Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường (nhất là lĩnh vực đất đai) đang là vấn đề rất “nóng” và nhạy cảm, có ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp.

Tạo quỹ đất sạch để thu hút doanh nghiệp. (Ảnh: TTXVN)

Cho đến nay, mặc dù Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nỗ lực thực hiện cải cách thủ tục hành chính với việc kiến nghị sửa đổi, cắt giảm được trên 50% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, nhưng vẫn có đến 30,8% doanh nghiệp phải trả thêm chí phí không chính thức để đẩy nhanh việc giải quyết hồ sơ về đất đai.

Điều này cho thấy, kết quả cải cách thủ tục hành chính còn có khoảng cách khá xa với yêu cầu, gây tốn kém, phiền hà, bức xúc cho người dân, doanh nghiệp. Thậm chí, thủ tục hành chính còn là ‘mảnh đất’ cho tệ nạn quan liêu, tham nhũng và cửa quyền trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai.

Thủ tục vẫn còn “xoay vòng”

Theo kết quả điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, những năm gần đây, tài nguyên môi trường đang là lĩnh vực khiến hầu hết các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nhất khi thực hiện thủ tục hành chính.

Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cũng cho thấy, trong các thủ tục hành chính về lĩnh vực đất đai thì việc mở rộng mặt bằng sản xuất kinh doanh hiện đang "nỗi lo" lớn đối với các doanh nghiệp như: Thủ tục hành chính thuê, mua đất phức tạp; quy hoạch đất đai chưa đáp ứng được như cầu của doanh nghiệp; giải phóng mặt bằng chậm; giá thuê đất cao.

Nêu ra những khó khăn mà doanh nghiệp thường gặp phải, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết, thủ tục hành chính về đất đai liên quan đến nhiều lĩnh vực, mỗi thủ tục để thực hiện dự án đầu tư liên quan đến đất đai đều mất nhiều thời gian do quy trình phải hỏi ý kiến “đầy đủ ban bệ” một cách trùng lặp cho tất cả các bước đang làm chậm quá trình đầu tư.

Cụ thể, để thực hiện đầu tư doanh nghiệp phải xin phép định hướng của Ủy ban Nhân dân tỉnh có cho phép đầu tư hay không. Tuy nhiên, khi gửi văn bản lên Ủy ban Nhân dân tỉnh, lãnh đạo tỉnh cũng không trực tiếp trả lời, mà phải hỏi các sở, ban, ngành, chờ các đơn vị trả lời.

Đến thủ tục thứ 2, doanh nghiệp lại phải qua sở kế hoạch đầu tư, chờ chấp thuận đầu tư. Trên thực tế sở này là đầu mối nhận “một cửa,” tuy nhiên sở này cũng không trực tiếp trả lời, mà đơn vị này phải hỏi sở quy hoạch kiến trúc, sở xây dựng, sở tài nguyên và môi trường.

Thậm chí, nếu liên quan đến xây dựng trường học lại phải hỏi thêm sở giáo dục và đào tạo. Liên quan đến đền, chùa, phải hỏi thêm sở văn hóa thể thao và du lịch đồng thời hỏi thêm ở quận, huyện sở tại nơi triển khai dự án.

“Đến lúc có sự chấp thuận đầu tư của khoảng 6 đơn vị trên, sở kế hoạch đầu tư sẽ chuyển về cho Ủy ban Nhân dân tỉnh mới được chấp thuận. Tuy nhiên, sau đó khoảng 40 ngày, doanh nghiệp lại tiếp tục phải làm giấy chứng nhận đầu tư từ sở kế hoạch đầu tư. Quy trình này tiếp tục xoay vòng ở 6 nơi như ban đầu, lặp lại các bước thủ tục trước đó, rất mất thời gian,” ông Hiệp trăn trở.

Chưa dừng ở đó, theo ông Hiệp, tới lúc có giấy chứng nhận đầu tư, doanh nghiệp lại phải xin giấy phép quy hoạch do sở quy hoạch kiến trúc xử lý đồng thời phải hỏi đúng 6 đơn vị trước đó. Và, sau khi có giấy phép quy hoạch, doanh nghiệp mới có bản vẽ cụ thể để làm tổng thể.

Đơn cử như tại Hà Nội, nếu dự án lấy trên 2ha đất, tổng đầu tư trên 1.500 tỷ đồng thì phải được Thường trực Thành ủy quyết định. Sau khi có các thủ tục đó để thông qua được quy hoạch, kiến trúc, đo được mốc giới, doanh nghiệp lại tiếp cận với sở tài nguyên và môi trường để tổng hợp nhu cầu sử dụng đất.

"Việc này cũng phải qua 6 sở, ban, ngành, sở tài nguyên và môi trường mới ra được quyết định giao đất, rồi mới xin cấp phép xây dựng," ông Hiệp chia sẻ thêm.

Ngoài ra, đất liên quan tới phường, xã, doanh nghiệp phải xuống họp với tổ dân phố ở đó. Chủ đầu tư cũng phải có mặt, giải thích cho dân hiểu được chủ trương phát triển dự án cho dân, để nhận được sự chấp thuận của người dân sở tại…

Sau khi liệt kê hàng loạt thủ tục như “ma trận” nêu trên, Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam chia sẻ lo ngại: “Nếu doanh nghiệp nào cũng phải áp dụng quy trình thủ tục hành chính như trên thì ông nước ngoài làm sao mà vào được. Thực tế nhìn thì như cô gái đẹp nhưng không thể chạm vào được.”

Cần “đột phá” tạo quỹ đất sạch

Để khắc phục những khó khăn nêu trên cho doanh nghiệp đồng thời ngăn chặn nạn quan liêu, tham nhũng về đất đai, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, Bộ Tài nguyên và môi trường cần có những "đột phá" trong giải phóng mặt bằng và tạo quỹ đất sạch để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng mặt bằng sản xuất kinh doanh.

Theo ông Tuấn, việc cắt giảm thời gian về giải phóng mặt bằng sẽ tiết kiệm chi phí lớn cho các doanh nghiệp. Tránh tình trạng ngay bản thân các vị Chủ tịch tỉnh cũng kêu than rằng mỗi ngày phải dành đến hơn 50% quỹ thời gian để đi xử lý việc giải phóng mặt bằng.

Cùng với những đột phá nêu trên, vị Trưởng ban pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan chức năng cần đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư trong việc tiếp cận sử dụng đất.

Cụ thể, ngành tài nguyên môi trường cần tăng cường thực hiện "một cửa," có cơ chế phối hợp phù hợp và đăng tải công khai, minh bạch và kịp thời các quy định, quy hoạch kế hoạch để doanh nghiệp luôn bắt kịp được với dòng chảy thông tin, có phương án thực hiện, áp dụng đúng lúc và hiệu quả.

Trên cơ sở đó, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam hy vọng với việc thực hiện Nghị đinh mới về đất đai từ tháng Bảy tới đây, Luật Đất đai 2013 sẽ tạo được những quỹ đất sạch, thuận lợi hơn để doanh nghiệp và các nhà đầu tư nước ngoài mở rộng kinh doanh, nâng cao chất lượng sản xuất.

Ở góc độ nhà làm luật, Luật sư Nguyễn Hưng Quang thay mặt cho một số khách hàng là nhà đầu tư nước ngoài cho rằng, để khắc phục những khó khăn nêu trên, điều mà cơ quan quản lý nhà nước cần làm trước hết là tập trung tăng cường thực hiện cơ chế “một cửa."

“Việc này sẽ góp phần rút ngắn thời gian nhà đầu tư, doanh nghiệp phải chờ ý kiến các cơ quan chức năng khi thực hiện thủ tục hành chính về đất đai,” Luật sư Hùng nói.

Trả lời các thắc mắc của doanh nghiệp, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, các tồn tại trong lĩnh vực đất đai thời gian qua sẽ được Luật Đất đai 2013 cơ bản giải quyết. Đặc biệt, những đổi mới trong xác định giá đất sẽ thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện dự án.

“Trên cơ sở đó, bộ cũng sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan đơn giản hóa các thủ tục hành chính để rút ngắn thời gian cũng như giảm phiền hà cho doanh nghiệp,” Thứ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Trước đó, tại buổi họp báo thường kỳ tháng Sáu, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cũng khẳng định, sau thời gian tập trung cho việc xây dựng luật, tới đây, bộ sẽ thực hiện quyết liệt công tác cải cách thủ tục hàng chính nhằm mang lại sự thuận lợi, tránh phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường../.

Hùng Võ (Vietnam+)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.