ĐBSCL đang lãng phí diện tích đất rất lớn trong các KCN, cụm công nghiệp với diện tích lên đến hơn 17.600ha (hơn 92% diện tích quy hoạch). Sự lãng phí đất đai nghiêm trọng như thế trong khi người dân xót xa, vất vả tìm từng mét vuông đất để sản xuất. Từng xảy ra “hội chứng” tỉnh nào cũng quy hoạch ồ ạt các KCN. Giờ khắc phục hậu quả của “hội chứng” này, chỉ còn cách thu hồi dự án.

Theo một khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ, ĐBSCL có 20 KCN với tổng diện tích 3.645ha nhưng mới cho thuê hơn 810ha, chỉ đạt tỉ lệ hơn 22%. Cạnh đó, các địa phương còn lập 177 cụm công nghiệp, tổng diện tích 15.457ha. Trong số này, mới có 15 cụm được các DN thuê hơn 700ha đất, đạt tỉ lệ 4,5%.

Như vậy, ĐBSCL đang lãng phí diện tích đất rất lớn trong các KCN, cụm công nghiệp với diện tích lên đến hơn 17.600ha (hơn 92% diện tích quy hoạch). Sự lãng phí đất đai nghiêm trọng như thế trong khi người dân xót xa, vất vả tìm từng mét vuông đất để sản xuất. Từng xảy ra “hội chứng” tỉnh nào cũng quy hoạch ồ ạt các KCN. Giờ khắc phục hậu quả của “hội chứng” này, chỉ còn cách thu hồi dự án.

Thật là sự trùng hợp ngẫu nhiên, trong lúc PV Báo CAND đi tìm hiểu về chuyện KCN “treo”, gây lãng phí đất thì UBND TP Cần Thơ cũng vừa có cuộc họp sơ kết tiến độ triển khai các KCN trên địa bàn thời gian qua.

Lãnh đạo BQL các KCX&CN Cần Thơ cho biết, việc chủ đầu tư chậm triển khai xây dựng các khu tái định cư (TĐC) tại các KCN khiến công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), xây dựng cơ sở hạ tầng tại KCN bế tắc. Cụ thể, KCN Hưng Phú 1 rộng hơn 242ha được chia thành 4 khu, nhưng chỉ có 1 khu rộng 21,5ha đã xong việc TĐC; 3 khu còn lại do chưa có TĐC nên địa phương chưa thực hiện được công tác bồi hoàn, GPMB. KCN Hưng Phú 2A, KCN Hưng Phú 2B (cũng đều thuộc địa bàn Q. Cái Răng) cũng gặp khó khăn tương tự trong công tác GPMB.

Đến nay, KCN Hưng Phú 2 chỉ hoành tráng ở cái cổng.

Ông Mai Hồng Châu - Chủ tịch UBND quận Cái Răng cho biết, HĐND quận từng kiến nghị UBND TP thu hồi chủ trương đầu tư một số “dự án rùa”, gây khó khăn cho người dân trong vùng dự án. Đó là các dự án: KCN và khu TĐC Hưng Phú 1 do Công ty CP KCN Sài Gòn – Cần Thơ làm chủ đầu tư; KCN Hưng Phú 2 A do Công ty TNHH MTV VLXD và Xây lắp thương mại BMC làm chủ đầu tư; KCN Hưng Phú 2B do Công ty Phát triển hạ tầng KCN làm chủ đầu tư. Tổng diện tích của 3 dự án vừa kể rộng gần 500ha, đều nằm trong khu vực Nam Cần Thơ, từng được chủ trương đầu tư từ năm 2005, nhưng nhiều năm qua, công tác đền bù giải tỏa rất chậm chạp và đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho các KCN cũng không tiến triển...

Ông Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết sẽ xem xét giảm bớt diện tích các KCN trên chứ không thu hồi toàn bộ. “Nên điều chỉnh chức năng và giảm bớt diện tích ba KCN này để thu hút nhà đầu tư chứ KCN gì mà cả chục năm trời vẫn giậm chân tại chỗ thì rất nhức nhối” – một lãnh đạo Sở Công Thương bày tỏ.

Thực trạng đất KCN “ở không” thật ra không phải chỉ mỗi mình Cần Thơ, nhiều địa phương khác của ĐBSCL cũng gặp cảnh tương tự.

Tại Tiền Giang, lãnh đạo tỉnh cho biết cũng rất “sốt ruột” khi KCN Bình Đông (TX Gò Công) và KCN dịch vụ dầu khí Soài Rạp (huyện Gò Công Đông) tổng diện tích trên 500ha cứ giẫm chân tại chỗ trong khi tỉnh tổ chức rất nhiều cuộc xúc tiến, mời gọi đầu tư. Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, hầu hết nhà đầu tư đến các KCN này đều “một đi không trở lại” là do không có đường hoàn chỉnh (dự án nâng cấp mở rộng QL50 mới xong giai đoạn 1), chưa có cầu Mỹ Lợi (bắc qua sông Vàm Cỏ nối liền Tiền Giang với Long An).

Muốn về TP Hồ Chí Minh phải vòng ngược lên Mỹ Tho rồi theo QL1A hoặc đường cao tốc, vừa xa, vừa tốn kém. Ngay cả đường từ QL50 dẫn vào KCN Bình Đông và KCN dịch vụ dầu khí Soài Rạp dự kiến dài 8km, rộng 60m, vốn đầu tư gần 800 tỷ đồng cũng mới chỉ dừng lại ở một dự án kêu gọi đầu tư theo phương thức BT. Cả hai KCN hiện vẫn im lìm, là nơi lý tưởng của cỏ dại…

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch UBND TX Gò Công, cho biết có khoảng 500 hộ dân có đất dính vào KCN không dám đầu tư sản xuất, cuộc sống khó khăn.

…Những ngày đầu tháng 9/2012, chúng tôi có dịp về Kiên Giang và ghi nhận được nỗi lòng của 174 hộ dân Thạnh Lộc, huyện Châu Thành. Nhiều bà con thật sự tiếc khi thấy hàng trăm hécta đất từng làm lúa, có năng suất 8-10 tấn/ha, bị thu hồi rồi để hoang cho cỏ mọc. Vụ đông xuân 2011, BQL khu kinh tế tỉnh Kiên Giang – đơn vị quản lý các KCN và khu kinh tế trên địa bàn tỉnh, bỗng dưng cho một số hộ dân từ nơi khác đến thuê lại để… làm lúa. Người dân lại bức xúc sao lại thu hồi đất lúa, nói làm KCN rồi lại cho người ta thuê làm lúa.

Không thể kể hết “nỗi niềm” của nhiều người dân tại ĐBSCL có đất dính vào quy hoạch các KCN. Hầu hết người dân mà chúng tôi gặp đều bộc bạch tán thành chủ trương quy hoạch KCN, để vùng quê có thêm nhà máy, giải quyết công ăn việc làm cho người dân tại chỗ. Thế nhưng chẳng ai chịu nổi cảnh thu hồi đất rồi bỏ hoang tàn...

Những bất cập, vướng mắc trong phát triển ồ ạt các KCN đã để lại hậu quả nặng nề với sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế - xã hội các tỉnh ĐBSCL. Đã đến lúc, cần có những biện pháp kiên quyết để người dân khỏi xót lòng trước ruộng đất hoang hóa

Theo Binh Huyền (CAND)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.