Có thực tế đáng báo động là việc chủ đầu tư dự án đã thế chấp căn hộ chung cư cho ngân hàng, nhưng vẫn ký hợp đồng bán nhà cho khách hàng. Rủi ro là khách hàng bị ngân hàng siết nợ, bắt nhà nếu doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ trả nợ. Lúc này tình huống tranh chấp pháp lý nảy sinh rất phức tạp, khó xử lý.…
Mới đây, hàng trăm cư dân của chung cư The Harmona (Tp.HCM) đã rất bức xúc khi bất ngờ nhận được thông báo siết nợ của ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) – chi nhánh Sài Gòn. Đây là lần thứ hai BIDV ra thông báo thu hồi tài sản – gần 600 căn hộ chung cư của cư dân – mà chủ đầu tư đã thế chấp để vay tiền. Cư dân đối mặt với nguy cơ bị mất nhà, mất tiền nếu ngân hàng thu hồi nhà, phát mại tài sản.
DN “qua mặt” ngân hàng?
Cuối tháng 5/2016 vừa qua, cư dân đã tổ chức đối thoại với chủ đầu tư – công ty CP Vật tư xuất nhập khẩu Tân Bình (Tamexim) – nhằm làm rõ những khuất tất trong giao dịch mua bán nhà, thế chấp tài sản căn hộ cho ngân hàng.
Một số cư dân Harmona đã “tố” chủ đầu tư dự án bán hai lần đối với một căn hộ, có hai mã số hợp đồng mua bán và một trong hai hợp đồng này đã bị đem đi thế chấp cho ngân hàng.
Tháng 3/2016, đã có khoảng 40 hộ dân nhận được thông báo siết tài sản đảm bảo, sau đó thì thông tin cả toà chung cư đã được đem thế chấp và bị ngân hàng tiến hành siết nợ.
Từ đây, người dân đã “ngã ngửa” khi phát hiện ra một trong những chiêu trò huy động vốn của chủ đầu tư, thậm chí “làm xiếc” qua mặt ngân hàng và người mua nhà.
Cư dân cũng đặt câu hỏi về mối quan hệ giữa công ty Thanh Niên và Tamexim trong thực hiện dự án chung cư Harmona. Đại diện Tamexim thừa nhận, hai công ty là đồng chủ đầu tư dự án The Harmona, trong đó Tamexim là bên sở hữu quyền sử dụng khu đất, còn công ty Thanh Niên là bên phát triển dự án._
Trong mối quan hệ “cộng sinh” này, theo phản ánh của cư dân, công ty Thanh Niên có dấu hiệu bán trùng căn hộ Harmona và đem thế chấp dự án hai lần. Nghi vấn này đã không được đại diện chủ đầu tư trả lời(!?).
Câu chuyện tranh chấp tại chung cư The Harmona đã làm dấy lên lo ngại, hoang mang cho người mua nhà về quyền sở hữu hợp pháp căn hộ hình thành trong tương lai. Vì sao chủ đầu tư có thể dễ dàng vừa thế chấp căn hộ cho ngân hàng để vay vốn, vừa cùng lúc bán cho khách hàng?
Đáng nói, sự việc “một căn hộ thế chấp hai lần, hay vừa thế chấp vừa bán” là điều thực sự khó tin, mà không có cơ quan nào kiểm tra, ngăn chặn kịp thời để đảm bảo quyền lợi cho người mua nhà dự án Harmona.
Người mua nhà dự án Harmona “chết đứng” khi bị ngân hàng siết nợ đòi nhà vì căn hộ đã bị thế chấp từ lâu
Dễ cho vay, chật vật siết nợ
Tìm hiểu, được biết hoạt động cho vay đầu tư bất động sản của ngân hàng diễn ra quá “nóng” trong giai đoạn năm 2010-2014. Nhiều ngân hàng đã mạnh tay “bơm” vốn cho vay tối đa tới 70% nhu cầu vốn đầu tư dự án, nhận tài sản thế chấp bằng toàn bộ dự án hình thành trong tương lai (bao gồm quyền sử dụng đất, tài sản hình thành trên đất, căn hộ, dòng tiền bán hàng…).
Trong khi đó, để có vốn đầu tư dự án, doanh nghiệp lại tiếp tục huy động vốn sớm, bán những căn hộ “vẽ trên giấy” cho khách hàng. Theo quy định, căn hộ đã thế chấp chỉ được phép bán sau khi doanh nghiệp đã thanh toán nợ vay, ngân hàng làm thủ tục giải chấp tài sản…
Ghi nhận thực tế cũng xảy ra tình huống “oái oăm” hơn. Chủ đầu tư – công ty Vinasport đã bắt tay với Vina Megastar (do Nguyễn Hoàng Long làm chủ) cùng phát triển, kinh doanh dự án tại số 181 Nguyễn Huy Tưởng (Hà Nội). Sau khi có “thoả thuận hợp tác”, Vina Megastar đã huy động vốn từ nhiều khách hàng dưới hình thức “bán lúa non” căn hộ tại dự án còn đang “vẽ trên giấy”.
Suốt nhiều năm qua, dự án này vẫn nằm “án binh bất động”, còn ông Nguyễn Hoàng Long đã bị bắt giam vì tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản ở vụ án khác… Cho nên, các khách hàng góp vốn mua nhà gần như bị “chết đứng” khi đã chi rất nhiều tiền vào dự án mà “không hẹn ngày về”.
Thực tế, với hình thức “đồng chủ đầu tư”, một hay các công ty có quyền tham gia đầu tư, phát triển, kinh doanh dự án bất động sản, trong đó, thực hiện ký kết hợp đồng mua bán nhà với khách hàng. Bên “đồng chủ đầu tư” cũng dễ dàng đem tài sản dự án thế chấp cho ngân hàng để xin vay vốn, phát hành bảo lãnh dự án…
Khi ngân hàng cho bên “đồng chủ đầu tư” vay, mà không thẩm định, đánh giá kỹ lưỡng về quyền hạn đối với tài sản dự án thì DN sẽ có thể lừa thế chấp tài sản đã được bán. Ngân hàng sẽ rất khổ sở xử lý tranh chấp, khó siết nợ tài sản này. Người mua nhà sẽ chịu rủi ro “tiền mất, tật mang”, cuốn vào vòng xoáy tranh chấp pháp lý, vụ án kinh tế phức tạp.
Hải Hà (TBKD)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.