Toàn bộ phần đất trong khu nghĩa trang Giò Gà, xóm Cầu, làng Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) không được phép xây dựng nhà ở, sản xuất và kinh doanh. Tuy nhiên, do xã chưa có kinh phí quy hoạch tổng thể cho nên nhiều mảnh đất trống vẫn để cho các hộ dân hoạt động sản xuất nghề truyền thống.

Trước những thông tin phản ánh về thực trạng nhiều hộ dân đã tự ý xây dựng nhà cửa sinh sống và làm việc ở khu nghĩa trang Giò Gà, xóm Cầu, thôn Triều Khúc, xã Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội) trong bài viết “Hà Nội: Người sống “xí chỗ” của người chết ở khu đất nghĩa trang”. Phóng viên báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Trọng Đức, phó Chủ tịch xã Tân Triều để làm rõ thực trạng trên.

Làng nghề truyền thống bị đẩy ra nghĩa trang vì gây ô nhiễm

Được biết, từ lâu xã Tân Triều đã có nghề tiểu thủ công nghiệp như nghề dệt thổ cẩm, nghề nhuộm, sản xuất chỉ, thu gom và tái chế phế liệu, lông vũ (lông vịt, lông gà) ở làng Triều Khúc; nghề làm giày dép thời trang ở Yên Xá.

Riêng nghề sơ chế lông vũ là nghề truyền thống của thôn Triều Khúc. Nhiều hộ có tới 4 đời gắn bó với nghề thu mua, chế biến lông vũ. Từ các nguyên liệu thu được, nhiều sản phẩm đã được làm ra và nổi tiếng bởi nghề lông vũ này. Đời sống của dân trong thôn được cải thiện từng ngày và khá giả hơn các làng quê khác trong vùng.

Nhiều hộ dân làm nghề truyền thống vẫn hoạt động sản xuất tại khu đất nghĩa trang của thôn Triều Khúc. (ảnh: Trần Kháng)

Để hạn chế gây ô nhiễm trong khu dân cư, các hộ dân làm nghề lông vũ và sơ chế đồ nhựa đã di chuyển ra khu đất nghĩa trang để hoạt động. Theo ông Hoàng Trọng Đức, phó Chủ tịch xã Tân Triều chia sẻ: “Năm 2005, trước thực trạng các hộ phơi lông vũ trong các trục đường khu dân cư. Lúc đó, UBND xã Tân Triều đã báo cáo và xin chủ trương của huyện là xin đưa các hộ phơi lông vũ ra ngoài đó (khu nghĩa trang) để tránh gây ô nhiễm môi trường.”

Cũng theo ông Đức, năm 2012, có 15 sản xuất lông vũ trên phần đất trống chưa sử dụng của nghĩa trang. Tuy nhiên, song song với các nghề truyền thống tồn tại thì môi trường lại bị ô nhiễm nghiêm trọng. Tại thời điểm hiện tại chỉ còn 8 - 9 hộ dân đang hoạt động nghề thu mua lông vũ này.

Cũng tại khu đất này, còn có nhiều hộ dân đang hoạt động sản xuất với nghề sơ chế nhựa. Xuất phát từ thực tế, máy móc phát tiếng động và chất liệu độc hại từ những xưởng sơ chế nhựa đã ảnh hưởng tới người dân sống xung quanh. Vì vậy, các hộ dân làm nghề sơ chế nhựa lại phải di chuyển ra ngoài nghĩa trang để giảm sự ảnh hưởng xấu tới khu dân cư.

Xây dựng trái phép trên khu đất nghĩa địa đang chờ quy hoạch tổng thể

Được biết, khu đất nghĩa trang thuộc xóm Cầu, thôn Triều Khúc, xã Tân Triều được UBND TP. Hà Nội phê duyệt quy hoạch năm 2005. Theo đề án phát triển nông thôn mới đây, nghĩa trang này đang đợi chi phí để quy hoạch tổng thể bằng cách xây tường bao xung quanh, đảm bảo trật tự nơi an nghỉ cho người đã qua đời.

Cũng từ năm 2005, nhiều hộ dân đã tự ý dựng lán, xây nhà trên phần đất của nghĩa trang để hoạt động nghề thu mua lông ngan, lông vịt và hoạt động sơ chế đồ nhựa.

Tình trạng đó khiến môi trường xung quanh nghĩa trang đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Mùi hôi bốc lên nồng nặc từ những đống lông vũ, bụi lông vũ bay mù mịt khắp cả một vùng, nước thải đen ngòm, lộ thiên, bốc mùi hàng ngày.

Tình trạng, tự ý xây nhà, dựng lán tại khu nghĩa trang để sản xuất đang gây ô nhiễm môi trường ở đây và ảnh hưởng tới tư tưởng tâm linh của người dân trong thôn. (ảnh: Trần Kháng)

Hơn thế nữa, nó còn ảnh hưởng tới vấn đề tâm linh cửa nhiều người có người qua đời chôn cất ở đây và biến việc quy hoạch trở nên nhếch nhác và lộn xộn.

Trao đổi với phóng viên báo PLVN về vấn đề trên ông Hoàng Trọng Đức, phó Chủ tịch xã Tân Triều khẳng định: “Xã không cho phép các hộ dân được xây dựng trên những phần đất trống ở khu vực nghĩa trang thôn Triều Khúc. Nhưng các hộ dân này vẫn ngang nhiên thực hiện dù đã có nhiều lần thực hiện cưỡng chế”.

Trong năm 2012, UBND xã Tân Triều đã tổ chức cưỡng chế 15 trường hợp lợi dụng việc di chuyển hoạt động sản xuất ra khu vực nghĩa trang xây nhà trái phép trong khu vực nghĩa trang này.

Tuy nhiên, “Trong quy trình xây dựng nông thôn mới, quy hoạch nghĩa trang phải xây dựng tường bao. Nhưng xã đang phải đợi kinh phí từ huyện đầu tư xuống…” – ông Đức chia sẻ thêm.

Ông Đức còn tỏ ý khả quan: “Chắc chắn khi chúng tôi thực hiện quy hoạch nghĩa trang, các hộ dân đang hoạt động làm nghề tại đây sẽ giao đất lại luôn”./.

Trần Kháng (Pháp Luật VN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.