Tại TPHCM hiện có nhiều dự án BĐS có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã được cấp phép nhưng triển khai rất chậm, ảnh hưởng đến đời sống của người dân và môi trường đầu tư.

Theo Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM, hiện nay trên toàn địa bàn TP có 138 dự án BĐS có liên quan đến vốn đầu tư nước ngoài (100% vốn nước ngoài hoặc liên doanh với doanh nghiệp Việt Nam). Mức đầu tư của các dự án khá lớn, từ vài triệu USD đến hàng trăm triệu USD, cá biệt có dự án lên đến tỷ USD.


Tuy nhiên, thực tế có nhiều dự án sau nhiều năm được cấp phép vẫn chưa triển khai vẫn còn trên giấy.


Có thể kể đến dự án “khủng” nhất là Khu đô thị đại học quốc tế tại xã Tân Thới Nhì (Hóc Môn) do Công ty TNHH MTV Đô thị đại học Quốc tế Berjaya Việt Nam 100% vốn Malaysia làm chủ đầu tư, có tổng mức vốn đăng ký 3,5 tỷ USD. Dự án có các chức năng: khu giáo dục, khu dân cư, thương mại - dịch vụ, y tế, công viên công nghệ thông tin… với tổng diện tích khoảng 900ha. Tuy nhiên hiện nay dự án này hầu như chưa triển khai gì, giải phóng mặt bằng rất chậm.


Dự án Trung tâm tài chính tại số 12 đường 3 Tháng 2 cấp phép cho Công ty TNHH Berjaya Leisure (100% vốn Malaysia) có tổng vốn đăng ký đầu tư 930 triệu USD được cấp phép từ nhiều năm nhưng hiện nay vẫn còn đang trong quá trình chỉnh sửa thiết kế, việc đền bù giải tỏa ách tắc.


 Dự án BĐS FDI đăng ký nhiều, triển khai ít

Phối cảnh dự án khu đô thị đại học Quốc tế Berjaya.

Có những dự án khi xin cấp phép chủ đầu tư đăng ký đầu tư vào các mục đích TPHCM đang khuyến khích, nhưng trong quá trình triển khai lại nhiều lần xin chuyển mục đích.


Dự án Khu công viên đa năng tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh được TP cấp phép cho một doanh nghiệp Singapore có tổng mức đầu tư 310 triệu USD. Mục tiêu ban đầu của dự án là xây dựng một khu công viên vui chơi giải trí đa năng, trong đó bao gồm xây dựng và kinh doanh văn phòng cho thuê; cho thuê mặt bằng tổ chức triển lãm, hội nghị, nhà hàng…


Dự án chậm trễ đã 10 năm, từ đó đến nay, với lý do đầu tư vào công viên giải trí hiệu quả kinh doanh thấp, thị trường khó khăn, chủ đầu tư đã 2 lần kiến nghị TP cho phép bổ sung chức năng mới vào dự án, lần thứ nhất là trung tâm thương mại, lần thứ hai là nhà ở và cả 2 lần đều được chấp thuận. Tuy vậy đến nay dự án này vẫn chưa triển khai.


Theo các chuyên gia, thời gian qua không ít dự án BĐS vốn FDI là vốn “ảo”, đăng ký nhiều nhưng triển khai rất ít. Do có nhiều chính sách ưu đãi về đất đai cho các dự án BĐS có vốn FDI nhưng thiếu kiểm tra, giám sát, đã dẫn đến tình trạng “treo” dự án từ năm này qua năm kia, gây lãng phí tài nguyên, bất bình trong nhân dân. Ngoài ra, dự án BĐS FDI ít tạo ra ngoại tệ, nhưng rút vốn bằng ngoại tệ, gây khó khăn cho cán cân thanh toán của Việt Nam.


Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết không ít dự án BĐS vốn FDI sau khi được cấp phép đã bị đem đi bán lại. Ngoài ra cũng có những dự án danh nghĩa là FDI nhưng lại vay từ các ngân hàng trong nước một tỷ lệ đáng kể. Có những dự án BĐS nhưng núp bóng sân golf, trung tâm thương mại…


Đã đến lúc cần siết chặt đầu tư BĐS có vốn đầu tư nước ngoài, những dự án nào triển khai quá chậm cần rút giấy phép đầu tư, không để kéo dài tình trạng lãng phí về đất đai, cản trở sự đầu tư của những doanh nghiệp có thực lực. Đặc biệt chính quyền TPHCM cũng không quá ưu ái như trường hợp dự án khu công viên đa năng nói trên sẽ tạo thành tiền lệ xấu.

Theo Đỗ Trà Giang (ĐTTC)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tham gia nhóm chat mua bán dự án