Sáng qua (2/10), tại huyện Từ Liêm, Ban Chỉ đạo Chương trình 02/CTr-TU của Thành ủy về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân đã tổ chức hội nghị giao ban quý III/2012.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái đã đến dự và chỉ đạo hội nghị.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái phát biểu tại hội nghị.
Nhiều địa phương còn lúng túng

Từ tháng 5/2012, UBND TP đã có kế hoạch số 68 về việc thực hiện dồn điền đổi thửa (DĐĐT) đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội năm 2012 - 2013. Đến 21/6, TP có văn bản điều chỉnh kế hoạch một số huyện, theo đó chỉ tiêu giao cho các huyện, thị xã thực hiện DĐĐT trong năm 2012 là 19.444,9ha, năm 2013 là 26.772,75ha. Bên cạnh một số địa phương tích cực triển khai công tác DĐĐT, nhiều địa phương vẫn còn khá lúng túng.
Đơn cử, theo kế hoạch trong năm 2012 - 2013, thị xã Sơn Tây sẽ DĐĐT khoảng 1.150ha (chiếm khoảng 23,9% tổng diện tích đất nông nghiệp), trong đó thí điểm trước tại 7 xã, phường. Tuy nhiên, theo ông Đặng Vũ Nhật Thăng, Chủ tịch UBND thị xã, do địa hình vùng đồi gò, nhiều cánh đồng xen kẹt trong khu dân cư, đất sản xuất phân tán... nên công tác DĐĐT đang gặp rất nhiều trở ngại. Tương tự, huyện Ba Vì có 17.140ha đất nông nghiệp nhưng mới chỉ chọn được 2 xã làm điểm DĐĐT là Cổ Đô và Phú Cường. Từ năm 2006 - 2011, toàn huyện dồn được khoảng hơn 1.200ha, tuy nhiên sau khi dồn, số hộ còn 5 - 7 thửa vẫn lớn. Qua thống kê, nhiều hộ vẫn còn tới 17 thửa ruộng, trong đó có thửa chỉ 24m². "Tại nhiều cuộc họp dân về DĐĐT ở xã, thôn đã nảy sinh một số vướng mắc nhưng cán bộ xã chưa giải đáp được, còn lúng túng khiến quá trình triển khai chậm" - ông Lê Văn Minh, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì thừa nhận.Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, đến nay toàn thành phố mới có 99/228 xã có phương án DĐĐT trong năm 2012, chiếm 43,4%, trong đó có 35 xã được phê duyệt. Nhiều địa phương chưa có xã nào xây dựng được phương án DĐĐT như Sơn Tây, Thanh Oai, Mỹ Đức, Gia Lâm, Ứng Hòa, Đông Anh, Thanh Trì, Mê Linh.

Quyết tâm vào cuộc

DĐĐT là yếu tố tiên quyết để hình thành các vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, nâng cao hiệu quả canh tác cho người dân. Tuy nhiên, kết quả thực hiện DĐĐT cho tới nay vẫn còn chậm so với kế hoạch đề ra. Theo Sở NN&PTNT, nguyên nhân của tình trạng trên là do DĐĐT đụng chạm tới quyền lợi của hầu hết các hộ dân và phải tiến hành một khối lượng công việc lớn nên nhiều cán bộ địa phương có tâm lý ngại việc.

Để tháo gỡ khó khăn cho công tác DĐĐT, ông Chu Phú Mỹ, Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên kiến nghị, thành phố có chủ trương cho xử lý và thu tiền những hộ dân lấn chiếm đất xen kẹt trong khu dân cư. Đồng thời giao cho huyện quyết định thu hồi đấu giá diện tích dưới 5.000m2². Là một trong những địa phương làm tốt công tác này với 32/32 xã đã xây dựng được phương án DĐĐT, ông Trần Vũ Lâm, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ chia sẻ kinh nghiệm, huyện đã ra nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ, coi thực hiện DĐĐT là nhiệm vụ trọng tâm của tất cả các xã, thị trấn.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái nhấn mạnh, DĐĐT là việc làm hết sức khó khăn, nếu các địa phương không quyết tâm sẽ không thể hoàn thành được. Đồng chí yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ từ huyện, xã tới thôn phải quyết tâm vào cuộc. Trước mắt, trong tháng 10, ngay sau khi nông dân thu hoạch xong vụ Mùa, song song với phát triển sản xuất vụ Đông, các địa phương cần tiến hành xây dựng hệ thống hạ tầng kênh mương, thủy lợi nội đồng, phấn đấu trong 3 tháng cuối năm tập trung thực hiện tốt DĐĐT.
Để khuyến khích đẩy mạnh thực hiện DĐĐT, UBND TP đã ban hành thí điểm một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2012 - 2016...
Theo Minh Hoàng - Thắng Văn (KT&ĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.