Dự án này đang đứng trước áp lực phải hoàn thành trước Tết 2015 khiến các nhà thầu phải chạy đua với tiến độ. Tuy nhiên, Hội đồng nghiệm thu nhà nước (HĐNTNN) khuyến cáo một số tồn tại về kỹ thuật có thể ảnh hưởng đến chất lượng công trình.

Chạy đua với tiến độ

Dự án (DA) đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây dài 55km từ nút giao Vành đai II (Q9) đến nút giao ngã ba Dầu Giây (Đồng Nai). Dự án do Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư, theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào cuối năm 2014. Từ trước Tết 2014, đoạn 20km từ Vành đai II đến QL51 (huyện Long Thành) đã đưa vào sử dụng, góp phần giảm áp lực cho xa lộ Hà Nội. Tuy nhiên, nhìn tổng thể hiện DA như đòn bánh bị cắt nhiều khúc, chưa biết ngày nào liền đoạn.

Một đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: Quang Hà

Đoạn 4km đầu tuyến, từ nút giao An Phú đến Vành đai II được chia làm 3 gói thầu 7, 8, 9. Theo kế hoạch sẽ hoàn thành tháng 2-2015 để phương tiện lên đường cao tốc khỏi mất công đi lòng vòng như hiện nay. Ông Phạm Hồng Quang - Phó tổng giám đốc VEC - khẳng định tiến độ các gói thầu này không đáng lo, có thể rút ngắn để hoàn thành trước 31-12-2014.

Đoạn cuối tuyến là gói thầu số 6 (từ Km37+800 đến Km54+984), theo hợp đồng đến 30-6-2014 sẽ hoàn thiện các hạng mục chính, những việc còn lại kết thúc trước ngày 30-8-2014. Đáng lo nhất là gói thầu 5A nằm giữa do nhà thầu Possco E&C thực hiện, dài 14km, từ nút giao QL51 (Km23+900) đến Km37+800 hiện chỉ mới đạt 3% tiến độ và khó có thể hoàn thành cuối năm 2014. Như vậy nếu các gói thầu khác đẩy nhanh tiến độ cũng vô nghĩa, do nhà thầu trước đây bỏ chạy và gói này vừa mới đấu thầu lại đầu năm 2014, theo hợp đồng thì cuối năm 2015 mới hoàn thành.

Nhưng chẳng lẽ tuyến đường cao tốc có ý nghĩa như vậy mà phải chờ đoạn giữa đến cả năm trời, nên Bộ Giao thông vận tải yêu cầu chủ đầu tư bằng mọi giá phải hoàn thành gói thầu 5A trước Tết 2015. Ông Sang Hoon Lee - Giám đốc điều hành của nhà thầu Possco E&C - cho biết đang tập trung máy móc, nhân công tiến hành 10 mũi cùng lúc để đạt tiến độ theo chỉ đạo của bộ.

Sức ép chất lượng

Trong quá trình kiểm tra gói thầu 5A, HĐNTNN phát hiện một số tồn tại. Cụ thể, đất đắp công trình vẫn còn lẫn nhiều đá cuội, sỏi, đá tảng so với tiêu chuẩn cho phép; đất còn nhiều gốc, rễ cây... Đáng ngại hơn là tại Km24+900 đất đắp nền bị khô, không đảm bảo độ ẩm nhưng nhà thầu vẫn cho lu lèn. Hội đồng cũng chỉ ra công tác thoát nước tạm tại khu vực nền đường đào chưa được quan tâm, bề mặt nền đường không bằng phẳng, thậm chí tại Km30+900 đến Km31+300 còn bị lún theo dạng “cao su”.

Phía chủ đầu tư, ông Quang cũng thừa nhận do áp lực về tiến độ nên việc kiểm soát chất lượng chưa chặt chẽ. Tại Km14+100 đến Km14+120 thuộc gói thầu số 3 còn xuất hiện lún lệch mặc dù đoạn này đã đưa vào khai thác. Ông Lê Mạnh Hùng - Giám đốc Ban quản lý DA - cho biết, tình trạng này do trước đây sử dụng hai phương pháp xử lý nền đất yếu khác nhau. “Công trình đang trong giai đoạn bảo trì nên nhà thầu tự bỏ kinh phí theo dõi, xử lý để đảm bảo khai thác”, ông Hùng nói.

Ngoài ra, HĐNTNN còn chỉ ra các lỗi như nứt vết chân chim ở mặt cầu nhánh C1 gói số 9, các dầm Super-T còn bị rỗ nước, rỗ vân mây. Tại cầu Đỗ Xuân Hợp, tấm ván khuôn đáy mặt cầu kê cao hơn thiết kế làm giảm chiều dày của lớp bê tông mặt cầu. Những tồn tại này theo GS.TSKH Nguyễn Văn Liên - Phó chủ tịch HĐNTNN, tuy chưa nghiêm trọng nhưng cũng cần theo dõi, xử lý một cách triệt để.

Long Quang (Công an TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.