CafeLand – Giữa tháng 8 vừa qua, thông tin Tập đoàn Sao Mai đề xuất trước ban lãnh đạo tỉnh An Giang về việc đầu tư xây dựng dự án Thành phố mới Long Xuyên đã gây xôn xao dư luận. Quy mô của dự án và vị trí của nó khiến không ít người ngạc nhiên, nghi ngờ về tính khả thi của dự án này.

Đề xuất táo bạo

Dự án “Khu liên hợp Công nghiệp – Đô thị - Thương mại, dịch vụ và Du lịch Sao Mai, Tp.Long Xuyên”, gọi tắt là Thành phố mới Long Xuyên có quy mô 1.500 ha, trải rộng qua các phường Bình Khánh, Tây Khánh, Mỹ Hòa, Mỹ Phước và Mỹ Quý, phía Bắc giáp Bình Đức, Tây Nam giáp khu đất nông nghiệp và Đông giáp khu đô thị cũ. Gồm các phân khu như Khu trung tâm hành chính; Khu đô thị nhà phố thương mại, cao ốc văn phòng, biệt thự; Khu công nghiệp; Khu resort, vui chơi giải trí; quảng trường có sức chứa 20.000 người,…

Theo nội dung dự án, sau khi xây dựng, dự án này có thể giúp Thành phố mới Long Xuyên trở thành một khu đô thị loại I đẳng cấp, là nơi “đáng sống” của người dân và “xứng đáng đầu tư” của doanh nghiệp. Dự kiến, nơi đây sẽ thu hút 150.000 người đến ở và 50.000 lao động đến làm việc.

Dự án có mức đầu tư gây choáng với 750 triệu USD, thực hiện trong 20 năm. Và theo như khẳng định của ông Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sao Mai, số tiền này do công ty ông đầu tư. Một số ý kiến đánh giá, đây là ý tưởng rất táo bạo.

Đường đến dự án hơn 700 triệu đô của Tập đoàn Sao Mai vẫn còn dài.

Vậy Tập đoàn Sao Mai An Giang là ai ?

Doanh nghiệp này mạnh cỡ nào mà lại đề xuất thực hiện dự án “có tầm nhìn thế kỷ” nói trên?

Tập đoàn Sao Mai An Giang (tên gọi khác là Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Sao Mai tỉnh An Giang) được thành lập vào năm 1997 với vốn điều lệ 905 triệu đồng. Thời gian này, công ty hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thi công xây lắp công trình tại các tỉnh miền Tây, Đông Nam Bộ, sau đó mở rộng lên Tây Nguyên.

Mặc dù chỉ là một công ty nhỏ hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng xây dựng nhưng vào thời điểm thị trường bất động sản nóng sốt năm 2002, Sao Mai đã bẻ lái lấn sân sang cả mảng đầu tư kinh doanh bất động sản và dịch vụ. Các hoạt động nhận thầu xây dựng dần thu hẹp lại để nhường chỗ cho các dự án bất động sản trải dài từ miền Tây đến Tp.HCM, miền Đông và cả miền Bắc.

Không chỉ dừng lại ở đó, với tham vọng kinh doanh đa ngành nghề, Tập đoàn còn “ôm” thêm cả thủy sản, y tế, giáo dục,…

Sao Mai còn ôm thêm cả lĩnh vực không nhiều kinh nghiệm là y tế, giáo dục.

Năm 2007, Sao Mai nhảy sang lĩnh vực thủy sản thông qua việc đầu tư xây dựng cụm công nghiệp Vàm Cống, quy mô 23 ha tại tỉnh Đồng Tháp. Các nhà máy Nhà máy chế biến thủy sản IDI, Nhà máy bột cá Triseco, Nhà máy tinh luyện dầu cá,… đều thuộc sở hữu của công ty.

Về y tế, hiện Tập đoàn đang rót hơn 800 tỷ đồng xây dựng bệnh viện quốc tế Sao Mai quy mô 4.714 m2 tại Tp.Long Xuyên.

Nếu như 2 lĩnh vực thủy sản và y tế mà Sao Mai đầu tư diễn ra khá thuận lợi về bề nổi truyền thông thì mảng giáo dục lại vướng phải sự lùm xùm của dư luận. Những ngày cuối tháng 8, trên nhiều trang báo xuất hiện thông tin về việc Tập đoàn Sao Mai xin tiếp nhận Đại học An Giang. Có một số ý kiến nghi ngờ việc xin “mua” lại trường đại học này của Sao Mai là có mục đích nhắm tới khu đất vàng của trường.

Trả lời báo chí, ông Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch Sao Mai giải thích đó là do gần đây có sự tư vấn, cam kết hỗ trợ của đối tác ở Mỹ nên công ty ông muốn xây dựng trường đại học chất lượng cao, đào tạo đạt chuẩn quốc tế tại ĐB.Sông Cửu Long. Còn theo đại diện tỉnh An Giang, đến nay chưa thống nhất bán hay chuyển giao Đại học cho Tập đoàn Sao Mai.

Dự án triệu đô có khả thi?

Trở lại với dự án Thành phố mới Long Xuyên do chính Sao Mai đề xuất và lập dự án thiết kế quy hoạch xây dựng, ý tưởng nhận được sự quan tâm, đồng thuận cao từ phía địa phương. Bởi, điều này sẽ góp phần quan trọng để đưa Tp.Long Xuyên lên đô thị loại I vào năm 2020.

Tuy nhiên, dự án 750 triệu USD này có được chấp thuận để tiến hành xây dựng hay không thì có lẽ vẫn còn phải xem xét thêm nhiều yếu tố.

Thực tế, danh mục dự án đầu tư hiện nay của Sao Mai khá dài và rất nhiều dự án còn dang dở, chưa thành hình.

Có thể kể đến một số dự án có vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng chưa hoàn thiện do Sao Mai làm chủ đầu tư xây dựng như: Cao ốc phức hợp Sao Mai (quận 8 Tp.HCM), Khu đô thị cao cấp Sao Mai – Bình Khánh 3, Khu đô thị cao cấp Sao Mai Bình Khánh 5 (Tp.Long Xuyên, An Giang), Khu đô thị mới Sao Mai (Triệu Sơn, Thanh Hóa),…

Dự án Cao ốc phức hợp Sao Mai tại Tp.HCM đang chờ xin chủ trương cho nâng tầng.

Mới đây nhất, Tập đoàn Sao Mai còn gây chú ý khi đặt cọc 200 tỷ đồng mua một khu đất có diện tích 20 ha tại Dương Đông trên đảo Phú Quốc để đầu tư xây dựng dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, ngay tại Bãi Dài vào năm 2017.

Hiện tại, Sao Mai đang quản lý và đầu tư trên 60 dự án bất động sản và du lịch ở 12 tỉnh thành cả nước. Riêng trong 2 năm 2015 - 2016, Công ty đầu tư gần 13.000 tỷ đồng để tiếp tục hoàn thành 15 dự án, có tổng diện tích trên 444 ha.

Vậy nếu “vẽ” thêm dự án khủng như trên liệu có quá sức với Tập đoàn của ông Lê Thanh Thuấn?

Với quy mô tài sản khoảng 2.000 tỷ đồng và số vốn điều lệ hơn 1.000 tỷ đồng, việc đầu tư của Sao Mai đang khá dàn trải và tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Do vây, việc xây dựng khu đô thị 750 triệu USD còn là một chặng đường rất dài đối với doanh nghiệp này.

Từ 950 triệu đồng khi mới thành lập, tính đến cuối tháng 6 năm 2015, Công ty CP Tập đoàn Sao Mai có vốn điều lệ lên đến 1.072 tỷ đồng. Năm 2015, đơn vị này đặt kế hoạch doanh thu 1.360 tỷ đồng, trong đó bất động sản khoảng 300 tỷ, thương mại 700 tỷ, số còn lại là thủy sản.

Ngày 15/7/2015, Công ty đã thông báo phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên hơn gấp đôi để nâng vốn điều lệ của Công ty lên 2.294 tỷ đồng.

Thịnh Châu
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.