Dù thị trường chưa thoát khỏi khó khăn, nhưng với kỳ vọng sẽ ấm hơn trong năm 2013 sau các biện pháp hỗ trợ mạnh từ Chính phủ, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã nhúc nhắc khởi động dự án ngay trong những ngày đầu năm mới.

Ngày 5/1, CTCP Tư vấn đầu tư xây dựng Ba Đình (Ba Đình Land), chủ đầu tư Dự án Chung cư Hattoco, 110 Trần Phú, quận Hà Đông (Hà Nội), đã tái khởi động dự án sau 1 năm “trùm mền”. Trước đó, vào cuối năm 2011, dự án đã được triển khai đến tầng thứ 10 này bị tạm dừng thi công vì thiếu vốn.

Việc tái khởi động dự án trong bối cảnh thị trường vẫn khó khăn được nhiều người cho là một nước cờ mạo hiểm của Ba Đình Land. Tuy nhiên, việc tái khởi động Dự án dường như đã được doanh nghiệp này toan tính kỹ. Cụ thể, cùng với việc tái khởi động Dự án, Ba Đình Land cũng cơ cấu lại diện tích căn hộ, từ 80 - 160 m2 xuống còn 60 - 70 m2/căn hộ. Mức giá bán được đưa ra cũng khá hợp lý, từ 15 triệu đồng/m2. Ngoài ra, một lý do khác được chủ đầu tư đưa ra là do thị trường đã có những tín hiệu tích cực, trong khi chủ đầu tư cũng đã tìm được đối tác đồng ý rót vốn 500 tỷ đồng đầu tư vào dự án này.

Với những tín hiệu tích cực, nhiều dự án được khởi động lại để đón đầu sự phục hồi của thị trường

Trong tháng 1/2013, một dự án bất động sản đình đám khác là ParkCity Hà Nội (quận Hà Đông) cũng được chủ dự án tái khởi động sau 1 năm bất động. Trước đó, dự án này thuộc CTCP Phát triển đô thị Quốc tế Việt Nam (VIDC), liên doanh giữa Perdana ParkCity (Malaysia) và CTCP Đầu tư và phát triển đô thị Vinaconex - Hoàng Thành. Liên doanh này mới đây đã được Perdana ParkCity sở hữu hoàn toàn sau khi mua lại phần vốn góp của đối tác nội. Ngay sau khi sở hữu toàn bộ VIDC, Perdana ParkCity đã khởi động lại Dự án ParkCity bằng việc phá toàn bộ phần móng công trình bị sự cố sụt lún, với chi phí lên đến hàng trăm tỷ đồng, để xây mới toàn bộ.

Việc tái khởi động Dự án ParkCity Hà Nội trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn, tuy chủ đầu tư sẽ chịu nhiều bất lợi về tài chính trước mắt, nhưng xét về lâu dài thì đây là một tính toán hợp lý của Perdana ParkCity.

Nếu không tái khởi động, chủ đầu tư sẽ đối diện với làn sóng rút vốn từ khách hàng, phần vốn đầu tư ban đầu vào Dự án sẽ khó thu hồi, uy tín của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Còn khởi động lại để phát triển ParkCity Hà Nội trở thành một phiên bản sáng tạo của Desa ParkCity (một dự án thành công tại Malaysia của Perdana ParkCity) như mong muốn của chủ đầu tư, Perdana ParkCity rất có thể sẽ gặt hái được thành công, một khi thị trường bất động sản khởi sắc trở lại.

Mới đây nhất, chủ đầu tư Dự án Sky Garden là Công ty TNHH Định Công cũng đã tái khởi động Dự án sau một thời gian dài im hơi lặng tiếng.

Trước đó, dự án này cũng dính phải tai tiếng liên quan đến chậm tiến độ và áp lực đòi rút vốn của khách hàng. Thế nhưng, ngay sau khi thông báo tái khởi động, Dự án được triển khai với tiến độ khá nhanh. Theo một đại diện chủ đầu tư, phần móng công trình Dự án sẽ được hoàn tất ngay đầu tháng 2/2013, thời hạn bàn giao nhà cũng sẽ được chủ đầu tư thực hiện đúng theo cam kết hợp đồng.

Đây chỉ là một trong số nhiều dự án cả vừa công khai, lẫn âm thầm tái khởi động ngay từ đầu năm 2013. Theo nhiều chuyên gia, năm 2013, dù còn khó khăn, song với nhiều giải pháp gỡ khó đã được ban hành, thị trường bất động sản đang có nhiều dấu hiệu tích cực. Vì vậy, việc triển khai dự án lúc này, dường như các doanh nghiệp đã đón được “điểm rơi” chờ thị trường hồi phục.

  • Tăng trần phí chung cư gấp 3 lần

    Tăng trần phí chung cư gấp 3 lần

    TP Hà Nội dự tính nới trần phí dịch vụ nhà chung cư lên gấp hơn 3 lần, từ mức cao nhất 4.000 đồng hiện hành lên mức tối đa 12.500 đồng/m2/tháng. Tuy nhiên, mức trần này vẫn thấp hơn mức thu của đơn vị quản lý một số khu chung cư cao cấp trên địa bàn.

  • Chú trọng kết nối đô thị cũ và mới

    Chú trọng kết nối đô thị cũ và mới

    Những vấn đề nổi cộm trong đầu tư phát triển đô thị dẫn đến tình trạng chất lượng đô thị kém, thiếu khớp nối hạ tầng, không đảm bảo dân sinh… được kỳ vọng là sẽ được chấn chỉnh nhờ Nghị định số 11/2013/NĐ-CP về quản lý đầu tư phát triển đô thị vừa được Chính phủ ban hành. Ông Đỗ Viết Chiến, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng, đã trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.

  • Nhà nước cứu bất động sản, cẩn thận dân chết oan

    Nhà nước cứu bất động sản, cẩn thận dân chết oan

    “Có khi Nhà nước cứu thị trường bất động sản mà người dân lại chết oan, vì giá bất động sản chưa phải là giá thực. Người dân mua nhà với giá hiện nay là đã phải gánh thêm rất nhiều chi phí, nếu cứu không đúng địa chỉ, người dân sẽ càng thêm thiệt thòi”.

Phương Anh (Đầu tư chứng khoán)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.