Hàng loạt dự án bất động sản phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư do chi phí đầu vào tăng mạnh.

Dự án Khu thương mại dịch vụ và căn hộ “Capitaland – Vista” (tại 628C, Xa lộ Hà Nội, phường An Phú, quận 2, TP.HCM) do Công ty liên doanh TNHH Capitaland - Vista làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư tương đương 90 triệu USD có kế hoạch thực hiện trong 4 năm, kể từ ngày được cấp phép (ngày 22/9/2006). Sau hơn 3 năm triển khai, công ty liên doanh TNHH Capitaland - Vista đã đề nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 125 triệu USD (tăng 35 triệu USD tương được 39%) dù hiện đang ở giai đoạn hoàn thiện. Nguyên nhân là bởi giá nguyên vật liệu xây dựng, chi phí nhân công, giá các dịch vụ xây dựng đều tăng.

Tại Hà Nội, một dự án khác cũng đang trong giai đoạn hoàn thiện, chuẩn bị bàn giao cho khách hàng cũng buộc phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, giảm diện tích xây dựng là Dự án Indochina Plaza Hanoi (số 239 - Xuân Thủy, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội). Tổng mức đầu tư của dự án hiện tăng hơn gấp 2 lần so với vốn đăng ký ban đầu, từ 67 triệu USD lên 146 triệu USD. Đồng thời, chủ đầu tư đã điều chỉnh giảm diện tích, chiều cao xây dựng: khối trung tâm thương mại kết hợp nhà trẻ gồm 3 Lô nhà A giảm từ 6 tầng xuống 5 tầng; khối nhà văn phòng Lô A1 giảm từ 16 tầng xuống 15 tầng; Khối nhà ở Lô B1 cao 32 tầng xuống 31 tầng; Lô B2 cao 36 tầng xuống còn 35 tầng. Nguyên nhân khiến chủ đầu tư buộc phải điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án, diện tích xây dựng giảm vẫn là do giá vật liệu xây dựng, chi phí nhân công và các giá dịch vụ xây dựng tăng cao.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính từ đầu năm đến 20/3/2012, có 29 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư, với tổng vốn đăng ký tăng thêm 368 triệu USD. Không chỉ các dự án có vốn đầu tư nước ngoài buộc phải tăng mức đầu tư, các dự án trong nước cũng đang phải tăng mức đầu tư.

Dự án Hanoi Times Tower do Công ty cổ phần kinh doanh dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam (PVR) làm chủ đầu tư có tổng vốn đầu tư ban đầu là 1.454,5 tỷ đồng đã được quyết định tăng lên mức 1.788 tỷ đồng. Theo PVR, công tác thực hiện đầu tư đang gặp phải một số vướng mắc, chủ yếu do mặt bằng giá đầu vào, nguyên vật liệu tăng cao từ 18-25%.

Ông Nguyễn Thu Phong, Tổng giám đốc Công ty Nhà Vui đánh giá, mức độ trượt giá của vật liệu xây dựng tăng nhanh hơn mức lạm phát của Việt Nam, đẩy các nhà phát triển bất động sản vào thế khó khăn. “Chỉ số giá tiêu dùng quí I/2012 đã được kiểm soát tốt, nhưng chỉ số nhóm giá nhà ở và vật liệu xây dựng vọt lên cao do giá nhân công bị đẩy thêm 20%. Hiện tại, công lao động khoảng 240.000 đồng/người/ngày. Giá xây dựng phần thô khoảng 3 triệu đồng/m2, giá phần hoàn thiện khoảng 2,5 triệu đồng/m2 và giá nội thất khoảng 1,5 triệu đồng/m2. Tổng cộng giá thành xây nhà tính chung khoảng 7 triệu đồng/m2”, ông Vui nhận xét.

Ông Nguyễn Đức Cây, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà Contrexim nhận xét, năm 2011, giá vật liệu xây dựng tăng khoảng 34%, giá nhân công tăng hơn 50% trong khi đó sản phẩm làm ra không thanh khoản được là một sức ép rất lớn đối với các chủ đầu tư.

Cũng bởi thực tế này, nên việc tăng tổng mức đầu tư của các dự án là khó tránh khỏi khi các chi phí đầu vào tăng cao. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường thanh khoản thấp, sản phẩm dư thừa, thì việc tăng tổng mức đầu tư dự án là một quyết định rất khó khăn với các chủ đầu tư.

Theo Báo Đầu Tư
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.