Trong nửa đầu năm 2015, riêng những dự án công nghiệp dệt may quy mô lớn được phê duyệt đã đóng góp 4,18 tỷ USD - tương đương 76% nguồn vốn FDI vào Việt Nam. Nhiều yếu tố khách quan (các hiệp định hợp tác, tâm lý nhà đầu tư) lẫn chủ quan (cải cách luật pháp) đang đưa mảng hoạt động này vào giai đoạn phát triển bản lề.

Theo báo cáo chi tiết của Savills mới đây, tỷ trọng lấp đầy lẫn giá thuê ở các địa bàn tập trung trọng điểm các KCN quy mô đều rất tích cực. Hà Nội và Tp.HCM vẫn là hai đối trọng cân xứng với điều kiện hạ tầng ngày càng hoàn thiện.

Kỳ vọng dệt may, bất động sản

Dù hiệp định hợp tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chưa được thống nhất vào cuối tháng 7 vừa qua, hiệp định này đang là cơ sở để kỳ vọng ngành vải sợi - dệt may sẽ phát triển với tốc độ hai con số. TPP sẽ ràng buộc các loại vải và hàng may mặc XK phải có nguồn gốc nguyên liệu từ các nước tham gia vào hiệp định. Vì vậy, rất nhiều nhà đâù tư (NĐT) từ Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan đã lên kế hoạch để đón đầu cơ hội.

Nghiên cứu của ngân hàng Standard Chartered mới đây cho thấy xuất hiện sự dịch chuyển vốn đầu tư từ Trung Quốc sang các nước trong khối Asean để tận dụng cơ hội từ hiệp định. Đáng chú ý, tỷ lệ lớn các đơn vị tham gia nghiên cứu lựa chọn Việt Nam, do có thị trường nội địa lớn (44%), tiếp sau là do chi phí hoạt động thấp (29%).

Savills cũng nhắc tới sự nhạy bén của các NĐT Singapore đang và dự báo sẽ đóng góp tích cực cho phát triển hoạt động KCN nhiều lĩnh vực. Đơn cử, KCN Việt Nam - Singapore (VSIP) tại Quảng Ngãi đến nay đã thu hút 7,8 triệu USD vốn FDI, kể từ khi khai trương vào cuối 2013.

Ngoài ra, Tập đoàn Mapletree Singapore cũng đã cam kết đầu tư khoảng 1 tỷ USD cho phát triển các KCN, tòa nhà văn phòng và căn hộ ở Việt Nam thời gian tới.

Một số tên tuổi khác (cũng đến từ Singapore) như Famed Banyan Tree, Keppel Land và Capital Land cũng lần lượt thông báo kế hoạch đầu tư vào những dự án BĐS quy mô lớn tại Việt Nam.

Liên quan tới những chính sách quản lý "sát sườn", Chính phủ đã yêu cầu các địa phương thu nhỏ quy mô, thậm chí đóng cửa một số KCN có tỷ lệ thuê thấp để dành chỗ cho các kế hoạch phát triển khác. Điển hình, KCN Bá Thiện (Vĩnh Phúc), KCN Cam Ranh (Khánh Hòa) đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư. Một thông số rà soát của Bộ KH&ĐT hồi tháng 3 đã từng nhắc tới vấn đề này.

Trong số nhiều KCN được Bộ đề xuất thu hồi, Hưng Yên là một trong những tỉnh có nhiều KCN nằm trong "danh sách đen" với 4 trường hợp.

Về phần công nghiệp dệt may (được kỳ vọng phát triển tốt thời gian tới), rất nhiều địa phương sẽ chỉ ưu tiên những NĐTcó công nghệ cao và số lượng nhân công hạn chế, vì lý do môi trường.

"Tinh thần là kiên quyết cắt giảm diện tích, loại bỏ các KCN không hiệu quả, không thu hút được dự án, đồng thời thực hiện nghiêm việc đưa dự án đầu tư vào khu vực đã xây dựng cơ sở hạ tầng", Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nêu tại cuộc họp Ban chỉ đạo về phát triển KKT - KCN, ngày 19/3.

Cú hích từ hạ tầng

Số liệu của Bộ KH&ĐT cho thấy tại thời điểm tháng 7/2015, Việt Nam có 299 KCN với tổng diện tích tự nhiên khoảng 84.000ha, trong đó tổng diện tích cho thuê là 56.000 ha. Chi tiết, 212 KCN hoạt động với đất tự nhiên 60.000 ha, 87 KCN với 24.000 ha đất đang được GPMB và xây dựng cơ sở hạ tầng.

Điểm chung, cả KCN trọng điểm phía Nam (tổng cộng 106 KCN nằm trên địa bàn Tp.HCM và các tỉnh lân cận) và KCN trọng điểm phía Bắc (46 KCN, trên 7 tỉnh thành) đều bám sát lợi thế gần quốc lộ, đường liên tỉnh, cảng biển… Đặc biệt, 46 KCN ở vùng trọng điểm phía Bắc hầu hết nằm dọc theo Quốc lộ 5, cao tốc Thăng Long - Nội Bài, Quốc lộ 2, Quốc lộ 18.

So về tốc độ hoàn thiện, phát triển cơ sở hạ tầng (bên cạnh chính sách ưu đãi khác) để thu hút NĐT ngoại, Tp.HCM có phần "nhỉnh" hơn phía Bắc với nhiều dự án đang được tiến hành.

Có thể kể, đường cao tốc Tp.HCM - Long Thành, tuyến metro số 1 và các đường vành đai của thành phố. Theo kế hoạch, đầu 2016 sẽ chứng kiến hai tuyến đường trọng điểm được khởi công: vành đai 3 kết nối huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) và đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Tại địa bàn Hà Nội, tới tháng 4 vừa qua, các KCN đã thu hút 55,1 triệu USD vốn đầu tư (tăng 55% so với năm ngoái). Trong tổng cộng 588 dự án tìm vào các KCN ở Hà Nội, 312 dự án FDI với tổng vốn đăng ký lên tới 4,85 tỷ USD và 276 dự án đầu tư trong nước với hơn 530 triệu USD.

Điểm nhấn hạ tầng giao thông được đánh giá góp phần quan trọng trong việc kết nối địa bàn liên tỉnh Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh cũng như các KKT trọng điểm phía Bắc và cảng Hải Phòng, chính là 22,7 km đầu tiên thuộc dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng vừa được thông xe (20/6).

Năm 2016, dự án hoàn thành (trên 100km) sẽ góp phần gia tăng cơ hội thu hút đầu tư của các KCN trọng điểm phía Bắc. Hiện tại, theo báo cáo của Savills, giá thuê KCN tại Hà Nội đang cao nhất (nguồn cung cho thuê thấp nhất) ở phía Bắc. Trong khi đó, Bắc Ninh có nguồn cung KCN cho thuê lớn nhất, nhưng lại có giá thuê thấp nhất.

Đông Hưng (TBKD)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.