CafeLand - Việc kết thúc đàm phán Hiệp định TPP được đánh giá là sẽ đưa lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. CafeLand ghi nhận những ý kiến bước đầu về vấn đề này.

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam

Khơi dòng chảy thương mại và đầu tư

Theo ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, đây là một bước tiến mang ý nghĩa quan trọng đối với hội nhập kinh tế toàn cầu trong một thế giới đang trở nên không chỉ ngày càng kết nối mà còn phụ thuộc lẫn nhau.

Là một ngân hàng luôn ủng hộ thương mại, HSBC cho rằng TPP “sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các dòng chảy thương mại và đầu tư tại khu vực châu Á Thái Bình Dương”.

“TPP sẽ góp phần gia tăng thu nhập và mức sống của các nền kinh tế đang phát triển tại châu Á – nhân rộng thị trường tiềm năng cho hàng hóa, các nhà sản xuất, dịch vụ và công nghệ của khu vực”, ông Hải nhấn mạnh.

Đánh giá về cơ hội của các doanh nghiệp Việt Nam, vị lãnh đạo của HSBC Việt Nam cho rằng Việt Nam “sẽ hưởng lợi rất lớn từ TPP do nhu cầu ngày càng gia tăng đối với hàng hóa dệt may và giày dép”.

“Tôi tin tưởng vững chắc rằng TPP sẽ tạo áp lực tích cực để đất nước đổi mới nhanh chóng nhằm đưa Việt Nam thành một nền kinh tế hiệu quả và mang tính cạnh tranh hơn”, ông nói.

Trong khi đó, theo ông Jonathan Tizzard, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu & Định giá của Công ty Cushman & Wakefield thì TPP sẽ là “một mô hình cho các hiệp định thương mại trong tương lai và góp phần cải tổ hệ thống giải quyết tranh chấp giữa các nước và các công ty nước ngoài”.

Hiệp định TPP cũng sẽ đưa lại lợi ích cho nhiều quốc gia mà trong đó Việt Nam “được cho là một trong những quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất”. Một báo cáo được công bố bởi tập đoàn Eurasia cho thấy GDP của Việt Nam sẽ tăng lên 11% và xuất khẩu 28% vào năm 2025 khi các công ty chuyển cơ sở sản xuất của họ vào Việt Nam để tận dụng lợi thế giá nhân công thấp.

“Thật khó để đánh giá chính xác những dự đoán trước đây của mọi người về tác động của TPP đối với Việt Nam, nhưng với TPP mới đạt được thỏa thuận ngày 5/10/2015 vừa qua thì những lợi ích sẽ tiếp tục được nhắc đến trong bối cảnh nền kinh tế đang trong quỹ đạo đi lên. Ngày càng có nhiều khách thuê công nghiệp sẽ đến Việt Nam để tận dụng lợi thế của TPP cùng với các hiệp định thương mại tự do khác mà Việt Nam đã và đang tham gia, do đó nhu cầu về bất động sản công nghiệp sẽ tiếp tục gia tăng”, ông Jonathan Tizzard nói.

Xét riêng với lĩnh vực bất động sản, chuyên gia này cho rằng số lượng người dân có khả năng mua nhà ở, căn hộ đắt tiền sẽ tăng lên, chưa kể đến nhu cầu mua sắm và các hạng mục liên quan khác mà các chuyên gia nước ngoài và người dân có thu nhập cao hơn sẽ quan tâm.

“Nhu cầu về văn phòng chất lượng quốc tế cũng sẽ tăng khi các Tập đoàn công nghiệp tìm kiếm không gian văn phòng tại trung tâm thành phố. Tốc độ đô thị hoá tại các thành phố lớn và nhỏ sẽ tiếp tục khiến người lao động nông nghiệp tìm đến các khu công nghiệp để làm việc”, ông phân tích.

Ngoài ra, ngành logistic tiếp tục phát triển trong những thập kỷ tới tại Việt Nam sẽ tạo điều kiện phát triển đồng bộ cho cơ sở hạ tầng như đường bộ, đường sắt, cảng biển và sân bay.

Không chỉ có màu hồng

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng khuyến cáo rằng cơ hội luôn đi kèm thách thức, theo đó thách thức lớn nhất là mục tiêu công bằng xã hội, trong đó lợi ích cho người dân phải được quan tâm hàng đầu.

Thách thức thứ hai là mục tiêu hiện đại hóa đất nước phải đi kèm với việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Trong khi đó, theo tiến sỹ Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên của Chương trình Fulbright tại Việt Nam, cần có cái nhìn “bình tĩnh” đối với TPP.

Theo ông Tuấn, điều chúng ta e ngại và do đó thường đặt sự quan tâm nhiều là khi hội nhập nền kinh tế sẽ không thể cạnh tranh được khi các hàng rào thuế quan bị bãi bỏ, do đó các doanh nghiệp trong nước sẽ dần thu hẹp quy mô, giảm thị phần, tệ hơn nữa là phải bán mình cho nước ngoài, hoặc tệ nhất là phá sản.

Lo ngại này là hoàn toàn đúng song cần phải nhớ rằng quá trình này không phải diễn ra một sớm một chiều mà ít nhất phải mất vài năm để quá trình cạnh tranh diễn ra đến khi doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô đến mức phá sản.

Đó là chưa nói khi các hàng rào thuế quan bị bãi bỏ thì nhiều hàng rào kỹ thuật khác lại dựng lên mà nhiều khi chính những hàng rào kỹ thuật này mới là rào cản chính chứ không phải là hàng rào thuế quan.

Tuy nhiên, điều đáng lo nhất là “gần như không thấy ai nói về thách thức của quản lý dòng vốn hay quản lý tài khoản khi hội nhập”. Những dòng chu chuyển thương mại luôn luôn có quan hệ gắn kết chặt chẽ với những dòng chu chuyển vốn. Chính vì vậy, khi hội nhập thì những dòng chu chuyển hàng hòa và dịch vụ sẽ tăng lên và đi kèm với đó là dòng vốn cũng có tính lưu động rất cao.

“Thách thức đặt ra cho những nhà quản lý là phải quản lý được tính động của dòng vốn đó. Chính dòng vốn ra vào sẽ làm tăng các bất ổn vĩ mô và khi các bất ổn vĩ mô nổi lên đi kèm với các yếu kém sẵn có của nền kinh tế, đặc biệt là tính mong manh dễ đổ vỡ của hệ thống tài chính, thì sụp đổ là điều khó tránh khỏi như những gì chúng ta đã chứng kiến sau WTO”, ông Tuấn phân tích.

Chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng những thách thức từ hội nhập do nền tảng cạnh tranh của nền kinh tế yếu là có, nhưng những thách thức về mặt quản lý dòng vốn, quản lý tổng cầu, quản lý những bất ổn vĩ mô là không thể xem nhẹ.

“Sự hào hứng của thị trường và người dân trước sự kiện TPP vừa qua có thể có tác động tích cực nhất thời, vì nó giúp làm tăng niềm tin cho nền kinh tế và cho khu vực sản xuất, nhờ đó giúp đẩy được tăng trưởng kinh tế nhất thời. Nhưng cũng đừng quên rằng, mới đây thôi, cũng chính sự hào hứng đó đã đánh gục nền kinh tế chúng ta mà đến nay, sau hơn 8 năm, mới có thể rục rich bắt đầu gượng dậy”, ông Tuấn cho biết.

Hoàng Anh Minh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.