Cơ hội bỏ trần lãi suất đã đến, sau khi phép thử thị trường của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát huy hiệu lực. Rất có thể, cùng với việc “dọn dẹp” các ngân hàng yếu kém, trần lãi suất huy động sẽ được bỏ ngay trong quý III/2012.

Phép thử của thị trường

Sau khi NHNN bỏ trần lãi suất huy động với kỳ hạn dài (trên 12 tháng) kể từ ngày 11/6, thị trường ngân hàng tưởng như bước vào cuộc đua lãi suất huy động mới. Đỉnh điểm là ngày 14/6, thị trường đón cú sốc khi Western Bank thông báo nâng lãi suất huy động lên 14%/năm với kỳ hạn 13 tháng.

Thế nhưng, thanh khoản của thị trường tốt, kỳ vọng lạm phát thấp, tăng trưởng tín dụng khó khăn… khiến cuộc đua này nhanh chóng bị chặn lại. Chỉ 4 ngày sau khi châm ngòi cuộc đua, Western Bank đã hạ lãi suất huy động kỳ hạn dài xuống còn 12,5%/năm.

Có thể nói, việc bỏ trần lãi suất kỳ hạn dài là bước đi khôn ngoan của NHNN để “thử” thị trường. Và diễn biến trên thị trường cho thấy, phép thử này đã thành công, đồng nghĩa với điều kiện cần để giảm lãi suất đã có. Phó thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho rằng, việc để cho phép các ngân hàng tự ấn định lãi suất huy động kỳ hạn trên 12 tháng là bước đi để tiến tới bỏ trần lãi suất huy động.

Lãnh đạo nhiều ngân hàng khẳng định, họ không dại gì lao vào cuộc đua lãi suất huy động để rồi tự “mắc kẹt” trong đó. Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Phương Đông (OCB) khẳng định: “Với xu hướng lãi suất cho vay giảm, việc ngân hàng huy động với lãi cao chẳng khác nào lao vào chỗ chết”.

Cũng theo vị lãnh đạo này, trong tương lai, lãi suất đầu vào có thể giảm thêm vài điểm phần trăm nữa.

Giám đốc chi nhánh Hà Nội của một ngân hàng TMCP cũng cho hay, việc áp dụng trần lãi suất huy động hiện nay là không cần thiết, bởi ngân hàng này đang dư tiền mà không biết cho ai vay.

“Tôi cho rằng, nếu bỏ trần lãi suất huy động, sẽ có vài ngân hàng dâng lãi suất huy động lên cao như Western Bank vừa qua. Tuy nhiên, xu hướng này sẽ sớm dừng, bởi các ngân hàng hiện đang rất khó cho vay. Nếu bỏ trần lãi suất huy động, chúng tôi cũng chỉ giữ mức huy động cao nhất ở 11-12%/năm”.

TS. Cao Sĩ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia nhận định: “Lạm phát giảm mạnh, tín dụng tăng trưởng âm đang là cơ hội tốt để bỏ trần lãi suất. Rất khó xảy ra khả năng đua lãi suất thời điểm này, bởi dù lãi suất đã liên tục hạ, nhưng ngân hàng vẫn không thể đẩy mạnh cho vay”.

Trên thực tế, việc áp dụng trần lãi suất huy động hiện nay không có nhiều ý nghĩa. Việc hạ lãi suất thời gian qua chủ yếu do điều kiện khách quan (lạm phát giảm mạnh), chứ không phải do biện pháp hành chính này mang lại.

Dọn dẹp để buông trần

Lúc này, những điều kiện cần để bỏ trần lãi suất đã có, như lạm phát giảm, tín dụng tăng trưởng âm, ngân hàng không muốn lao vào cuộc đua lãi suất… Thế nhưng, muốn “buông” trần, theo nhiều chuyên gia kinh tế, cần thêm điều kiện đủ, đó là phải “dọn dẹp” xong các ngân hàng yếu kém. Chỉ khi loại bỏ được các ngân hàng yếu, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường mới chấm dứt.

Trước đó, phát biểu trước Quốc hội, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định, NHNN sẽ xử lý 9 ngân hàng yếu kém ngay trong tháng 6/2012. Cũng theo Thống đốc, đến nay, các tổ chức tín dụng này đã tìm được phương án xử lý.

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Lê Thẩm Dương, hiện vẫn còn một số ít ngân hàng yếu thanh khoản. Chính các ngân hàng yếu là yếu tố làm rối thị trường. Vì vậy, nếu hoàn tất việc xử lý ngân hàng yếu kém ngay trong tháng 6 như tuyên bố của Thống đốc NHNN, thì không có lý do gì để giữ lại trần lãi suất huy động.

Đồng tình với ý kiến này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, có thể bỏ trần lãi suất ngay trong quý III, chậm nhất là quý IV năm nay. Tuy nhiên, cùng với việc bỏ trần lãi suất, NHNN phải xử lý dứt điểm ngân hàng yếu kém, cho ngân hàng yếu phá sản. Chỉ như vậy, người dân mới lựa chọn ngân hàng khỏe để gửi tiền, khiến ngân hàng yếu muốn “đua lãi suất” cũng không được hưởng ứng.

Một số chuyên gia kinh tế cũng nhận định, trần lãi suất sẽ được bỏ chậm nhất trong vài tháng tới. Dĩ nhiên, việc thả nổi lãi suất huy động có thể sẽ khiến thị trường chao đảo một thời gian. Nhưng theo Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Hà Huy Tuấn, sau một thời gian lên - xuống, lãi suất sẽ ổn định ở mức hợp lý, theo đúng quy luật cung – cầu.

Theo Báo đầu tư
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.