Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 24 (DA QL24) đoạn Thạch Trụ - Phổ Phong, đi qua hai huyện Mộ Đức và Đức Phổ (Quảng Ngãi) có chiều dài 8km, với tổng mức đầu tư 396 tỷ đồng; được triển khai tháng 8-2008 và thời gian hoàn thành được Bộ GTVT gia hạn vào cuối năm 2014. Song, đến nay dự án vẫn ì ạch, do vướng đền bù giải phóng mặt bằng; không chỉ làm tăng giá trị DA, giá trị bồi thường từ 72,3 tỷ lên 140 tỷ đồng, bà con nơi đây ví DA
Tại công trường, phần tuyến đường của dự án ở 2 đầu cơ bản đã hoàn thành, nhưng còn đoạn giữa của dự án (gói thầu số 8), phần cầu vượt đường sắt và đường dẫn đầu cầu, vẫn còn ngổn ngang, một số dầm cầu vẫn còn nằm dưới bãi đúc dầm, một vài công nhân lủi thủi gia công cốt thép gờ chắn, đây là cây cầu được người dân địa phương đặt tên là “cây cầu 2 thập niên”. Nguyên nhân chính dẫn đến chậm tiến độ chủ yếu là do công tác giải phóng mặt bằng, thủ tục quy chủ, áp giá của một số hộ dân kéo dài, hồ sơ giấy tờ chứng minh nguồn gốc đất không đủ. Điều đáng nói, có một số trường hợp, lợi dụng sơ hở về hồ sơ lưu của các thửa đất ở xã, huyện không đủ nên trong quá trình kiểm kê, áp giá đền bù thiệt hại về tài sản, đã kê khống, chiếm đoạt tiền Nhà nước.
Dự án vẫn còn ngổn ngang, dầm cầu chưa gác lên, liệu ngày 30-4 này có kịp hoàn thành không?
Theo tài liệu chúng tôi thu thập được, vào tháng 4-2000, vợ chồng ông Dương Nguyễn Nhật Triệu (công nhân Đội quản lý đường sắt, 403 Đức Phổ) gửi đơn xin đất làm nhà tạm, trên khu đất trống phía Nam gần nhà gác chắn đường sắt Bắc Nam, tại xã Phổ Phong (Đức Phổ), để thuận tiện cho sinh hoạt gia đình, công việc và cam kết sau này Nhà nước lấy lại sẽ tự nguyện tháo dỡ nhà, trả lại đất; được lãnh đạo Xí nghiệp Quản lý đường sắt Nghĩa Bình ký xác nhận, đóng dấu. Tuy nhiên, khi triển khai giải phóng mặt bằng DA QL24, hộ ông Triệu không tháo dỡ tài sản trả lại đất như đã cam kết, mà cho rằng mình mua đất của bà Trần Thị Mỹ Lệ để làm nhà và đưa ra giấy viết tay làm cơ sở đòi đền bù, bố trí đất tái định cư.
Nhiều lần các cơ quan chức năng đến vận động hoặc thông báo áp dụng biện pháp cưỡng chế thì vợ ông Triệu xách can xăng ra trước nhà gây áp lực... Rốt cuộc, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện phải nhượng bộ và đồng ý chi trả cho hộ ông Triệu gần 600 triệu đồng, đồng thời bố trí cho ông 1 lô đất tái định cư. Dù đã nhận tiền đền bù đợt 1-2016, nhưng ông Triệu vẫn kéo rê việc đập nhà, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Trường hợp ông Huỳnh Hiệt tại thôn Hiệp An (xã Phổ Phong) tự rào bao 1.257m2 đất phần trăm do UBND xã quản lý rồi bỏ trống hơn 30 năm nay, nhưng sau đó kê khai và được UBND H. Đức Phổ cấp sổ đỏ năm 2006, thuộc dạng đất trồng cây hằng năm. Khi thu hồi 1.079m2 đất phục vụ DA QL24, ông Hiệt được chi trả tiền đền bù hơn 260 triệu đồng và Chủ tịch UBND huyện Lê Văn Mùi “ép” UBND xã phải ký hồ sơ xác nhận cho ông Hiệt nhận tiền, gây bất bình trong nhân dân.
Sau khi công luận phản ứng quyết liệt, Thanh tra tỉnh vào cuộc xác minh cho thấy việc cấp đất, đền bù đất không đúng quy định; đã kiến nghị Chủ tịch UBND H. Đức Phổ khẩn trương ra quyết định thu hồi sổ đỏ của ông Hiệt cũng như dừng việc chi trả tiền đền bù đất đai, rất may chứ không thì hàng trăm triệu đồng công quỹ đã “đội nón ra đi”, vì những việc làm thiếu cơ sở pháp lý của chính quyền huyện.
Chưa hết, từ đơn tố cáo của công dân, cơ quan chức năng đã làm rõ việc bà Thới Thị Hải Yến – Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Phong đã thiếu gương mẫu, không động viên gia đình chấp hành pháp luật mà bao che cho người nhà trục lợi tiền đền bù giải tỏa. Bản thân bà Yến còn tự ý đổ đất lập vườn trên đất trồng lúa, thiếu trung thực trong việc kê khai nguồn gốc sử dụng đất của hộ gia đình mình.
Cụ thể: Đất gia đình bà Yến sử dụng từ năm 1984, nhưng bà Yến kê khai sử dụng từ ngày 6-12-1980 để lập hồ sơ được hỗ trợ đền bù về đất khi Nhà nước thu hồi phục vụ DA QL24. Vụ việc được phát hiện nhưng ý thức tự giác khắc phục hậu quả của bà Yến chưa kịp thời. UBND H. Đức Phổ đã ban hành Quyết định số 1060/QĐ-UBND về thi hành kỷ luật đối với bà Yến bằng hình thức cảnh cáo.
Trao đổi với chúng tôi, bà Huỳnh Thị Cẩm Liêm, Giám đốc trung tâm khai thác quỹ đất H. Đức Phổ cho biết, từ năm 2013 đến giờ chỉ còn 3% về công tác giải tỏa đền bù nhưng đến nay vẫn vướng mắc. Hiện nay, còn một hộ ông Lữ Trọng Căng chưa chịu nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng.
Cả dự án có tổng 755 hồ sơ đền bù giải tỏa. Nếu đúng kế hoạch thì cuối năm 2010 là xong nhưng phát sinh nhiều khiếu nại, khiếu kiện, người dân đòi hỏi nhiều quyền lợi. Huyện đã thành lập đoàn vận động, nhiều lần vận động, giải thích nhưng người dân không muốn hiểu, yêu cầu đáp ứng theo ý dân, cũng có nhiều vụ kéo dài làm ảnh hưởng quyền lợi của dân.
Ông Võ Trọng Phương, Giám đốc Ban quản lý dự án (BQLDA) nói: “Dự án làm hoài không xong là do công tác đền bù giải tỏa, cái chính là do quản lý đất đai ở xã quá kém, lưu hồ sơ đất không đủ, khi tìm hiểu ra thì ông huyện cũng lưu không đủ, lưu tầm bậy tầm bạ hết. Nhiều trường hợp người dân làm sổ xong 3 đến 4 năm vẫn chưa nhận được sổ, khi vỡ lở ra thì mới biết do ông địa chính còn giữ sổ ở xã, thanh tra lại quản lý đất đai thì thấy quản lý hời hợt, dẫn đến ảnh hưởng dự án, trễ tiến độ.
Tiền đền bù của dự án ban đầu là 72,3 tỷ đồng nhưng đến nay tăng lên đến 140 tỷ đồng (gần gấp đôi). Đang cố gắng đến ngày 30-4-2016 này hoàn thành nhưng nếu không kịp thì đến ngày 1-5-2016, cùng lắm thì ngày đó cho thông xe kỹ thuật còn công tác hoàn thiện thì làm sau, chứ biết làm răng chừ!”.
Hồng Thanh (CADN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.