Mặc dù Chính phủ đang dồn sức lực để giải cứu thị trường bất động sản, tuy nhiên mối lo ngại, sức ép tài chính tiếp tục đè nặng vai các nhà đầu tư khiến cho lượng tiền đầu tư không thể chạy vào bất động sản.

Bất chấp nhiều thông tin tốt từ vĩ mô như hạ lãi suất, ngân hàng hỗ trợ cho vay đầu tư bất động sản...giới đầu tư bất động sản vẫn quyết định khoanh tay đứng ngoài thị trường bởi họ cho rằng đi vay lúc này để đầu tư là không hiệu quả.

Chị Phạm Nguyệt Nga văn phòng nhà đất Phát Lộc (Lê Văn Lương, Hà Đông) cho biết, động thái hạ lãi suất chỉ tác động đến những người đang có tiền gửi tiết kiệm để chờ mua nhà. Còn nhà đầu tư chuyên nghiệp vẫn tỏ ra rất thận trọng bởi mức lãi suất cho vay vẫn còn quá cao. Hơn nữa, thủ tục xin vay vốn khá ngặt nghèo khiến người mua khó tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng.

Ngoài ra, hiện nay đã có rất nhiều dự án bất động sản ký kết các gói tín dụng với các ngân hàng thương mại với lãi suất vay ưu đãi mức dưới 10%/năm. Tuy nhiên, các nhà đầu tư không mấy mặn mà. Bởi lẽ, thời hạn ngân hàng hỗ trợ cho khách hàng vay đa phần chỉ trong vòng 6 tháng đầu tiên. Như vậy, những tháng tiếp nếu có biến động về lãi suất thì chắc chắn các ngân hàng sẽ tiếp tục phải điều chỉnh. Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều biến động thì chẳng ai có thể đảm bảo được lãi suất sẽ không bị thay đổi. Đây chính là rủi ro cho khách hàng vay.

“Nhà đầu tư chuyên nghiệp họ chỉ vào thị trường khi các tín hiệu phục hồi thị trường là rõ nét. Còn trong bối cảnh này, chẳng có ai dám vay tiền ngân hàng để đầu tư bất động sản cả” chị Nga nhấn mạnh.

Trong suốt những tháng đầu năm 2012, thị trường nhà đất rơi vào tình trạng đóng băng và mặt bằng giá đã giảm tới 40%-50%. Đây là một cú sốc rất nặng đối với thị trường, vì vậy tâm lý chung nhà đầu tư rất dè dặt và thận trọng hơn rất nhiều. Lúc này, chỉ những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, không phụ thuộc vốn vay ngân hàng thì khi lãi suất giảm, người ta sẽ tìm dự án để mua vào.

Theo nhận định của ông Richard Leech, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, lo ngại về nền kinh tế là quan ngại lớn nhất của người tiêu dùng Việt Nam hiện tại. Điều này thúc đẩy người tiêu dùng tiết kiệm 15% thu nhập, trong khi chỉ đầu tư khoảng 1%, qua đó hạn chế dòng tiền đầu cơ đổ vào bất động sản.

Phần lớn người mua nhà đều có tâm lý quan sát và chờ đợi. Tuy nhiên, một lượng giao dịch khả quan vẫn được ghi nhận, chủ yếu ở các dự án có mức giá dưới 21 triệu đồng/m2, diện tích căn hộ nhỏ (50 - 70 m2) và thấp tầng (dưới 20 tầng) kèm theo các điều kiện như vị trí tốt, tiến độ xây dựng và chất lượng đảm bảo. Các giao dịch này chủ yếu đáp ứng nhu cầu ở thực của người dân, chứ không hướng đến mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận trong tương lai gần.

Giá chào bán nhà ở kéo dài xu hướng giảm giá, thị trường đang thuộc về người mua, nên sự phục hồi của thị trường phụ thuộc nhiều vào tâm lý của khách hàng. Dự kiến, triển vọng kinh tế không thật sáng sủa cho đến năm 2013 sẽ tiếp tục làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng, khiến họ tìm nơi trú ẩn an toàn bằng cách đẩy mạnh tiết kiệm/tích luỹ, thay vì đầu tư. Tiền trong dân được dự báo là vẫn còn nhiều, nhưng không đổ vào bất động sản.

Đối với phân khúc nhà đất trong các khu đô thị, nhiều khả năng một mặt bằng giá mới đã được thiết lập. Thị trường đang định giá lại các dự án, với mức giá thấp hơn khoảng 18% so với cùng kỳ năm 2011.

Giá bán tại các dự án đã và sắp hoàn thiện có mức giảm nhiều nhất, trong khi hầu như không có giao dịch tại các dự án chậm tiến độ. Sự bất cập về cung - cầu trong phân khúc nhà đất tiếp tục được thể hiện qua các con số, khi có 86% khách hàng quan tâm đến các căn nhà có tổng giá trị dưới 5 tỷ đồng, thì lại có đến 68% số nhà đất trong khu đô thị được chào bán với mức giá trên 5 tỷ đồng. Điều này được dự báo sẽ tiếp tục là khó khăn lớn cho các chủ đầu tư khi việc giảm mạnh giá bán là quyết định sống còn.

Theo Anh Đào (VnMedia)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.