Tiềm lực về vốn và kinh nghiệm của nhà đầu tư nước ngoài có thể giúp đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngân hàng trong nước.

Sau khi Nghị định 01/2014/NĐ-CP về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam ra đời, đã có hướng mở hơn đối với trường hợp các TCTD trong diện phải thực hiện tái cơ cấu.

Theo quy định mới tỷ lệ sở hữu tối đa cho một Nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài được nâng lên trên 20% mà không cần phải xin ý kiến Chính phủ. Nhu cầu tìm kiếm các đối tác đầu tư có nguồn vốn mới của các Ngân hàng thương mại (NHTM) hiện nay là rất lớn bởi một lẽ đơn giản tiềm lực về vốn và kinh nghiệm của nhà đầu tư nước ngoài có thể giúp đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngân hàng trong nước.

Chỉ còn các ngân hàng yếu kém còn room cho nhà đầu tư ngoại.

Trong bối cảnh hiện nay, khi mà hoạt động của hệ thống ngân hàng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nợ xấu sắp tăng lên do NHNN thực hiện Thông tư 02 về phân loại nợ xấu vào giữa năm 2014. Việc tạo điều kiện cho các dòng vốn đầu tư nước ngoài có cơ hội sở hữu nhiều hơn tại các NHTM có vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng nhà đầu tư ngoại để có thêm nguồn lực xử lý nợ xấu là mong muốn của nhiều ngân hàng nội.

Hiện tỷ lệ sở hữu tối đa cho nhà đầu tư nước ngoài ở một nhà băng nội địa vẫn là 30% và mỗi tổ chức không được nắm quá 20% vốn (trước đây là 15%). Trong khi đó, theo tìm hiểu của phóng viên thì không ít nhà băng lớn đã kịch room tức kịch giới hạn cho vay của ngân hàng, chỉ còn lại ở những ngân hàng yếu kém chưa được các NĐT ngoại quan tâm. Đây sẽ là cơ hội để các ngân hàng trong nước cũng sẽ thu hút được nguồn vốn để nâng cao năng lực tài chính phục vụ cho quá trình tái cơ cấu.

Khi một NĐT nước ngoài bỏ tiền mua lại cổ phần của một ngân hàng trong nước và trở thành cổ đông chiến lược, NĐT đó chắc chắn sẽ bỏ tâm huyết, con người và công nghệ để cùng ngân hàng trong nước phát triển.

Nhiều ngân hàng đang ráo riết tìm đối tác chiến lược là các tổ chức tài chính nước ngoài để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Trả lời Hãng Bloomberg mới đây, Chủ tịch HĐQT HDBank, bà Lê Thị Băng Tâm cũng cho hay, Ngân hàng đang đàm phán với 3 công ty của Nhật Bản về việc bán 30% cổ phần trong bối cảnh làn sóng đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ. Nếu theo kế hoạch, HDBank bán 30% cổ phần cho đối tác Nhật Bản trong tổng số 810 triệu cổ phiếu thì thương vụ này sẽ có giá trị khoảng 1.700 tỷ đồng.

Mới đây, sau khi cổ đông chiến lược nước ngoài duy nhất là Ngân hàng Singapore Oversea-Chinese (OCBC), bán toàn bộ hơn 85,8 triệu cổ phiếu, tương đương gần 15% vốn điều lệ, VPBank tuyên bố đang tìm kiếm cổ đông chiến lược nước ngoài mới. Tổng giám đốc VPBank, ông Nguyễn Đức Vinh cho biết, hiện đã có một số nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng quan tâm, tiếp xúc và thương thảo với VPBank.

Về bản chất, tỷ lệ sở hữu nước ngoài của nhóm ngân hàng được giữ nguyên sẽ không làm tổng dòng tiền ngoại đầu tư vào ngân hàng thay đổi. Việc chỉ nới room cho nhà đầu tư chiến lược sẽ tạo ra sự hấp dẫn hơn để thu hút những đối tác nước ngoài thực sự muốn đầu tư vào ngân hàng, nắm giữ lâu dài, thúc đẩy quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng tốt hơn, đồng thời loại bỏ rủi ro đầu cơ.

Theo Ngân hàng Nhà nước, riêng với các ngân hàng yếu kém nằm trong diện cần tái cấu trúc, tỷ lệ sở hữu có thể vượt 30% - tùy theo quyết định của Thủ tướng.

Mua bán sáp nhập ngân hàng sẽ nóng vì nới room.

Theo dự báo của Công ty Stox Plus, hoạt động M&A năm 2014 ngân hàng sẽ tiếp tục sôi động. Theo dự đoán của công ty này thì số lượng ngân hàng thương mại sẽ được giảm còn 13 - 15 vào năm 2017.

Quan trọng hơn việc nới "room" cổ phần sở hữu của đối tác ngoại với các ngân hàng yếu kém sẽ thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài trong thị trường mua bán – sáp nhập Việt Nam.Và rất có thể ngân hàng GP bank sẽ khai mào cho làn sóng M&A năm 2014. Nhà băng này đang xúc tiến bán 100% vốn cho đối tác ngoại sở hữu - Ngân hàng United Overseas Bank của Singapore.

Hiện tại, có rất nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang đầu tư vào ngân hàng , chẳng hạn EVN vẫn nắm 16,02% vốn tại ABBank, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) còn sở hữu 20% vốn tại OceanBank.

Một loạt doanh nghiệp nhà nước khác, như Vinatex, Bảo Việt, VNPT… cũng đang nắm cổ phần tại Navibank, Bảo Việt, Maritime Bank. Một khi những Tập đoàn, tổng công ty này thoái vốn theo quy định cũng sẽ sẽ khiến hoạt động M&A trong lĩnh vực này tấp nập hơn

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành hiện tại chúng ta có quá nhiều các NHTM. Ngoài các ngân hàng thuộc top đầu hoạt động có hiệu quả thì cũng có vô số những ngân hàng hoạt động không hiệu quả.

Các NH yếu kém này đua nhau huy động vốn đẩy lãi suất lên tới 18% rồi cho vay ra tới 20% - 22%, điều này giống như hoạt động của tiệm cầm đồ hơn là một tổ chức thu xếp vốn cho nền kinh tế và nó đẩy các doanh nghiệp đi đến phá sản.

Vì vậy, nếu những ngân hàng nào không đáp ứng được điều kiện cần phải cho sáp nhập với một ngân hàng khác. Theo ông Thành việc nới mạnh “room”, thậm chí bán đứt cho ngân hàng nước ngoài là rất cần thiết, nên NHNN cần thoáng hơn trong việc nới “room” các đối tượng này.

Đỗ Huy (Đời sống và Pháp luật)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.