Hàng trăm hộ dân ở các phường Hòa Khánh Nam, Hòa Minh (Liên Chiểu, TP Ðà Nẵng) nằm trong vùng quy hoạch Dự án Ga đường sắt Ðà Nẵng mới đang gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt, ổn định cuộc sống. Tình trạng dự án chồng dự án khiến dân đi cũng không được, ở thì nhà cửa nhếch nhác không được sửa chữa, ngập úng và môi trường sống bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Nhiều ngôi nhà được lợp tôn tạm bợ trong vùng quy hoạch dự án Nhà ga mới Ðà Nẵng.

Năm 2003, Dự án Ga đường sắt Ðà Nẵng mới được đưa vào Nghị quyết số 33-NQ/T.Ư của Bộ Chính trị về "xây dựng và phát triển thành phố Ðà Nẵng trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HÐH đất nước" với việc yêu cầu các bộ, ngành T.Ư sớm di dời ga đường sắt đến vị trí mới. Theo đó, năm 2004, TP Ðà Nẵng đã quy hoạch 250ha đất ở khu vực hai phường Hòa Khánh Nam, Hòa Minh để xây dựng nhà Ga Ðà Nẵng mới và các khu vực phụ trợ, di dời tuyến đường sắt ra khỏi nội thành. Nhưng đến nay đã 10 năm mà dự án vẫn đứng chân tại chỗ, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân. Tại rất nhiều cuộc tiếp xúc cử tri HÐND thành phố, Ðoàn đại biểu Quốc hội thành phố, người dân liên tục kêu về dự án "treo" này và đề nghị các đại biểu kiến nghị lên Chính phủ, các bộ, ngành liên quan. Theo ghi nhận của chúng tôi, hàng nghìn hộ dân sống trong vùng quy hoạch treo này đang sống khá tạm bợ vì nhà cửa không được sửa chữa, xuống cấp, và nguy hiểm rình rập trong mùa mưa bão tới. Môi trường sống ô nhiễm khi cỏ dại xâm lấn, cống rãnh ứ đọng.

Trả lời ý kiến của người dân Ðà Nẵng, Bộ GTVT cho biết, hiện nay nguồn vốn rất khó khăn và chưa thể triển khai trong thời gian tới. Cụ thể, Bộ GTVT đã nghiên cứu, đưa vào Quy hoạch tổng thể phát triển ngành GTVT đường sắt đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1436/QÐ-TTg ngày 10-9-2009. Theo đó, việc di dời Ga Ðà Nẵng ra vị trí mới sẽ được thực hiện trong giai đoạn từ năm 2011-2020, kinh phí đầu tư tính tại thời điểm năm 2009 là 1.080 tỷ đồng, được huy động từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, doanh nghiệp hoặc BOT.

Nhưng nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước bố trí cho lĩnh vực đầu tư phát triển đường sắt rất khó khăn nên đang tập trung cân đối cho các dự án bảo đảm an toàn chạy tàu, đối ứng các dự án vay vốn ODA, hoàn thành các dự án đang triển khai và hầu như không có vốn để bố trí triển khai dự án mới từ nay đến năm 2015. Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với TP Ðà Nẵng để tìm nguồn vốn đầu tư cho các dự án di dời Ga Ðà Nẵng ra vị trí mới, trong đó có nghiên cứu đến việc khai thác quỹ đất sau khi di dời Ga và đóng góp của ngân sách địa phương cho dự án. Bộ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo thành phố để giải quyết các vấn đề liên quan.

Song song với Dự án Nhà ga mới thì còn nhiều dự án phụ trợ khác. Hiện nay, đối với Dự án Khu dân cư số 1 phía bắc ga đường sắt Ðà Nẵng mới đã được TP Ðà Nẵng thống nhất nhập hệ thống giao thông chính của dự án này vào dự án Ga Ðà Nẵng mới với tên gọi Dự án Ga đường sắt mới và hệ thống giao thông phục vụ ga. Ðối với Dự án Khu kho tàng, cơ sở sản xuất sau ga đường sắt Ðà Nẵng mới, thống nhất giữ lại chỉnh trang các khu vực có mật độ dân cư cao và cho phép cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển nhượng, tách thửa, xây dựng hai tầng cho các hộ dân tại khu vực quy hoạch dự án. TP Ðà Nẵng cũng quyết định giữ lại chỉnh trang các khu vực dân cư có mật độ cao tại dự án Khu tái định cư phục vụ giải tỏa Khu kho tàng sau ga và khớp nối hạ tầng kỹ thuật với Khu dân cư Khánh Sơn 1 đối với các khu đất nông nghiệp không sản xuất được giáp với khu dân cư.

Những chủ trương này của TP Ðà Nẵng vẫn chưa đến được với phần đông dân cư trong vùng quy hoạch. Nhiều người dân khi được hỏi vẫn trả lời "cứ nghe nói không di dời rồi lại có thông tin di dời, dân không biết kế hoạch cụ thể". Một số hộ dân sống trong khu vực dự án treo hiện đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đã sửa chữa nhà kiên cố hơn theo chủ trương của thành phố, nhưng phần đông người dân không được sửa chữa nhà, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không được tách thửa đất cho con cái. Người dân ở đường Ðoàn Phú Tứ thuộc tổ 45A2 (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) còn phải sống trong ngập úng, không được xây dựng, nâng cấp nhà ở vì vướng dự án "treo". Một số hộ dân cho biết, khu vực này cũng nằm trong ranh giới quy hoạch Dự án khu dân cư chợ và phố chợ Hòa Khánh đã được Chủ tịch UBND thành phố Ðà Nẵng phê duyệt tại Quyết định số 4952/QÐ-UBND ngày 22-6-2012. Vừa bị quy hoạch chồng lấn, cả hai dự án vừa trong quy hoạch "treo" nhiều năm, khiến người dân bức xúc. Cứ mùa mưa bão là dân phải đi di tản khắp nơi, xây dựng nhà mới hoặc sửa chữa nhà thì lực lượng kiểm tra quy tắc đô thị xuống kiểm tra và đình chỉ xây dựng. Theo bản đồ ranh giới quy hoạch sử dụng đất các dự án tại UBND phường Hòa Khánh Bắc, toàn bộ khu vực phía tây nam đường Ðoàn Phú Tứ (trong đó có tổ 45A2) thuộc ranh giới quy hoạch Dự án KDC số 1 phía bắc ga Ðà Nẵng với 12 tổ dân phố: 45A1, 45A2, 45A3, 45A4, 45A5, 45B, 45C, 44A, 44B, 44C, 44D và 44E. Năm 2013, UBND phường đã kiến nghị thành phố giữ lại chỉnh trang khu vực dự án này vì mật độ nhà ở của người dân quá đông đúc.

Mới đây, UBND thành phố Ðà Nẵng đã phê duyệt "Quy hoạch giao thông vận tải TP Ðà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030", trong đó nêu rõ: Về đường sắt, đến năm 2020 sẽ tập trung triển khai di dời ga đường sắt ra khỏi trung tâm thành phố và xây dựng Ga Ðà Nẵng mới với quy mô 33 ha (giai đoạn 1), ga Kim Liên mới. Như vậy, chính quyền địa phương cần thông báo cho dân về tiến trình của dự án, không để đời sống của hàng nghìn hộ dân nơi đây mãi thấp thỏm vì dự án treo.

"Trước năm 2000, khu vực phía tây nam đường Ðoàn Phú Tứ là ruộng. Hiện tại cứ vào mùa mưa, khu vực này bị ngập nước cục bộ khoảng một vài giờ rồi rút vì quá thấp trũng. Một số hộ dân không được sữa chữa nhà vì chưa có giấy phép xây dựng của UBND quận Liên Chiểu cấp".

Phan Văn Đại

Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, TP Ðà Nẵng

"Nhiều hộ có điều kiện cũng không muốn sửa chữa, nâng cao nhà ở lên hai tầng (tầng hai lợp tôn), mà muốn sớm giải tỏa hoặc đi nơi khác mua đất, làm nhà ở vì tình trạng ô nhiễm môi trường, ngập úng nghiêm trọng. Người dân mong các cơ quan chức năng nghiên cứu nới rộng điều kiện được sửa chữa nhà ở và có giải pháp xử lý hữu hiệu ngập úng để người dân yên tâm sinh sống trong khi chờ đợi dự án này được triển khai".

Phan Văn Chỉnh

Tổ trưởng tổ dân phố 75, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP Ðà Nẵng

Hiệp Hoàng - Kỳ Nam (Nhân dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.