Nhiều ngân hàng cho rằng, hiện nay, vốn tín dụng có lãi suất bình quân thấp tương đối dồi dào trong ngân hàng do đợt giảm lãi suất huy động trong quý I và bởi các ngân hàng đã tiết giảm chi phí tối đa nên lãi suất đầu ra cũng thấp hơn trước.

Tín dụng đang tăng trưởng trở lại, điển hình như dư nợ tín dụng tính đến cuối tháng 4/2014 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh tăng 1,47% so với đầu năm. Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN thành phố, tăng trưởng tín dụng (TTTD) quý I trên địa bàn trong 3 năm qua liên tục giảm. Nhưng, “từ cuối tháng 3 đến nay, tín dụng tăng trưởng trở lại là một dấu hiệu tích cực, tạo đà cho tăng trưởng dư nợ những tháng tiếp theo. Đặc biệt, xu hướng giảm lãi suất trong quý I sẽ tác động đáng kể lên tốc độ cho vay trong thời kỳ tới”, ông Minh nói.

Ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank cho hay, tín dụng của ngân hàng này đến giữa tháng 4/2014 tăng khoảng 4,7% so với mức tăng hơn 2% của tháng liền kề trước đó. Cùng quan điểm dự báo tín dụng sẽ tăng dần và có nhiều cải thiện trong những tháng tới khi khả năng hấp thụ vốn vay cao hơn nhờ chi phí lãi suất giảm thiểu, ông Khang cho biết thêm, trong tỷ trọng TTTD hơn 3 tháng đầu năm nay của Sacombank, khối khách hàng cá nhân vẫn chiếm ưu thế. Theo đó, mục tiêu TTTD năm 2014 khoảng 13% của ngân hàng này có thể sẽ hoàn thành nhờ sự góp sức của khối khách hàng cá nhân đang tăng nhanh hơn lĩnh vực DN sản xuất.

Một số ngân hàng khác có quy mô nhỏ hơn Sacombank cũng kỳ vọng tín dụng sẽ tăng trở lại so với thời điểm đầu năm ngoái. Ông Trần Ngọc Tâm, Phó tổng giám đốc của Nam A Bank cho biết, hiện nay nhiều DN đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, kéo theo khả năng phục hồi sản xuất, kinh doanh, nên nhu cầu vốn cũng gia tăng. Bên cạnh đó, nhiều cá nhân cũng bắt đầu tính toán đến việc vay vốn ngân hàng mua nhà khi lãi suất cho vay đang giảm dần so với thời kỳ cách đây 2-3 năm. TTTD 3 tháng đầu năm 2014 của Nam A Bank đạt khoảng 7 – 8% so với chỉ tiêu NHNN giao cả năm 13%.

Ban lãnh đạo Nam A Bank thậm chí đã có dự kiến đề xuất với NHNN cho phép nới “room” TTTD thêm cho ngân hàng này trong năm nay. Tuy vậy, ngân hàng cũng còn xem xét khả năng phục hồi của thị trường mới quyết định mở rộng tín dụng vào thời điểm những tháng cuối năm 2014.

Lãnh đạo nhiều NHTM đặt kỳ vọng TTTD sẽ cải thiện đáng kể từ cuối quý II, với mong muốn sẽ có nhiều DN tốt trở lại sản xuất kinh doanh và đây cũng được xác định là cơ hội cho những ngân hàng có tiềm lực tài chính khỏe mạnh để đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng. Chẳng hạn như Nam A Bank đặt chủ trương tập trung cho vay phân khúc khách hàng quy mô nhỏ và hỗ trợ vốn cho lĩnh vực trồng cây công nghiệp và tiếp tục đầu tư vào nông nghiệp nông thôn để nâng tỷ trọng tín dụng khu vực này lên cao so với tổng dư nợ ngân hàng.

Trong những tuần cuối tháng 4, nhiều NHTM trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã lặng lẽ giảm lãi suất huy động, mức huy động vốn bằng tiền đồng kỳ hạn dưới 6 tháng hiện có mức lãi suất thấp hơn trần quy định 0,1-0,2%/năm.

Theo đó, mặt bằng lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng khoảng 5,8-5,9%/năm đang là một hình thức giảm chi phí đầu vào trực tiếp cho những khoản vay có lãi suất 7-8% ở những lĩnh vực sản xuất kinh doanh ưu tiên. Đặc biệt chương trình tín dụng kết nối ngân hàng – doanh nghiệp thời gian gần đây không còn bó buộc dự án thuộc 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên, mà đã mở ra cho mọi đối tượng khách hàng có nhu cầu vốn phục vụ những dự án tốt.

Nhiều ngân hàng cho rằng, hiện nay, vốn tín dụng có lãi suất bình quân thấp tương đối dồi dào trong ngân hàng do đợt giảm lãi suất huy động trong quý I và bởi các ngân hàng đã tiết giảm chi phí tối đa nên lãi suất đầu ra cũng thấp hơn trước. Thậm chí, nhiều lãnh đạo NHTM cho biết, lãi suất cho vay còn có thể giảm thêm 1-2% trong những tháng tới và phụ thuộc phần nhiều vào khả năng tiết giảm chi phí của các NHTM.

Tuy vậy, không vì thế mà các ngân hàng có thể giảm lãi suất cho vay bằng mọi giá, mà sẽ chỉ tập trung vào những lĩnh vực đầu tư mới, áp dụng công nghệ mới trong hoạt động sản xuất nông nghiệp và công nghiệp phụ trợ. Bởi TTTD của từng NHTM vẫn phải gắn liền với chỉ tiêu hạn mức của toàn hệ thống ngân hàng khoảng 12-14% trong năm 2014.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể do sức khỏe DN còn yếu, cộng với tình trạng nợ xấu vẫn chưa có giải pháp giải tỏa cơ bản và thực chất nên vẫn là rào cản trong mục tiêu TTTD của năm 2014. TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia cho rằng, để đạt được mục tiêu TTTD mà ngành Ngân hàng đưa ra trong năm nay không phải là vấn đề trọng tâm mà phải tập trung vào chất lượng của các khoản dư nợ mới.

Kim (Thời báo Ngân hàng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.