Dọc hai bên đại lộ Thăng Long, cách trung tâm Hà Nội khoảng 7 km về phía Tây, hàng loạt dự án bất động sản, trụ sở các cơ quan đang triển khai dang dở được rào lại, bên trong cỏ mọc um tùm. Trong khi đó, người dân mất đất ruộng từ nhiều năm nay vẫn đang sống trong tình cảnh “làm hôm nay, lo ngày mai”.

Đất dự án trở thành... sân bóng

Trên địa bàn thôn Phú Vinh, An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội, hàng loạt dự án đã thu trọn 100% diện tích đất nông nghiệp của thôn. Lô đất của Viện Hóa học và Tổng công ty Sông Đà nằm cạnh nhau, rộng hàng ngàn m2 thu hồi từ năm 2007 nhưng đến nay vẫn chưa triển khai. Ông Hoàng Văn Vĩnh, trưởng thôn Phú Vinh nói: “Trên địa bàn xã có rất nhiều dự án nhưng chỉ có dự án Splendora do Hàn Quốc thi công đang hoàn thiện. Còn lại, hầu hết bị đình trệ, trong đó có dự án nhà ở cho người thu nhập thấp đã đổ đất san nền từ năm kia nhưng đến giờ vẫn chưa xây được tí gì”.

Khu đất tại Phú Vinh, Hoài Đức bị thu hồi 5 năm nay nhưng vẫn chưa triển khai gì.

Theo người dân xã An Khánh, việc thu hồi đất được triển khai từ năm 2002, đến 2007 thì hoàn thành trên toàn địa bàn xã. Chỉ giữ lại 10% đất dịch vụ để chia cho bà con theo quy định. Anh Vũ Văn Tỵ, thôn Phú Vinh, xã An Khánh cho biết: “Lúc đó, chúng tôi được đền bù 127.000 đồng/m2). Tổng cộng các khoản thì chưa được 60 triệu/khẩu (khoảng một sào tư (504 m2) tức là khoảng 40 triệu/sào). Mới đầu người ta đưa ra mức 22 triệu/sào, nhưng về sau bà con đề nghị mãi người ta mới nâng lên”. Nhà anh Tỵ có 7 khẩu nên được đền bù hơn 400 triệu.

Anh Tỵ chỉ về lô đất trước kia là ruộng, do Tổng công ty Sông Đà thu hồi đang bị rào kín lại và trở thành “sân bóng” của lũ trẻ Phú Vinh. “Trước đây thôn có sân bóng cho trẻ em nhưng người ta thu hồi để xây trụ sở Viện Hóa học. Bây giờ không còn một khu đất trống nào để làm sân bóng nữa nên bọn trẻ vào khu đất của Tổng công ty Sông Đà đá bóng mỗi chiều”, anh Tỵ nói. Mặc dù sân bóng tự phát này có thể đáp ứng tạm thời nhu cầu vui chơi của lũ trẻ song nó cũng tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn, do trong phạm vi khu đất này, người ta còn đào một cái ao để thả cá.

Đàn bà đi chợ, đàn ông đi xây

Đến Phú Vinh, Hoài Đức, nhiều người ngỡ ngàng trước quang cảnh đường làng khang trang nhà xây to đẹp. “Sau khi có tiền đền bù đất, hầu hết bà con ở đây đều xây nhà. Sau 5 năm, có nhà đã tiêu hết tiền đền bù. Nếu nhà nào 2 vợ chồng cùng ở địa phương thì còn được 2 suất tiền đền bù ruộng, chứ lấy vợ ở xã khác thì vợ không có ruộng, chỉ được đền bù một suất”, ông Vĩnh cho hay. Xây nhà xong nếu ai còn vốn thì kinh doanh buôn bán nhỏ để sinh sống.

Cũng như bao gia đình khác ở thôn Phú Vinh, sau khi nhận tiền đền bù, anh Vũ Văn Tỵ xây một ngôi nhà 2 tầng khang trang. Anh nói chỉ dám xây ngôi nhà bình thường hết 200 triệu, số tiền còn lại để trang trải việc học cho con cái. Đến nay, số tiền còn lại không được bao nhiêu, trong khi đó nhà anh có 3 đứa con gái vẫn đang học đại học. Anh Tỵ cùng vợ phải làm đủ mọi việc để có thể kiếm sống. “Bình thường thì tôi đi xây, được khoảng 150.000 đồng/ngày nhưng không phải lúc nào cũng có việc. Bây giờ người ta xây dựng ít lắm”, anh Tỵ than.

Chị Thủy, vợ anh Tỵ thì bán hàng rong trong trung tâm Hà Nội. Một ngày thu nhập của chị được khoảng 70.000 - 100.000 đồng. “Mỗi tháng vợ chồng tôi làm được khoảng 4 triệu. Nhưng khi không có việc thì phải vay tiền cho con đi học trên Hà Nội”, chị Thủy cho biết. “Nếu còn đất nông nghiệp, tuy số tiền thu được cũng chỉ ngang bây giờ nhưng ít ra còn có hạt thóc, hạt gạo để ăn. Chứ bây giờ nhà nào có người ốm đau, con cái đi học thì rất lo”.

Đất ruộng không còn, bà con nông dân ở Phú Vinh đã bỏ nghề nông hết, mỗi người làm một việc. Có người đi bán rong (chổi, thảm, cây lau nhà...) trên Hà Nội; người đi chợ; người đi làm công nhân cho các công ty; người thì lao động phổ thông, thợ hồ, chở vật liệu xây dựng... Tiền làm được chỉ đủ duy trì cuộc sống, lại thất thường lúc có lúc không. “Nếu thoạt nhìn, cuộc sống hiện tại có tốt hơn trước đây; nhà cửa, đường sá khang trang nhưng cũng chỉ được 1 vài năm thôi. Sau này tiêu hết tiền đền bù thì người dân dễ tái nghèo. Đến đời con cháu chúng tôi mà không có công ăn việc làm thì chắc chắn sẽ vất vả”, ông Vĩnh, trưởng thôn cho biết.

Hiện nay, chính quyền địa phương vẫn chưa có chính sách đào tạo, dạy nghề cho người dân. Nguyện vọng của bà con Phú Vinh là sớm được chia 10% đất dịch vụ để lấy đó kinh doanh hoặc làm xưởng sản xuất. “Khi thu hồi đất, chủ đầu tư đã hứa hẹn thu hồi xong sẽ bớt 10% diện tích đất để làm dịch vụ theo đúng quy định của Nhà nước (hộ nào bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp thì được bố trí đất để chuyển đổi nghề) nhưng đến giờ, sau 5 năm vẫn chưa thấy gì”, anh Tỵ cho biết.

Khoản 4, Điều 4 Nghị định 17/2006/NĐ - CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai và Nghị định số 187/2004/NĐ - CP về việc chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần: “Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp mà không được Nhà nước bồi thường bằng đất nông nghiệp tương ứng thì được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm theo quy định sau đây: 1. Được giao đất có thu tiền sử dụng đất tại vị trí có thể làm mặt bằng sản xuất hoặc kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp; mức đất được giao do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào khả năng quỹ đất và mức đất bị thu hồi của từng hộ gia đình, cá nhân để quy định; giá đất được giao bằng giá đất nông nghiệp tương ứng cộng với chi phí đầu tư hạ tầng trên đất nhưng không cao hơn giá đất tại thời điểm thu hồi đất đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định và công bố; 2. Trường hợp đặc biệt không có đất để bố trí như quy định tại khoản 1 Điều này thì những thành viên trong hộ gia đình còn trong độ tuổi lao động được hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp; mức hỗ trợ cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định phù hợp với thực tế ở địa phương; việc hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp được thực hiện chủ yếu bằng hình thức học nghề tại các cơ sở dạy nghề”.

Theo Hoàng Dương (Báo Tin Tức)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.