Tiếp nối đà đổ dốc của chứng khoán châu Âu và Mỹ trong các phiên liên tiếp trước đó, chứng khoán châu Á cũng không thể "ngóc đầu dậy" trong phiên giao dịch ngày 25/7, trong bối cảnh đồng euro chạm gần sát mức đáy nhiều năm qua trong rổ tiền tệ giữa mối lo ngày càng gia tăng về việc Tây Ban Nha sẽ cần tới toàn bộ gói cứu trợ để vực dậy hệ thống ngân hàng đang bên bờ vực nguy hiểm của nước này.

Thêm vào đó, báo cáo lợi nhuận thất vọng của "gã khổng lồ" Apple càng khiến các nhà đầu tư thêm nản lòng.

Các cổ phiếu Nhật Bản bị tổn hại bởi thông tin nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này chịu thâm hụt thương mại kỷ lục trong sáu tháng đầu năm nay khi chi phí cho nhiên liệu gia tăng và xuất khẩu sang các thị trường chủ lực giảm sút, trong khi đồng yen tiếp tục tăng mạnh, gây tổn thất cho các nhà xuất khẩu.

Bộ Tài chính Nhật Bản ngày 24/7 công bố số liệu cho biết nước này đã bị thâm hụt thương mại kỷ lục 2.915,8 tỷ yen (37,3 tỷ USD) trong sáu tháng đầu năm 2012 - mức lớn nhất kể từ khi bộ này tiến hành thống kê lần đầu tiên vào năm 1979.

Hệ quả là Nikkei 225 của Nhật Bản đóng cửa phiên 25/7 trượt dài 122,19 điểm (1,44%) xuống 8.365,90 điểm.

Hầu như tất cả các sàn chủ chốt khác trong khu vực cũng đều đồng loạt giảm điểm vào lúc đóng cửa phiên 25/7.

Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite để mất 10,44 điểm (0,49%) xuống 2.136,15 điểm; Tại Hong Kong, chỉ số Hang Seng giảm 25,87 điểm (0,14%) xuống 18.877,33 điểm; KOSPI của Hàn Quốc trượt 24,62 điểm (1,37%) xuống 1.769,31 điểm và S&P/ASX200 của Australia lùi 9,3 điểm (0,23%) về 4.123,9 điểm.

Mọi con mắt hiện đang đổ dồn vào châu Âu, mà tập trung nhất là vào Tây Ban Nha, nơi chi phí vay mượn cho trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm đã leo lên mức cao ngất ngưởng 7,621% trong phiên đấu giá trái phiếu vào ngày 24/7.

Con số trên cũng đang ngấp nghé quanh các mức mà Hy Lạp, Ailen và Bồ Đào Nha đã buộc phải cầu cứu đến gói cứu trợ, làm gia tăng nguy cơ Tây Ban Nha cũng sẽ sớm phải có giải pháp tương tự.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế lo ngại rằng gói cứu trợ cho Tây Ban Nha - nền kinh tế lớn thứ tư Khu vực Eurozone, sẽ còn nhiều hơn gói cứu trợ gộp lại của cả ba nước nói trên, gây sức ép lên quỹ cứu trợ của khu vực.

Các nhà kinh tế cũng đang ngày càng nhất trí cho rằng gói cứu trợ lên tới 100 tỷ euro của Khu vực Eurozone dành cho các nhà băng Tây Ban Nha sẽ là không đủ để giúp nước này vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay.

Tuy nhiên, chứng khoán châu Âu mở cửa phiên 25/7 có vẻ như đã thoát khỏi sắc đỏ trong khi các nhà đầu tư đang chờ đợi những số liệu kinh tế mới sắp được công bố để có cái nhìn chính xác hơn về bức tranh kinh tế của khu vực.

Đầu phiên cả ba chỉ số chính của khu vực biến động trái chiều, với FTSE 100 của Anh tăng 0,34% lên 5.481,62 điểm; CAC 40 của Pháp tạm lùi tiếp 0,25% xuống 3.066,84 điểm trong khi DAX 30 của Đức cũng hạ 0,04% xuống 6.387,84 điểm./.

Theo Vietnamplus
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.