Để có đất giao cho CTCP IMG Phước Đông thực hiện dự án (DA) Khu công nghiệp - cầu cảng Phước Đông, UBND tỉnh Long An đã thu hồi 143ha, Diện tích còn lại thuộc diện phải thu hồi khoảng hơn 0,5ha. Vậy nhưng, 5 năm qua, tỉnh Long An đã thiếu kiên quyết trong việc thu hồi khiến DA Khu công nghiệp- cầu cảng Phước Đông đứng trước nguy cơ phá sản, thiệt hại ước tính đến vài trăm tỷ đồng.

Đòi giá bồi thường gấp 700 lần!

Ngày 15-10-2007, UBND tỉnh Long An đã ban hành Quyết định 2609/QĐ-UBND nhằm thu hồi hơn 143ha đất tại xã Phước Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An để thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng KCN Phước Đông, trong đó có khu đất 5.471m2 nằm trong quy hoạch Phước Đông do Doanh nghiệp tư nhân XD-TM Thăng Long (DN Thăng Long) đang sử dụng làm bãi khai thác cát.

Ngày 7-11-2007, UBND huyện Cần Đước đã thu hồi khu đất 5.471m2 của DN Thăng Long bằng việc ban hành Quyết định 3833/QĐ-UBND với tổng số tiền đền bù 1,02 tỷ đồng và giao cho Ban giải phóng mặt bằng xã Phước Đông thực hiện.

Phía IMG Phước Đông cũng chuyển tiền bồi thường 100% cho các hộ dân thuộc diện giải tỏa đã được phê duyệt. Tất cả hộ dân đã nhận tiền, cá biệt DN Thăng Long không nhận tiền, dù số tiền đền bù đã gửi cho DN này trong ngân hàng.

Ông Chu Đình Khiêm, Tổng giám đốc CTCP IMG Phước Đông, cho biết từ cuối năm 2007 Ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Cần Đước phối hợp với IMG Phước Đông giải phóng mặt bằng và giao 96% diện tích đất phải thu hồi, nhưng 4% đất còn lại của DN Thăng Long nhất định không chịu bàn giao và kéo dài cho đến nay.

Ông Khiêm cho biết thêm dù trách nhiệm thu hồi đất là của tỉnh, nhưng với thiện chí, ngoài việc chuyển 100% tiền đền bù vào tài khoản DN Thăng Long, IMG Phước Đông còn đồng ý thỏa thuận đổi một khu đất khác “đắc địa” hơn, rộng khoảng 6.000m2 đã hoàn thiện hạ tầng trong DA.

Thế nhưng, DN Thăng Long bám víu vào Công văn 6464/UBND-KT ngày 14-12-2007 của tỉnh Long An để ra sức ép đòi bồi thường với mức giá 42 triệu đồng/m2, cao gấp 700 lần so giá đền bù hiện hành!

Quyết định thu hồi, công văn cho tồn tại?

Khu đất của DN Thăng Long hiện nay là một bãi cạp cát quy mô nhỏ, không phù hợp tồn tại trong KCN. Đây chính là lý do khiến DN Thăng Long nằm trong diện bị kê biên lấy đất giao cho IMG Phước Đông xây dựng KCN cầu cảng Phước Đông.

Thế nhưng, không hiểu sao trên cơ sở đề nghị của Trung tâm Xúc tiến và Đầu tư tỉnh Long An, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Đỗ Hoàng Việt (nay là Bí thư Thành ủy Tân An) ký Công văn 6464/UBND-KT ngày 14-12-2007 chỉ đạo cho phép DN Thăng Long được hoạt động tại vị trí cũ, chỉ sau Quyết định 2609 2 tháng.

Công văn 6464 ra đời có thể nói đã “góp công” rất lớn trong việc làm phá vỡ quy hoạch KCN Phước Đông, đi ngược chủ trương của Thủ tướng Chính phủ trong việc chuyển đổi các cụm công nghiệp thành KCN của tỉnh Long An, trong đó có KCN Phước Đông, kìm hãm tiến độ DA, mất cơ hội thu hút đầu tư… Các sở, ban, ngành tỉnh Long An sau đó đã mất nhiều thời gian họp nhiều lần vẫn không thể giải quyết “hậu” Công văn 6464.

Dự án KCN cầu cảng Phước Đông bị chậm tiến độ gần 5 năm. Ảnh: M. Tuấn

Theo ông Khiêm, việc sử dụng hơn 0,5ha của DN Thăng Long không có gì phải đáng lo ngại trên tổng thể 143ha, song do mảnh đất hơn 0,5ha này nằm ở vị trí cắt ngang KCN Phước Đông, nên hạ tầng KCN không thể kết nối được. Chính vì vậy, IMG Phước Đông nhiều lần có đơn khiếu nại gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Long An và các cơ quan chức năng về tính bất hợp lý của Công văn 6464.

Theo quan điểm của Sở Tư pháp tỉnh Long An, sau khi KCN Phước Đông được phê duyệt, DN Thăng Long trở thành đối tượng di dời, thu hồi đất theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. IMG Phước Đông là đối tượng được Nhà nước giao đất hoặc cho thuê theo nhu cầu (DA đầu tư thuộc nhóm A).

Việc 2 DN trên (IMG Phước Long và Thăng Long) tồn tại hoạt động không trùng nhau về quy hoạch và DA đầu tư, nên DN nào được cấp có thẩm quyền giao, phê duyệt thực hiện DA đầu tư theo quy hoạch mới với quy mô, tính chất quan trọng hơn, thì những tổ chức, cá nhân nằm trong quy hoạch sẽ bị thu hồi đất theo quy định. Vì vậy, UBND tỉnh Long An cần chấm dứt thi hành Công văn 6464.

Thanh tra Chính phủ vào cuộc

Công văn 6464 đã làm chậm tiến độ của DA tới gần 5 năm, khiến các đơn vị thi công phải dừng lại, ngân hàng ngừng cho vay, DN phải trả lãi vay hơn 100 tỷ đồng…Thậm chí nhiều đối tác như Công ty Hartalega (Malaysia) muốn thuê 40ha đất để đầu tư nhà máy sản xuất găng tay 400 triệu USD, công ty Thép Thủ Đức thuê 20ha… đã bỏ đi, khiến công ty thiệt hại gần 200 tỷ đồng, đồng thời đặt DA trước nguy cơ phá sản. Nếu lãnh đạo UBND tỉnh Long An không nhanh chóng có biện pháp xử lý theo kết luận của Thanh tra Chính phủ thì chúng tôi xin hoàn trả lại DA và đề nghị UBND tỉnh Long An trả lại chi phí chúng tôi đã bỏ ra. Qua sự việc này, tỉnh đã làm mất niềm tin không chỉ IMG Phước Đông mà còn nhiều nhà đầu tư tiềm năng khác đang có ý định đến với Long An.

Ông Chu Đình Khiêm,
Tổng Giám đốc CTCP IMG Phước Đông

Trước những góp ý của các sở, ban, ngành, UBND tỉnh Long An vẫn im lặng. Chính vì vậy, cuối tháng 8-2012, Thanh tra Chính phủ đã phải lập tổ công tác để “test” lại DA bị “lỗi” ở đâu.

Sau khi kiểm tra, Tổng Thanh tra Chính phủ đã kết luận bằng Công văn 2034/TTCP-CIII ngày 20-8-2012 và đề nghị: Chủ tịch UBND tỉnh Long An thu hồi đất của DN Thăng Long giao cho IMG Phước Đông. Giao cho UBND huyện Cần Đước thực hiện bồi thường, hỗ trợ cho DN Thăng Long. Hủy bỏ nội dung “chấp thuận để DN Thăng Long tồn tại ở vị trí hiện hữu…” tại Công văn 6464.

Ngày 30-8-2012 UBND tỉnh Long An đã có Công văn 3081 chỉ đạo Sở Tài nguyên-Môi trường tham mưu cho tỉnh mà Công văn 2034 kết luận. Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Long An đã có tờ trình UBND tỉnh góp ý: “Thu hồi diện tích đất 5.471m2 thuộc một phần thửa đất số 2015 tại Giấy chứng nhận QSDĐ số Y 457938 do UBND tỉnh cấp cho DN Thăng Long ngày 29-9-2003 để giao cho IMG Phước Đông.

Theo đó, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Long An cũng có văn bản gửi UBND tỉnh Long An đề nghị chấm dứt thi hành Công văn 6464. Có thể thấy, thủ phạm trong việc cản trở sự phát triển của DA KCN Phước Đông chính là Công văn 6464.

Dù vậy, đến nay UBND tỉnh vẫn vô cảm, phớt lờ, chưa có biện pháp khắc phục. Động thái “im lặng” của UBND tỉnh Long An đã dấy lên nghi vấn trong dư luận: Việc chậm thu hồi đất để giao cho IMG Phước Đông phải chăng là DN Thăng Long có “gậy” chống lưng hay UBND tỉnh bất lực?

ĐTTC đã nhiều lần đến UBND tỉnh Long An liên hệ để tìm hiểu nguyên nhân gì khiến lãnh đạo của tỉnh nao núng, khó xử trong việc chấm dứt hoạt động của DN Thăng Long, tuy nhiên lãnh đạo chối từ trả lời phỏng vấn trực tiếp.

Theo Minh Tuấn (SGĐTTC)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tham gia nhóm chat mua bán dự án