Phát triển các khu dân cư với nhiều căn hộ nhỏ có diện tích từ 20 – 70 mét vuông dành cho người độc thân, những gia đình có 1-2 người.

Đây là một trong những đề nghị được Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA) đưa ra tại buổi tọa đàm “Tìm kiếm các giải pháp khơi thông thị trường bất động sản” tổ chức tại TPHCM ngày 20-3.


Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho rằng trong điều kiện đất nước còn nghèo, nhu cầu nhà ở của người dân rất lớn việc phát triển căn hộ nhỏ theo định hướng quy hoạch phát triển đô thị của từng địa phương trong giai đoạn hiện nay là phù hợp và hết sức cần thiết.


Vừa qua, Công ty Becamex (Bình Dương) đã khởi công xây dựng dự án 3.000 căn hộ có diện tích 30 mét vuông với giá bán từ 90 triệu đồng/căn, cho trả chậm trong ba năm là bước đột phát để hiện thức hóa giấc mơ có nhà ở của người có thu nhập thấp. Đây là mô hình, theo ông Châu, cần nhân rộng ra trong cả nước.


Nhìn lại thị trường bất động sản thời gian vừa qua, ông Châu cho rằng thị trường bất động sản, tính từ năm 2008 đến nay, hết sức khó khăn không chỉ đối với các doanh nghiệp phát triển dự án mà còn đối với các nhà đầu tư và người tiêu dùng có nhu cầu thực sự để mua nhà để ở.


Hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đều phải đương đầu với nhưng khó khăn nghiêm trọng phổ biến là thiếu vốn, không tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng phải chịu lãi suất rất cao 24-25% (chưa tính các chi phí khác). Giao dịch trên thị trường ảm đạm dẫn đến sụt giảm mạnh thanh khoản của thị trường bất động sản, liên quan đến tính thanh khoản của các ngân hàng. Một số các ngành nghề liên quan như xi măng, sắt thép, trang thiết bị nội thất cũng bị ảnh hưởng nặng nề.


Theo ông Châu, để đối phó với tình hình khó khăn chung các doanh nghiệp bất động sản đang phải tự cứu mình để tồn tại với các giải pháp như tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cơ cấu đầu tư, hoãn tiến độ thực hiện dự án, giảm giá bán căn hộ cùng các chương trình khuyến mãi đa dạng nhằm kích thích sức mua trên thị trường.


“Tuy nhiên, nhìn chung nguồn lực của các doanhgnhiệp bất động sản bị sụt giảm nghiêm trọng, hầu hết đều gặp khó khăn ở các cấp độ khác nhau, càng vay lớn nguy cơ vỡ nợ càng cao và có nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản,” ông Châu phát biểu.


Những động thái gần đây như không coi bất động sản là phi sản xuất, xác định bốn nhóm đối tượng bất động sản được tiếp cận vốn tín dụng, ngân hàng công bố giảm 1% lãi suất huy động, hay thông tin UBND TPHCM đã có chủ trương xem xét mua lại một số dự án căn hộ trung bình để phục vụ chương trình tái định cư của thành phố.


Tuy nhiên, những tín hiện trên chưa giúp gì nhiều cho thị trường. Do vậy, thị trường bất động sản năm 2012 tiếp tục đối mặt với những khó khăn không thể sớm giải quyết. Trong đó, khó khăn lớn nhất hiện nay là cải thiện đầu ra, tính thanh khoản của thị trường, xử lý lượng hàng hóa tồn đọng và khôi phục lòng tin trên thị trường.


Về thị trường vốn, HoREA đề nghị cần có lộ trình cụ thể giảm lãi suất cho vay về mức 11-12%/năm để nền kinh tế và thị trường bất động sản phát triển bình thường và ổn định. Bởi với tình hình lãi suất như hiện nay, nếu tiếp tục kéo dài thì không doanh nghiệp nào chịu đựng nổi.


Bên cạnh đó, Nhà nước nên có chính sách cho người tiêu dùng vay với lãi suất ưu đãi để mua căn hộ đầu tiên. Đây là biện pháp kích cầu trực tiếp đến tay người tiêu dùng và góp phần làm hồi phục thị trường bất động sản.


Về chính sách đất đai, HoREA tiếp tục đề nghị điều chỉnh, sửa đổi Nghị định 69/2009/NĐ-CP và Nghị định 120/2010/NĐ-CP về thu tiền sử dụng đất các dự án bất động sản nhằm hạ giá đầu vào cho các dự án, gián tiếp làm hạ mặt bằng giá nhà đất. Bởi nếu thu tiền sử dụng đất như hiện nay, doanh nghiệp phải mua đất đến hai lần - một lần mua của người dân dưới danh nghĩa bồi thường, giải phóng mặt bằng, và một lần trả tiền sử dụng đất theo giá thị trường.


Liên quan đến vấn đề này, HoREA đề xuất phương án nên bỏ khái niệm ‘tiền sử dụng đất’ thay vào đó là một khoản thuế với mức thuế suất khoảng 10% hoặc 15% hay một mức hợp lý nào đó. Làm như vậy vừa minh bạch, vừa dễ tính toán và loại trừ được cơ chế xin-cho.

Theo TBKTSG
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.