“Bình thường các năm thì sáu tháng đầu năm tín dụng tăng khoảng 10%, năm nay lại giảm 0,14% là đáng lo. Điều này cho thấy vốn cho nền kinh tế đang giảm đi.

Tiền chất đầy kho nhưng DN cứ than khó, thậm chí không vay được. Rốt cuộc cả DN và NH cùng “chết” trên đống tiền? Ảnh: HTD-TR. PHƯƠNG

Tôi lo rằng các ngân hàng nhát tay không thực hiện, lại đổ rằng văn bản hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước không rõ ràng, chung chung” - ông Trần Minh Tuấn, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, nói.

Các ngân hàng cần có trách nhiệm hơn nữa!”. Đó là lời kêu gọi của lãnh đạo UBND TP.HCM, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với các ngân hàng thương mại (NHTM) tại buổi làm việc sáng 7-7.

Tăng lãi nhanh, giảm lãi kéo rê

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP, cho rằng thời gian qua tuy các NH, các cơ quan quản lý có nhiều cố gắng hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nhưng kết quả chưa như mong muốn. Bà cho biết: TP đã khảo sát các DN tham gia chương trình bình ổn giá, chỉ có bốn DN khó khăn về vốn vì lãi suất vay vốn cao. Sau khi TP làm việc thì các NH đã giảm lãi suất cho DN, điều này rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, TP không thể nào làm từng vụ việc chi tiết như vậy với từng DN được. Vì vậy, các NH nên chủ động hỗ trợ DN.

Lẽ ra các NH phải thực hiện giảm lãi suất vay đối với các hợp đồng vay cũ của DN. Thế nhưng bà Hồng nhận xét rằng các NH rất chậm trong việc giảm lãi này. “Nhiều NH lấy cớ là khoản vay cũ chưa đến thời hạn để điều chỉnh lại lãi suất. Thế nhưng trước đây, khi lãi suất tăng thì NH lập tức mời DN đến để tăng lãi, nay lãi suất giảm thì lại câu rê, chậm chạp là không hợp lý” - bà Hồng nói.

Bà Hồng cho rằng khi Nghị quyết 13 của Chính phủ về hỗ trợ DN ra đời, sau đó một tuần thì Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 83 hướng dẫn thực hiện. Thế nhưng các nội dung liên quan đến mảng NH thì NHNN triển khai chậm quá. Khi NHNN có văn bản hướng dẫn thì cũng chung chung, dẫn đến việc các NH không thực hiện ráo riết thì cũng không bị xử lý gì.

“Nói vậy chứ có giảm lãi đâu!”

Trong khi đó, ông Phạm Xuân Hòe, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ (NHNN), cho rằng các văn bản của NHNN đã nói rất rõ, các NH cần chủ động thực hiện, quyết liệt giảm lãi suất cho các hợp đồng vay cũ. “Theo các báo cáo thì các khoản mà NHTM hiện huy động tập trung ở kỳ hạn một tháng, hai tháng, ba tháng, như vậy là cũng đến lúc giảm lãi huy động đầu vào để giảm lãi vay đầu ra cho DN rồi. Các NH nên giảm lợi nhuận để chia sẻ khó khăn cho DN”.

Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, cho rằng không thể bắt buộc các NH cho DN vay vì NH cũng là DN. Tuy nhiên, trong thời điểm DN khó khăn thế này thì các NH nên nâng cao trách nhiệm chia sẻ nhiều hơn nữa.

Ông Trần Minh Tuấn, Phó Thống đốc NHNN, thẳng thừng: “Các NH nói thế chứ lãi suất có giảm đâu, không cho vay được cái gì hết! Đề nghị các NH nói rõ xem khó khăn chỗ nào mà không thực hiện được các văn bản của NHNN?”. Thế nhưng các NH có mặt tại buổi làm việc đã không nêu được rằng trong các văn bản của NHNN, có điểm gì vướng mắc khiến cho các NH không thực hiện giảm lãi rốt ráo. Chỉ có ông Đỗ Duy Hưng, Tổng Giám đốc NH Bản Việt, kiến nghị NHNN nên hướng dẫn rõ ràng hơn về việc giải quyết các khoản nợ trước ngày 23-4 để NH thực hiện.

Ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP.HCM, nhấn mạnh: “Nếu muốn làm thì dù văn bản thế nào thì ta cũng làm được. Mỗi NH có cách làm riêng nhưng hướng về mục tiêu chung là gỡ khó về vốn cho sản xuất, kinh doanh. Các NH hãy thực hiện nghiêm túc, đừng huy động vốn xong lại đẩy vốn cho bất động sản vay hay lại cho các NH khác vay là không được!”.

Ngày 9-7: 60 tỷ đồng cho DN vừa và nhỏ vay

Theo Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân, ngày mai (9-7), TP sẽ giải quyết cho DN vừa và nhỏ vay 60 tỉ đồng. “Con số 60 tỉ đồng tuy không nghĩa lý gì, không bằng tiền lương một tháng của một NH nhưng trong bối cảnh này là sự thể hiện trách nhiệm cộng đồng” - ông Quân nhấn mạnh. Cũng ngày mai TP cũng sẽ bàn biện pháp khai thông vốn cho lĩnh vực bất động sản, sẽ kiểm tra lại 800 dự án bất động sản, trong đó có khoảng 8.000 căn hộ trung bình, 12.000 căn hộ cao cấp, nhà hàng, khách sạn…

Bà Nguyễn Thị Hồng cho biết TP sẽ tổ chức hội nghị để kết nối DN với NH. Nếu các NH đồng ý tham gia thì từng NH xây dựng kế hoạch triển khai, làm rõ đối tượng vay, lãi suất vay mới thế nào, lãi suất điều chỉnh của từng lĩnh vực thế nào, cách gia hạn nợ ra sao, có chính sách ưu đãi gì… Các NH cứ công bố công khai, minh bạch để DN tiếp cận. Chậm nhất là 15-7, các NH gửi đăng ký về cho NHNN Chi nhánh TP.HCM. DN nào phát hiện NH không thực hiện đúng công bố thì cứ phản ánh.

Tại cuộc họp, NH Phương Đông công bố đã giảm lãi suất cho các hợp đồng vay cũ trung bình 2%-3%, lãi suất cho vay hiện khoảng 15%-16%/năm, các khoản vay mới có lãi suất không quá 14%/năm, nếu ưu đãi thì chỉ 13%/năm. NH Đông Á cũng công bố hằng tháng đã giảm 1% lãi suất vay cho các hợp đồng vay cũ, hiện lãi suất các hồ sơ cũ chỉ khoảng 13%-15%/năm mà thôi.

Tín dụng bị âm

Sáu tháng đầu năm, tín dụng tại TP.HCM tăng trưởng âm, giảm 0,14%. Đây là mức giảm thấp nhất từ trước đến nay. Trong khi đó, nợ xấu cao và có xu hướng tăng, đến cuối tháng 6, nợ xấu của hệ thống NH tại TP.HCM chiếm 6,3% tổng dư nợ tín dụng. Dư nợ cho vay phục vụ sản xuất, kinh doanh chiếm khoảng 85%-87% tổng dư nợ.

Đáng chú ý là một số NH thực hiện chưa chủ trương triệt để, dư nợ cho vay bốn nhóm lĩnh vực ưu tiên còn thấp và lãi suất chưa giảm nhiều. Nguyên nhân chính do các NH vẫn còn huy động tiền gửi với lãi suất cao, 11%-14%.

UNDN TP cần kiến nghị với Chính phủ cho phép các NH khoanh nợ đối với các DN thuộc những ngành nghề mà Chính phủ khuyến khích để các DN này tiếp cận món vay mới.

Ông NGUYỄN NGỌC THẮNG,
Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM

Theo PLTP
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.