Tuyên bố sẽ xử lý thêm 6-8 ngân hàng thương mại trong năm nay của thống đốc Ngân hàng Nhà nước đang dần thành hiện thực khi hàng loạt thương vụ sáp nhập được tiến hành trong mùa đại hội cổ đông

Chiều 20-4, phương án sáp nhập Ngân hàng (NH) Phương Nam vào NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã được thông qua tại đại hội cổ đông (ĐHCĐ) của NH này. Cuối tuần qua, ĐHCĐ của NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng đã thông qua chủ trương sáp nhập NH Phát triển nhà ĐBSCL (MHB) với nguyên tắc “giữ nguyên hiện trạng và tỉ lệ hoán đổi cổ phiếu là 1:1”. Cùng ngày, ĐHCĐ của NH TMCP Nam Á (Nam A Bank) cũng được nhiều người chờ đợi sẽ có bất ngờ trước thông tin “về một nhà” với NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). Trước đó, cổ đông của NH TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đã thống nhất chủ trương sáp nhập NH TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank)...

Chạy nước rút

Chỉ trong 4 tháng đầu năm, ngành NH liên tục chứng kiến nhiều vụ sáp nhập “cưỡng bức” và tự nguyện, cho thấy động thái mạnh mẽ của NH Nhà nước khi đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 đang cận kề. Từ nay đến cuối tháng 6-2015, chủ trương của NH Nhà nước sẽ hoàn tất các thương vụ sáp nhập NH thuộc diện tái cơ cấu.

Tại ĐHCĐ của BIDV, Chủ tịch HĐQT Trần Bắc Hà nhấn mạnh cuộc sáp nhập với MHB là hoàn toàn tự nguyện và xuất phát từ nhu cầu thực tế của 2 NH. Phải nói thêm MHB là một thương hiệu đã được xây dựng hơn 17 năm qua, có tiếng ở khu vực ĐBSCL, không thuộc diện yếu kém. Việc sáp nhập sẽ giúp BIDV mở rộng mạng lưới khách hàng thuộc phân khúc nông nghiệp nông thôn.

Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chấp thuận về nguyên tắc việc sáp nhập MDB vào Maritime Bank Ảnh: Tấn Thạnh

Còn lãnh đạo VietinBank lý giải với cổ đông việc sáp nhập PGBank vào sẽ giúp mở rộng quy mô vốn, nâng cao năng lực tài chính xét theo tổng tài sản, vốn chủ sở hữu và nâng tầm thành một NH đủ sức cạnh tranh trong khu vực. PGBank được thành lập từ năm 1993 với cổ đông chiến lược là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) sở hữu 40% vốn điều lệ. PGBank có lợi thế cạnh tranh rất lớn với cơ sở khách hàng của hệ thống Petrolimex, dịch vụ tài chính cung cấp tại cây xăng, thế mạnh về dịch vụ ngoại hối...

Trước đó, thị trường đồn đoán không chỉ PGBank mà cả NH TMCP Đại Dương (OceanBank), NH TMCP Dầu khí Toàn Cầu cũng có thể là đối tác sáp nhập vào VietinBank. Tuy nhiên, lãnh đạo VietinBank cho biết không có kế hoạch sáp nhập mà chỉ hỗ trợ tái cơ cấu, hỗ trợ về nhân sự điều hành giúp các NH đang gặp khó khăn đi vào hoạt động ổn định.

Hồi tháng 2-2015, NH TMCP Xây dựng đã được mua lại với giá 0 đồng, trở thành NH đầu tiên tái cơ cấu theo hướng “bị” NH Nhà nước mua lại. Tiếp đó, OceanBank cũng rơi vào tầm ngắm có thể bị nhà nước mua lại khi hàng loạt lãnh đạo NH này vướng vòng lao lý.

Tháng 3-2015, NH Nhà nước đã có văn bản chấp thuận về nguyên tắc việc sáp nhập NH TMCP Phát triển Mê Kông (MDB) vào NH TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank). Ngoài ra, thương vụ NH TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) sáp nhập vào Vietcombank đã được 2 bên “đi lại” và lãnh đạo NH Nhà nước cũng xác nhận có sự “tìm hiểu” này. Hiện cổ đông của 2 NH đang chờ thông tin cụ thể tại ĐHCĐ sắp diễn ra…

Chờ bất ngờ từ thương vụ “tự nguyện”

Ở những thương vụ sáp nhập mang tính tự nguyện, thị trường chờ đợi thông tin chính thức liệu Nam A Bank và Eximbank có về một nhà? Bởi ngay trước mùa ĐHCĐ, nhân sự của 2 NH này bất ngờ có biến động. Tổng Giám đốc Nam A Bank là ông Trần Ngô Phúc Vũ và Phó Tổng Giám đốc Trần Ngọc Tâm bất ngờ xin thôi nhiệm và có tên trong danh sách ứng cử thành viên HĐQT của Eximbank. Cụ thể, ông Trần Ngọc Tâm có tỉ lệ cổ phần có biểu quyết đề cử là 10,39% (trong đó tổ chức chiếm 7,5%) và ông Trần Ngô Phúc Vũ có tỉ lệ cổ phần có biểu quyết đề cử 10,03% (tổ chức chiếm 8,4%). Tại ĐHCĐ Nam A Bank, dù trong các tờ trình của HĐQT không đề cập việc sáp nhập vào một NH khác nhưng cổ đông của NH này vẫn chất vấn: “Phần vốn ông đại diện ứng cử vào Eximbank là của Nam A Bank hay của cá nhân, tổ chức nào, liệu có sáp nhập với Eximbank?”.

Ông Vũ không trả lời cụ thể câu hỏi nhưng nói rằng việc nhân sự cấp cao di chuyển từ tổ chức này sang tổ chức khác là thường xuyên và không nằm ngoài sự quản lý của NH Nhà nước. “Do được sự tín nhiệm cùng lời mời của một số nhà đầu tư và NH bạn nên chúng tôi mạnh dạn nhận nhiệm vụ” - ông Vũ nói. Giới tài chính và thị trường hiện đang hồi hộp chờ thông tin tiếp theo về thương vụ này tại ĐHCĐ của Eximbank sắp tới.

Một thương vụ khác mang tính tự nguyện giữa NH TMCP Đông Á (Dong A Bank) và NH TMCP An Bình (ABBank) cũng được nhiều người quan tâm. Trong vài lần nói chuyện với một lãnh đạo NH Nhà nước, vị này xác nhận có sự “tìm hiểu” lẫn nhau giữa 2 NH và có những bước đi triển vọng. Tuy nhiên đến nay, thương vụ này vẫn chưa ngã ngũ, thậm chí diễn ra theo hướng không tốt như triển vọng ban đầu. Cổ đông của ABBank đang chờ chất vấn lãnh đạo NH này tại ĐHCĐ vào tuần tới, trong khi Dong A Bank lại vừa thông báo lùi ngày ĐHCĐ sang tháng 5 thay vì cuối tháng 4.

Ủng hộ sáp nhập tự nguyện

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM, cho biết chủ trương của NH Nhà nước là ủng hộ các thương vụ sáp nhập trên tinh thần tự nguyện nếu 2 bên thấy có cơ hội hợp tác. NH Nhà nước chỉ can thiệp những NH thuộc diện tái cơ cấu, yếu kém buộc phải sáp nhập. Có điều ở những thương vụ sáp nhập mang tính chất “thâu tóm”, phần vốn dùng để mua cổ phần của NH phải hợp pháp (NH Nhà nước sẽ kiểm soát) và NH thương mại không được cho cá nhân vay tiền để mua cổ phần thâu tóm NH khác.

Thái Phương (Ngưởi lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.