Chính phủ vừa công khai khoản vốn đầu tư ra ngoài ngành kinh doanh chính của các tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT) vào các ngành “nóng” như: ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản…

Ném tiền nhiều nhất vào ngân hàng

Các TĐ, TCT nhà nước không muốn nói về khoản tiền đã “lỡ” đầu tư ra ngoài ngành. Tuy nhiên, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN 2014 -2015 vừa diễn ra, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã công bố chi tiết các khoản đầu tư này tính đến hết năm 2012.

Theo đó, ngân hàng là lĩnh vực được các TĐ, TCT chuộng đầu tư nhất trong những năm qua, khi rót tới 13.152 tỷ đồng. Đáng nói, mặc dù Chính phủ, các bộ, ngành chủ quản đã “bật đèn đỏ”, nhưng năm 2012, các công ty mẹ vẫn đầu tư thêm vào lĩnh vực ngân hàng 1.228 tỷ đồng. Cụ thể, công ty mẹ - Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP. HCM tăng 93 tỷ đồng đầu tư vào HDBank, công ty mẹ-Tổng công ty Becamex Bình Dương tăng 47 tỷ đồng đầu tư vào BIDV, công ty mẹ-Tổng công ty Du lịch Sài Gòn tăng 24 tỷ đồng đầu tư vào SaigonBank…

Bất động sản là lĩnh vực tiếp theo mà các TĐ, TCT bạo chi cho đầu tư ngoài ngành, với tổng giá trị 6.089 tỷ đồng. Tương tự như lĩnh vực ngân hàng, trong năm 2012, các DNNN đã tăng giá trị của khoản đầu tư vào bất động sản là 1.188 tỷ đồng so với năm 2011. Trong đó điển hình như công ty mẹ - Công ty TNHH Du lịch thương mại Kiên Giang tăng giá trị của khoản đầu tư vào bất động sản thêm 89,1 tỷ đồng, công ty mẹ-Tổng công ty Thương mại Hà Nội tăng 9,3 tỷ đồng đầu tư vào lĩnh vực này…

1.413 tỷ đồng là tổng giá trị khoản vốn mà các TĐ, TCT đã đầu tư vào lĩnh vực bảo hiểm, trong khi giá trị khoản đầu tư vào chứng khoán là 1.106 tỷ đồng. Với lĩnh vực chứng khoán, một số công ty mẹ mới thực hiện thoái được lượng vốn chưa đáng kể…

Khó thoái lui

Theo cập nhật của Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, đến thời điểm hiện tại, các DNNN, mà chủ yếu là các TĐ, TCT mới thoái được 4.164 tỷ đồng trên tổng số 21.797 tỷ đồng đầu tư ra ngoài lĩnh vực sản xuất - kinh doanh chính. Việc mới thoái được 19% giá trị các khoản đầu tư ngoài ngành cho thấy, tiến độ thoái vốn đang gần như bị “treo”. Đáng nói, trong số vốn đã thoái, thì các DNNN chỉ bán ra bên ngoài được 267 tỷ đồng, còn 3.894 tỷ đồng là bán trong nội bộ… Thực tế này cho thấy, việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành đang có biểu hiện kém minh bạch, bế tắc, trong khi theo yêu cầu của Chính phủ, đến hết năm 2015, các TĐ, TCT phải hoàn tất thoái vốn đầu tư ngoài ngành…

Việc sa lầy vào đầu tư ngoài ngành, càng khiến cho khối nợ phải trả của khối DNNN phình to. Theo ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), khoảng hơn 60% tín dụng của nền kinh tế chảy vào DNNN, mà chủ yếu là vào các TĐ, TCT, trong đó khoảng 20 - 30% là nợ không có khả năng thu hồi…

Hàng loạt TĐ, TCT đang phải trầy trật tìm cách thoái vốn khỏi các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm... Trong đó, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đang loay hoay thoái vốn tại Tổng CTCP Bảo Minh, CTCK Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang tìm đối tác thoái vốn đầu tư tại Ngân hàng TMCP An Bình...

Chính vì khả năng khó thoái lui khỏi các lĩnh vực đầu tư ngoài ngành, nên Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam Trần Ngọc Thuận đề nghị Chính phủ cho phép lùi thời hạn hoàn tất thoái vốn đối với một số khoản đầu tư sau năm 2015, bởi hiện tại bán không ai mua, hoặc mua với giá trị thấp hơn giá vốn đầu tư rất nhiều, sẽ không bảo toàn được vốn nhà nước…

Chờ cuộc “đại phẫu”

Để gỡ tắc cho thoái vốn đầu tư ngoài ngành, sau khi tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, các DNNN tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN 2014 - 2015, Chính phủ chuẩn bị ban hành Nghị quyết về một số giải pháp đẩy mạnh sắp xếp, CPH và thoái vốn nhà nước tại DN giai đoạn 2013 - 2015, theo hướng cho phép DNNN thoái vốn dưới mệnh giá sau khi đã bù trừ dự phòng tổn thất khoản đầu tư tài chính… Để cụ thể hóa cơ chế này, Chính phủ giao Bộ Tài chính ngay trong quý I/2014 phải trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định về đẩy mạnh thoái vốn nhà nước tại DN giai đoạn 2013 - 2015, để khẩn trương ban hành và triển khai.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, tinh thần của các cơ chế, chính sách sắp ban hành là đẩy nhanh thoái vốn đầu tư ngoài ngành, để về cơ bản hoàn tất trước năm 2015. Với các khoản đầu tư càng để lâu càng lỗ, có nguy cơ mất vốn cao, càng phải sớm hoàn tất thoái vốn. Trường hợp có những khoản đầu tư đang có cơ hội sinh lời tốt, cũng cần khẩn trương thoái vốn, nhưng cân nhắc thời điểm để thu về khoản lợi tốt nhất. Với những khoản đầu tư ở những dự án đang đầu tư dang dở, chưa thể thoái vốn trong thời gian ngắn, cùng với tính toán phương án hoàn tất đầu tư hợp lý, các DNNN cần tập trung tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng càng sớm càng tốt, nhưng tùy từng trường hợp cụ thể có thể cho phép lùi thời điểm thoái vốn sau năm 2015.

Hữu Đạo (Đầu tư chứng khoán)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.