Từng nổi lên như một hiện tượng của thị trường BĐS Hà Nội, thế nhưng, đã gần 2 năm sau ngày mở bán, dự án ParkCity vẫn chưa triển khai được gì.

Từng nổi lên như một hiện tượng của thị trường bất động sản (BĐS) Hà Nội, thế nhưng, đã gần 2 năm sau ngày mở bán, dự án ParkCity trên đường Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông) của chủ đầu tư là CTCP Phát triển đô thị Quốc tế Việt Nam (VIDC) - công ty liên doanh giữa Perdana ParkCity (S) Pte (Singapore) và CTCP Đầu tư và phát triển đô thị Vinaconex - Hoàng Thành vẫn chưa triển khai được gì. Đặc biệt, trong vài tháng trở lại đây, dự án gần như không tiến triển.

Dự án ParkCity triển khai xong móng rồi… nghỉ!

Ông Nguyễn Văn Thưởng, chủ một cửa hiệu tạp hóa nằm đối diện với dự án ParkCity cho biết: “Khoảng 5 - 6 tháng trở lại đây, công trường Dự án ParkCity nằm ‘đắp chiếu’, không hoạt động. Tình trạng hiện nay đối lập hẳn với khoảng thời gian từ tháng 9/2011 đổ về trước, khi xe chở sắt thép, cát sỏi… rầm rập ra vào, khiến tuyến đường Lê Trọng Tấn, đoạn từ Quang Trung đến Lê Văn Lương kéo dài lúc nào cũng ngập trong khói bụi”.

Ngày 3/5, phóng viên Đầu tư Chứng khoán có mặt tại hiện trường dự án ParkCity và không thấy bất cứ hoạt động gì liên quan đến việc triển khai thi công Dự án. Toàn bộ Dự án rộng 77 héc-ta phần lớn vẫn để hoang cho cỏ mọc. Tại khu nhà thấp tầng tiểu khu 1, gói thầu đầu tiên đã được đơn vị thi công làm xong phần móng từ tháng 10/2011. Theo kế hoạch, dự án tiểu khu này sẽ hoàn thành và bàn giao nhà vào quý I/2013, nhưng đến nay, tiến độ toàn bộ gói thầu vẫn giậm chân tại… phần móng. Vì vậy, công trường cỏ mọc um tùm, các trụ cột bê tông trơ lõi thép han gỉ.

Được biết, trước đó, tại đợt mở bán đầu tiên vào ngày 3/8/2010, Dự án ParkCity đã thu hút rất đông nhà đầu tư đăng ký mua nhà. Mặc dù mức giá gốc chủ dự án đưa ra rất cao, khoảng 75 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm VAT), cao hơn rất nhiều mức giá tại nhiều dự án lân cận, nhưng do có quá nhiều người muốn mua hàng, khiến chênh lệch giá mỗi suất đất tại dự án này bị đẩy nhanh đến chóng mặt, lên đến 1,2 - 1,5 tỷ đồng mỗi suất. Sau đó, mức chênh lệch còn được đẩy lên đến 3 - 5 tỷ đồng/lô, tùy vào diện tích mỗi căn nhà.

Theo nhiều chuyên gia BĐS, sở dĩ ParkCity thu hút được nhiều nhà đầu tư quan tâm trong đợt mở bán đầu tiên, bất chấp giá khởi điểm rất cao, vì dự án này mang mác ngoại. Khi đó, nhiều người vẫn tin tưởng rằng, một dự án BĐS có sự tham gia của phía nước ngoài thì khả năng thành công và mang lại lợi nhuận sẽ rất lớn. Dẫn chứng cụ thể là những khách hàng mua được đất tại Dự án Bắc An Khánh của liên doanh Vinaconex JSC (Việt Nam) và POSCO E&C (Hàn Quốc), hay Ciputra của liên doanh Tập đoàn Ciputra Group (Indonesia) và Tổng công ty Đầu tư và phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) - Hà Nội trước đó đều mang lại lợi nhuận lên đến hàng tỷ đồng/lô cho nhà đầu tư.

Thế nhưng, đến thời điểm hiện nay, thị trường đã khác, quan niệm về các dự án BĐS mang mác ngoại cũng khác. Bởi thực tế thời gian qua, có rất nhiều dự án BĐS 100% vốn đầu tư nước ngoài hay dự án liên doanh với DN nước ngoài cũng chây ỳ và chậm tiến độ. Thậm chí, nhiều vụ việc khiếu nại về chậm tiến độ của khách hàng liên quan đến các dự án BĐS có yếu tố nước ngoài cũng đã xảy ra.

Thực tế này còn được nhắc đến trong một văn bản của UBND TP. Hà Nội gửi Bộ Xây dựng mới đây, trong đó, có đề cập đến hàng loạt dự án có vốn đầu tư nước ngoài đã không triển khai hoặc chậm triển khai so với thời hạn đăng ký. Do dự án chậm triển khai nên trong bối cảnh thị trường BĐS khó khăn, giá căn hộ và giá đất biệt thự, liền kề những dự án có yếu tố nước ngoài cũng giảm mạnh.

Dự án ParkCity cũng chung hoàn cảnh này. Thay vì tranh mua và giá chênh lệch so với giá gốc liên tục tăng, hiện nhiều nhà đầu tư tại dự án này sẵn sàng chuyển nhượng các suất biệt thự, nhà liền kề với giá gốc. Thế nhưng, theo đại diện nhiều sàn giao dịch, do giá bán quá cao, giá trị các suất biệt thự, liền kề đều lên tới 9 - 10 tỷ đồng, nên những vụ mua bán thành công tại dự án này thời gian gần đây là rất hiếm hoi. Các sàn giao dịch này cũng nhận định, việc chủ đầu tư bán với giá quá cao, cộng với việc dự án chậm triển khai sẽ khiến việc tổ chức bán hàng ra thị trường tại những đợt bán hàng tiếp theo sẽ rất khó khăn.

Theo ĐTCK
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.