Người dân Hà Nội ngày càng thất vọng khi các cao ốc lần lượt mọc lên trên đất nhà máy đã di dời với mật độ ngày càng dày đặc.
Tại Hà Nội, hầu như cứ di dời nhà máy, xí nghiệp nào ra ngoại thành, thì ngay sau đó, khu đất ấy lại “mọc” lên các tòa nhà chung cư cao tầng. Trong khi theo quy định, những khu đất nhà máy, xí nghiệp di dời ở nội thành Hà Nội phải được ưu tiên để xây dựng các công trình công cộng.
Vì sao thực tế này vẫn diễn ra nhiều năm qua? Trong khi hệ quả của việc “nhồi nhét” chung cư vào nội đô đã thấy rõ, đó là quy hoạch bị phá vỡ, quá tải về hạ tầng, giao thông, người thu nhập thấp vẫn thiếu thốn nhà ở…
Cao ốc lần lượt mọc lên trên đất nhà máy đã di dời với mật độ ngày càng dày đặc. (Ảnh minh họa: KT)
Người dân Hà Nội ngày càng thất vọng khi các cao ốc lần lượt mọc lên trên đất nhà máy đã di dời với mật độ ngày càng dày đặc. Điển hình như khu đất số 250 Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) của Công ty Cổ phần May Thăng Long, sau khi nhà máy di dời, doanh nghiệp đã xây dựng nhà ở cao tầng, văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại.
Nhà máy Bánh kẹo Tràng An (số 1 Phùng Chí Kiên, quận Cầu Giấy) sau khi di dời ra ngoại thành, đất đã được chuyển đổi mục đích sử dụng sang làm dự án tổ hợp chung cư cao cấp, thương mại, văn phòng Tràng An Complex….
Nhiều khu đô thị lớn cũng được xây dựng trên đất vốn là của các nhà máy, xí nghiệp. Ngay cả các khu đất ở trong ngõ nhỏ, sau khi di chuyển nhà máy cũng ngay lập tức “biến” thành chung cư cao tầng.
Bà Nguyễn Thanh Vân, người dân sống tại quận Thanh Xuân phản ánh: “Quá nhiều chung cư khiến trường học, bệnh viện không kịp nâng cấp. Sân chơi, chỗ chơi cho trẻ em không có, câu lạc bộ dành cho người cao tuổi không có. Những người phải buôn bán kiếm sống thì không có chợ, ngồi chỗ nào cũng bị đuổi, nhưng chợ thì không xây. Nếu xây chung cư thì xây chợ tốt hơn”.
Theo Quyết định số 130/QĐ – TTg ngày 23/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ, việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm tại tất cả 11 quận nội thành Hà Nội được ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị; không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch.
Rõ ràng, việc xây dựng chung cư cao tầng trên đất nhà máy, xí nghiệp di dời ở nội thành Hà Nội là chưa đúng với Quyết định của Thủ tướng, góp phần gây ra những hệ lụy mà Hà Nội đang phải gánh chịu về quy hoạch, áp lực quá tải hạ tầng, giao thông, hạ tầng xã hội, ngột ngạt, thiếu không gian cây xanh, vườn hoa, thiếu khu vui chơi công cộng… Có những dự án sau khi đưa vào sử dụng sẽ chất tải số dân khổng lồ, quy mô bằng dân số của cả một phường…
Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến thực tế này vẫn là vấn đề lợi ích. Các doanh nghiệp muốn đầu tư ở vị trí đất “vàng”, giá trị đất sau khi chuyển đổi thành nhà ở, khu đô thị sẽ tăng vọt. Vì vậy nhà đầu tư luôn tìm mọi cách thâu tóm các khu đất nhà máy di dời, chính quyền thành phố cũng đồng ý vì doanh nghiệp đưa ra chiêu “lách luật” bằng cách xây dựng tầng hầm, tầng 1 các chung cư thành siêu thị, trung tâm thương mại và gọi đây là nơi công cộng vì mọi người đều đến được.
Tuy nhiên, cần phải hiểu bản chất của công trình công cộng theo Quyết định của Thủ tướng là những công trình phục vụ lợi ích chung của người dân như công viên, bãi đỗ xe, công trình văn hóa và các dịch vụ công cộng.
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, vấn đề lợi ích đang xen kẽ vào quá trình phê quyệt các dự án.
“Các bài toán về lợi ích trong phát triển phải có cơ chế quản lý rất chặt. Nhà đầu tư chỉ tính chủ yếu đến việc bán nhà vì đấy là lợi ích của họ. Còn nếu họ phải đầu tư một hồ điều hòa, đầu tư một nơi nghỉ dưỡng cho người già, sân chơi cho trẻ em, trồng vài trăm cây xanh để đảm bảo môi trường thì họ sẽ tốn tiền mà thu lợi nhuận thấp hơn. Hành vi mang lại lợi ích tư nhân không được quản lý sẽ phá vỡ mọi thứ mà công cộng cần đến. Nếu không “sốc” lại quản lý việc đầu tư vào các công trình công cộng thì sẽ luôn mắc phải sự ách tắc trong phát triển đô thị”, Giáo sư Đặng Hùng Võ chỉ rõ.
Nhiều chuyên gia lo ngại, nếu thành phố Hà Nội không mạnh tay quản lý chặt chẽ quỹ đất sau di dời nhà máy sẽ dẫn đến nguy cơ quy hoạch bị méo mó, nhiều chỉ tiêu quy hoạch sẽ không đạt được. Đơn cử như diện tích cây xanh của Hà Nội hiện mới đạt 0,9m2/người, trong khi theo quy hoạch thì phải đạt 3,9 m2 cây xanh/người. Nhiều chỉ tiêu về bãi đỗ xe, về dịch vụ công cộng cũng còn rất thiếu.
Theo ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nếu cần xây nhà ở thì thành phố Hà Nội nên ưu tiên các khu đất này để xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp ở từng khu vực, đảm bảo an sinh xã hội. Nhưng ngược lại, các khu đất này đều được xây dựng chung cư thương mại hàng chục tầng và giá thì cao ngất ngưởng.
“Hầu hết các khu đất vàng của thành phố đã được tận dụng hết. Đáng lẽ đất giải phóng mặt bằng, đẩy nhà máy gây ô nhiễm môi trường ra ngoài nội đô thì phải dành cho nhà trẻ, mẫu giáo, trường học và người thu nhập thấp… Nhưng những địa điểm này không còn đất nên các dự án nhà ở xã hội phải chuyển ra ngoại ô, việc ưu tiên người lao động là ở chỗ nào?”, ông Hùng đặt câu hỏi.
Dự kiến, Hà Nội sẽ còn nhiều chung cư cao tầng “mọc” lên trên đất di dời nhà máy trong thời gian tới. Trong khi đó, người dân Hà Nội vẫn đang “khát” những công trình phục vụ lợi ích chung, giải quyết nhu cầu bức thiết về nhà ở cho người lao động. Thực tế này đòi hỏi một tư duy mới và cách làm mới của chính quyền thành phố Hà Nội.
Lưu Huyền (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.