Đối với dự án đã từng được bàn bạc, HN nên rà soát lại tất cả các số liệu, các ý kiến phản biện để lắng nghe, tiếp thu và điều chỉnh.
Làm rõ khái niệm "tái khởi động" dự án
UBND thành phố Hà Nội vừa quyết định tái khởi động lại dự án siêu đô thị ven sông Hồng sau 22 năm dự án này chỉ nằm trên giấy.
Cụ thể, Hà Nội yêu cầu sở, ngành liên quan, UBND quận Tây Hồ và Ba Đình thực hiện nhiệm vụ được giao liên quan đến việc triển khai dự án Trấn Sông Hồng (Song Hong City).
Trước thông tin về dự án trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 17/10, KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội quy hoạch đô thị Hà Nội cho biết: "Sau siêu dự án sông Hồng, thì đã có quy hoạch chung của Hà Nội, nhưng vẫn chưa có quy hoạch cụ thể nên nếu làm dự án thì tôi không biết căn cứ vào đâu.
Vì thế cần phải xem xét trên cơ sở quy hoạch phân khu, đi theo định hướng hai bên sông Hồng, thiết nghĩ, chưa nghiên cứu thì sẽ khó mà làm được các dự án nhỏ.
Dự án thành phố ven sông Hồng
Nên việc tái khởi động cần phải có căn cứ từ những định hướng lớn, trong khi, nếu như định hướng lớn chưa có những cái rõ ràng thì chưa nên vội triển khai. Đồng thời, phải kế thừa nghiên cứu cũ trước đây, rút bài học kinh nghiệm".
Bên cạnh đó, theo ông Nghiêm, cụm từ "tái khởi động" cũng phải làm rõ, nó là đổi mới nội dung dự án hay là khởi động lại dự án cũ đã có, phải xác định rõ mục tiêu, điều chỉnh thành khu công viên, vườn hoa cây xanh, hay là xây dựng khu dân cư. Tất cả phải được tham vấn ý kiến cộng đồng, chứ không thể tự quyết định.
Bởi đây là khu vực sinh sống của 26.000 hộ dân, hiện tại đã phát triển, tương đối ổn định cuộc sống, nếu quy hoạch mới thì vô cùng khó khăn. Quy hoạch mới chỉ nên là quy hoạch trục cảnh quan hai bên sông Hồng theo quy hoạch chung 2011.
Chưa kể việc nghiên cứu xác định độ ổn định của dòng chảy sông Hồng chưa hoàn thành vì tình hình biến đổi khí hậu đang ngày càng phức tạp, thì làm sao xây dựng dự án.
"Tất cả phải được làm theo định hướng đã được phê duyệt, nhưng quy hoạch hai bên sông Hồng chưa được cụ thể hóa, thì không có căn cứ xem xét, xây dựng xung quanh khu vực này. Vì thế, chưa đủ căn cứ pháp lý để xem xét dự án trên", ông Nghiêm nhấn mạnh.
Tính toán lợi ích cộng đồng
Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, KTS Ngô Doãn Đức - Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam cho rằng, dự án sông Hồng là một chuỗi từ con đê đến bờ sông của sông Hồng, chạy từ Long Biên đến An Dương.
Từ năm 1994, Hàn Quốc đã từng làm dự án hai bên sông Hồng, đưa ra nhiều vấn đề, khi đó dòng chảy sông Hồng không như hiện nay.
Đặc biệt, Hà Nội vẫn mơ có thể làm được một con sông đẹp thơ mộng như sông Hàn nhưng phải khẳng định rằng, hai dòng sông này hoàn toàn khác nhau. Sông Hồng còn mang giá trị đem phù sa, tự bồi lấp, phục vụ sinh kế hàng triệu dân.
Nếu xây dựng con sông sẽ không tìm được cách cân bằng mới và có thể phá vỡ các yếu tố khác, sẽ rất khó lường và có thể hủy tất cả các cầu của chúng ta xây dựng trên sông.
"Từ trước tôi đã nhấn mạnh, chúng ta không thể đem mô hình Sông Hàn có dòng chảy ổn định, còn sông Hồng luôn vận hành theo quy trình bên lở bên bồi, áp dụng cho nhau.
Việc xây 2 con đê kiên cố bó lấy dòng sông sẽ làm mất đi quy luật vận hành tự nhiên của dòng sông.
Tất nhiên, ở góc độ kiến trúc cảnh quan, tôi thấy, hai bên sông Hồng hiện nay gần như bị bỏ quên, thành ra nhìn từ phía bờ sông không hề đẹp. Việc các dự án tham gia vào làm cơ sở vật chất, làm cho thành phố văn minh, hiện đại giữa hai bờ sông đây là hướng đi thành công, tích cực.
Bởi vì, các đô thị trên thế giới họ đều ôm trọn dòng sông vào lòng, Hà Nội lâu nay do nhiều đặc điểm, nên lãng quên hai bên sông Hồng, giờ phải thay đổi.
Thế nhưng, vẫn phải quan tâm đến việc quy hoạch tác động đến đời sống người dân, sự chịu tải giao thông, có khả thi hay không, sẽ phải quan tâm. Bởi vì, cái đó khi được hình thành lên, nó tác động rất nhiều mặt, vì khi được hình thành lên nó tác động rất nhiều mặt.
Ví dụ, tính toán giao thông không tốt, chất tải lên đô thị, nhà cao tầng đổ ra dòng người, chưa cần thấy đưa vào hoạt động đã thấy chật chội.
Tôi tin rằng, làm tốt cho doanh nghiệp, nhưng vẫn phải có lợi ích cho công cộng, những người dân ven sông phải có chính sách cho họ", ông Đức phân tích.
Mặt khác, theo vị KTS trên, dự án này đã từng gặp phải nhiều ý kiến phản đối, bởi vì dòng sông Hồng chảy qua Hà Nội khoảng 50km, nằm ngang trước khi đổ ra biển, đó là nguy cơ với đô thị.
"Sau 22 năm, dự án này cần được xem xét lại một cách tổng thể hơn, cập nhật những thông tin mới. Trước đây, dự án này thất bại cũng một phần do VN cung cấp số liệu cho nhà tư vấn Hàn Quốc không chuẩn như số liệu dân, nên bài toán đền bù, tái định cư không khớp với thực tế.
Chúng ta đã từng đụng đến dòng sông, những ý kiến đã được nêu ra thì lần này hãy giải quyết hết các bài toán về giao thông, trị thủy, tái định cư...có bài toán thực tế hơn, cập nhật lại thông tin, rà soát các thông số", ông Đức chỉ rõ.
Thế nhưng, theo Phó Chủ tịch Hội KTS VN, đây là dòng sông chảy qua khu vực đặc biệt nên cần tính toán cụ thể, tổng thể, chứ không nên vội vàng, làm theo cảm tính, hay quan điểm của một địa phương. Nếu được hãy tổ chức một cuộc thi mang tầm quốc tế, rồi lựa chọn phương án thiết kế phù hợp, cần hơn nữa thì xin ý kiến chủ trương của Quốc hội.
Châu An (Đất việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tham gia nhóm chat mua bán dự án