-2015. Bài viết dưới đây ghi lại chia sẻ của ông Trương Công Phú khi đi sâu phân tích những thách thức, với mong muốn phải nhìn thẳng vào những khó khăn mới có thể tìm ra giải pháp để vượt khó.

Sắt thép - một trong những mặt hàng có mức tồn kho cao Ảnh: Hoàng Long

Kinh tế thế giới chưa mấy sáng sủa
Ông Trương Công Phú
Năm 2012 kinh tế thế giới vẫn ảm đạm, kinh tế Mỹ phục hồi rất yếu ớt; tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ (7,8%), khu vực châu Âu (10,3%) chưa có cải thiện rõ nét và vẫn ở mức cao; khu vực châu Âu đang bế tắc trong việc giải quyết khủng hoảng nợ công và đang nơi vào vào suy thoái mới, GDP liên tiếp giảm; nguy cơ Hy Lạp rời bỏ khu vực eurozone và sụp đổ đồng tiền chung châu Âu ngày càng gia tăng. Tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế lớn khác như Trung Quốc, Ấn Độ cũng không như mong muốn và các nước này đang thực thi các chính sách hỗ trợ tăng trưởng.
Dự báo trong năm 2013, vấn đề căng thẳng tài khóa tại Mỹ, thâm hụt ngân sách Nhà nước và nợ công châu Âu vẫn tiếp tục đe dọa tiến trình phục hồi kinh tế thế giới và ổn định kinh tế vĩ mô toàn cầu.
Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào kinh tế thế giới. Tình hình bất ổn của kinh tế thế giới nói trên sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2013 của nước ta, nhất là trong các khâu huy động vốn ODA, FDI, xuất nhập khẩu;…
Hiệu quả đầu tư giảm, chưa hạn chế được chi tiêu ngân sách
Trong năm 2012 ta đã thực hiện các chính sách tài khóa và tiền tệ chặt chẽ để ổn định kinh tế vĩ mô, nhờ đó lạm phát giảm, đồng thời tình hình sản xuất, kinh doanh cũng suy giảm, đặc biệt trong công nghiệp và xây dựng. Tăng trưởng GDP cả năm 2012 chỉ đạt 5,03%, trong đó công nghiệp và xây dựng 4,8%. Nhân tố kích thích tăng trưởng kinh tế như tiêu dùng nội địa, tăng trưởng tín dụng, tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội/GDP (cả năm 2012 khoảng 30%, năm 2011 khoảng 40%) đều giảm. Hiệu quả đầu tư thể hiện ở hệ số ICOR năm 2012 khoảng 8 lần (năm 2011 là 6,8 lần). Như vậy, hiệu quả đầu tư giảm, tiền ẩn nguy cơ lạm phát, lãng phí, tham nhũng…
Các khoản chi ngân sách nhà nước tăng nhanh trong khi ngân sách nhà nước tăng chậm làm cho thâm hụt ngân sách nhà nước tăng nhanh. Tỷ lệ thâm hụt ngân sách nhà nước trên GDP của Việt Nam, tính chi cả năm 2012 tăng khoảng 4%, cao hơn rất nhiều so với năm 2011 (khoảng 2%). Do đó nguồn tiền khả dụng cho việc tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển dịch mô hình phát triển kinh tế từ tiết kiệm chi tiêu ngân sách nhà nước trở nên hạn hẹp. Nếu không tiết kiệm được chi tiêu ngân sách nhà nước, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế sẽ diễn ra chậm chạp.
Lạm phát tiềm ẩn
Mặc dù tính chung cả năm 2012 chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 9,21% so với cả năm 2011, song vẫn gây lo ngại khả năng tăng giá tái diễn trong năm 2013. Những tháng cuối năm 2012 và đầu năm 2013 giá thực phẩm và giá vàng thế giới tiếp tục tăng kết hợp với chu kỳ tăng giá các tháng cuối năm. Vì vậy, lạm phát năm 2013 vẫn có khả năng tăng cao.
Tồn kho, nợ xấu vẫn là nguy cơ
Chỉ số hàng tồn kho công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn còn ở mức cao trên 20%. Tồn kho ở các mặt hàng than, sắt thép, phân bón, xi măng rất cao, đặc biệt tổng giá trị hàng tồn kho bất động sản (BĐS) trên 40.000 tỷ đồng. Điều này chứng tỏ thị trường hàng hóa đang bị tắc nghẽn, hàng hóa sản xuất sẽ không tiêu thụ được, khiến hàng loạt doanh nghiệp rơi vào cảnh khó khăn chồng chất, sản xuất trì trệ, thua lỗ, phá sản.
Trong những năm gần đây nợ xấu của các ngân hàng thương mại Việt Nam đã tăng lên nhanh chóng. Nợ xấu tại thời điểm thanh tra của ngân hàng nhà nước (tháng 11/2012) là 8,82% tổng mức tín dụng của nền kinh tế, tương đương khoảng 250.000 tỷ đồng (khoảng 12 tỷ USD), tương đương 10% GDP. Số nợ xấu này lớn gấp 11,7 lần con số năm 2001 (21.280 tỷ đồng). Số nợ xấu này chưa tính đến nợ tồn đọng trong xây dựng cơ bản, dự tính khoảng 90.000 tỷ đồng. Nợ xấu của các tổ chức tín dụng có xu hướng tăng nhanh và chưa có dấu hiệu dừng lại: năm 2009 tăng khoảng 27%, năm 2010-41%, năm 2011-64% và năm 2012- khoảng 66%. Trong 10 năm qua, tín dụng của các ngân hàng thương mại liên tục tăng nhanh, bình quân vào khoảng 33%/năm. Năm 2012, khi tín dụng tăng trưởng thấp thì tỷ lệ nợ xấu bộc lộ rõ ràng với con số khổng lồ.
Tảng băng bất động sản
Thị trường bất động sản đóng băng, hàng tồn kho lớn, theo Bộ Xây dựng, cả nước có 16.469 căn hộ chung cư, 4.116 nhà thấp tầng, 25.870m2 nhà văn phòng cho thuê với tổng giá trị bất động sản chưa tiêu thụ được vào khoảng 40.000 tỷ đồng. Theo số liệu của các tổ chức đầu tư quốc tế thì số căn hộ tồn kho tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là 70.000 căn hộ với giá tạm tính trên 100.000 tỷ đồng gấp 2,5 lần số liệu của Bộ Xây dựng. Ngoài ra, chưa tính đến BĐS và nhà liền kề, biệt thự. Qua hàng tồn kho BĐS có thể rút ra mấy nhận xét:
- Cơ cấu hàng hóa BĐS không hợp lý, chủ yếu là hàng hóa bất động sản trung, cao cấp với giá cao vượt khả năng mua sắm của tại bộ phận dân cư. Trong những năm qua, việc phát triển nhà ở chưa quan tâm đến nhà ở nhu cầu xã hội, nhà ở dành cho người có thu nhập thấp. Điều này ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện chủ trương và mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội.
- Việc giao dự án đầu tư BĐS vẫn còn dựa vào các mối quan hệ, trên cơ sở "xin-cho”, chưa xem xét trên cơ sở năng lực, uy tín của nhà đầu tư. Một số dự án được giao cho các chủ đầu tư không chuyên nghiệp trong đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản, chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm chuyên môn trong triển khai dự án làm cho tiến độ thi công trình chậm, chất lượng kém.
- Hoạt động kinh doanh của các nhà đầu tư BĐS trong những năm đầu của thế kỷ 21 họ lãi to, họ "hốt bạc”. Mấy năm gần đây đầu tư kinh doanh BĐS gặp nhiều khó khăn, hàng tồn kho lớn, không bán được, dẫn đến nguy cơ phá sản hành loạt các công ty đầu tư, kinh doanh BĐS .
- Hệ thống tài chính BĐS còn bất cập. Nguồn vốn cho thị trường BĐS chủ yếu từ hệ thống ngân hàng thương mại và huy động của dân. Chưa có nguồn vốn tín dụng trung và dài hạn chuyên biệt để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tạo lập nhà ở. Nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước để phát triển nhà ở xã hội còn hạn hẹp. Một số địa phương chưa thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn vốn ngân sách địa phương theo quy định hiện hành. Theo thống kê đến hết tháng 8 năm 2012 dư nợ tín dụng BĐS khoảng 203.580 tỷ đồng, trong đó nợ xấu 6,6%. Nếu tính dư nợ liên quan đến BĐS như cho vay kinh doanh BĐS, cho vay đầu tư, kinh doanh, thế chấp bằng BĐS thì dư nợ tín dụng khoảng 40.000 tỷ đồng.
Chứng khoán chưa chuyên nghiệp và đầy rủi ro
Thị trường chứng khoán trong thời gian vừa qua liên tục giảm điểm, giảm tính thanh khoản, giảm khối lượng giao dịch, giảm niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tình hình này đã ảnh hưởng, tác động và gây khó khăn huy động vốn của các doanh nghiệp qua thị trường chính khoán. Điều này cho thấy: Chất lượng hàng hóa trên thị trường chứng khoán chưa cao. Nhiều doanh nghiệp niêm yết có quy mô nhỏ, trình độ quản trị gần, hiệu quả kinh doanh thấp và chưa công khai, minh bạch số liệu; Vai trò tạo lập thị trường của các nhà đầu tư còn yếu: trình độ, năng lực và quy mô hoạt động còn bất cập dẫn đến thị trường dễ biến động và ảnh hưởng theo tâm lý đám đông của nhà đầu tư cá nhân không chuyên hoặc theo sóng đầu cơ; Hiệu quả và chất lượng hoạt động của các công ty chứng khoán ngày càng giảm sút. Nhiều công ty chứng khoán chưa có trong công tác quản trị rủi ro, dẫn đến thua lỗ, mất an toàn cho cả hệ thống. Tính đến hết quý 3/năm 2012 có 13 công ty chứng khoán lỗ trên 50% vốn điều lệ, trong đó có 2 công ty lỗ 100% vốn điều lệ; Cơ sở hạ tầng của thị trường chứng khoán chưa đồng bộ, khả năng kết nối và hội nhập với thị trường chứng khoán quốc tế còn hạn chế, sản phẩm dịch vụ trên thị trường còn nghèo nàn.
Tích trữ vàng lớn ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ
Việt Nam là một trong các nước có tích trữ vàng miếng nhiều nhất trên thế giới. Phần lớn vàng được tích trữ trong dân (khoảng 400 tấn), và ảnh hưởng lớn đến khả năng điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước và khả năng cung ứng tiền của hệ thống ngân hàng cho nền kinh tế. Việt Nam không có nhiều mỏ vàng. Nguồn cung chủ yếu cho thị trường vàng là nhập khẩu vàng (khoảng 95%) và phải chi một lượng lớn ngoại tệ, từ đó gây sức ép lên thị trường ngoại hối và cán cân thương mại. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới là nguyên nhân của hoạt động xuất nhập lậu vàng, chủ yếu qua Trung Quốc và Thái Lan. Theo Ngân hàng Nhà nước: "Trung bình một năm buôn lậu vàng lên đến 20-40 tấn. Buôn lậu vàng rõ ràng liên quan đến một lượng ngoại tệ bị biến mất khỏi tài khoản quốc gia”.
Để vượt qua thách thức
Tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội năm 2013. Theo đó, Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra 8 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013. Đây là những nhiệm vụ, giải pháp rất khái quát, có tính chất định hướng. Vì vậy, các cơ quan chức năng của Chính phủ và các địa phương phải xác định nhiệm vụ cụ thể, giải pháp cụ thể, thiết thực, sát với tình hình thực tiễn cả nước và từng địa phương, có tính đến những khó khăn, thách thức nói trên.
VS.TSKH Trương Công Phú
Theo Đại đoàn kết
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.