Thị trường bất động sản đang có dấu hiệu phục hồi sau thời gian dài trầm lắng. Bên cạnh những doanh nghiệp đang loay hoay tìm giải pháp vượt khó thì đã xuất hiện các doanh nghiệp thể hiện tham vọng lớn trên con đường chinh phục thị trường. Một số cái tên có thể kể đến như FLC, Đại Quang Minh hay N.H.O. Tuy nhiên, có không ít câu hỏi xung quanh khả năng thực hiện những ý tưởng đầy tham vọng của các đại gia này.

FLC và sự thần kỳ khó tin

CTCP Tập đoàn FLC được thành lập vào năm 2010 bởi luật sư Trịnh Văn Quyết và những cộng sự. Lĩnh vực kinh doanh chính của tập đoàn là đầu tư bất động sản, ngoài ra còn hoạt động trên lĩnh vực thương mại và dịch vụ. Từ số vốn 18 tỷ đồng ban đầu, sau 4 năm, FLC đã tăng vốn điều lệ lên 3.197 tỷ đồng khiến các nhà đầu tư không khỏi chú ý bởi sự bứt phá của một doanh nghiệp mới.

Tập đoàn FLC được các nhà đầu tư bắt đầu để ý đến khi hoàn thành dự án cao 32 tầng với 300 căn hộ FLC Landmark Tower (Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội) sớm hơn dự kiến khoảng 4 tháng. Và với 3 thương vụ M&A (mua bán – sáp nhập) gây sóng trên thị trường bất động sản, FLC càng được “để mắt” nhiều hơn.

Cụ thể, đầu tháng 8/2013, FLC công bố mua lại dự án Alaska Garden City (Nam Từ Liêm, Hà Nội), sau đó đổi tên thành FLC Garden City. Dự án này có tổng mức đầu tư lên tới 3.500 tỷ đồng và dự kiến sẽ hoàn thành cuối năm 2016. Tiếp đến, trong năm 2014, FLC lập “cú đúp” M&A dự án bất động sản khi mua vào thêm 2 dự án khác là Ion Complex Tower (tên mới là FLC Complex Tower) và The Lavender (FLC Star Tower).

Phối cảnh dự án FLC Garden City, dự án được FLC mua lại với quy mô 5ha tại xã Đại Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội.

Điểm đặc biệt là các dự án của FLC đều được công bố với mức giá khá mềm so với các dự án cùng phân khúc trong khu vực. Chẳng hạn, mức giá của FLC Garden City trong đợt 1 mở bán là 12 triệu đồng/m2 đối với nhà ở thương mại và 15 triệu đồng/m2 đối với đất biệt thự trong khi dự án này có mật độ xây dựng khá thấp và chỉ nằm cách trung tâm thương mại Big C 3km. Đến FLC Complex Tower, dự án tích hợp nhiều tiện ích và nằm ở “vị trí vàng” của Hà Nội thì chủ đầu tư lại một lần nữa gây bất ngờ khi công bố mức giá khởi điểm là 23 triệu đồng/m2.

Theo Chủ tịch của FLC - ông Trịnh Văn Quyết, thành công của FLC chính nhờ vào việc tận dụng tốt cơ hội thị trường, mua vào các dự án giá rẻ đã triển khai để tiết kiệm thời gian và chi phí thi công. FLC chỉ bỏ ra 198 tỷ đồng để mua lại Ion Complex Tower, số tiền này chỉ bằng một nửa so với mức giá của một nhà đầu tư khác đưa ra trước đó.

Không chỉ dừng lại ở tham vọng làm hồi sinh các dự án nhỏ, FLC còn thực hiện những dự án lớn. Tháng 5/2014, FLC đã đầu tư 5.500 tỷ đồng vào dự án sân goft FLC Samson Beach & Golf Resort tại Thanh Hóa. Tiếp theo vào tháng 9/2014, Công ty này cũng chính thức ký quỹ đảm bảo thực hiện khu trung tâm hành chính mới tỉnh Khánh Hòa quy mô lên tới 7.000 tỷ đồng.

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện FLC đang phát triển dự án tại các tỉnh như Vĩnh Phúc, Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Bình, Khánh Hòa, nâng quy mô vốn đầu tư danh mục dự án lên con số hơn 28.000 tỷ đồng. Như vậy, với một doanh nghiệp mới thành lập, đây là một sự tăng trưởng rất ấn tượng trong bối cảnh nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng đang gặp rất nhiều khó khăn.

Việc tăng trưởng thần kỳ của FLC được xem là một điều khá bí ẩn. Tuy nhiên, xung quanh câu chuyện thành công và những tham vọng của FLC cũng khiến không ít người lo ngại rằng, một doanh nghiệp chỉ có vốn hơn 3.000 tỷ đồng như FLC liệu có hiện thực hóa được tham vọng đầu tư những dự án có giá trị hàng chục nghìn tỷ đồng hay không?

Đại Quang Minh biến đất hoang thành đô thị

Cuối tháng 5/2014, TP.HCM giao cho CTCP Đại Quang Minh làm chủ đầu tư xây dựng dự án 4 tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) với tổng số vốn đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng. Đổi lại, Đại Quang Minh được sử dụng 5 lô đất trong khu đô thị mới Thủ Thiêm thuộc các khu chức năng II, IIA, III, IIIA và khu phức hợp bến du thuyền. Được biết, hiện tại, Đại Quang Minh đã rót khoảng 7.000 tỷ đồng đầu tư vào dự án này và dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2017.

Phối cảnh khu đô thị Sala

Những năm qua, không ít doanh nghiệp tham gia đầu tư vào khu đô thị mới Thủ Thiêm như Tổng Công ty Phát triển Hạ tầng và Đầu tư Tài chính Việt Nam (VIDIFI), Vinaconex… Tuy nhiên, kinh tế khó khăn khiến doanh nghiệp không mặn mà tiếp tục đầu tư xây dựng nên nhiều dự án bị bỏ hoang. Trước Đại Quang Minh, dự án 4 tuyến đường chính khu đô thị Thủ Thiêm đã được VIDIFI động thổ từ cuối tháng 1/2010 nhưng đến 4/2013 mới được khởi công, cuối cùng đơn vị này xin rút khỏi dự án.

Đại Quang Minh được thành lập vào năm 2011 với tổng số vốn điều lệ là 4.200 tỷ đồng, gắn liền với 2 nhân vật khá mới mẻ trên thị trường địa ốc là ông Trần Bá Dương, Giám đốc Ô tô Trường Hải (Thaco), hiện đang nắm giữ 45% cổ phần và ông Trần Đăng Khoa - Chủ tịch HĐQT, người thành lập CTCP Đầu tư Mai Linh (được biết đến với dự án Golden Palace tại Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội). Ngoài việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Đại Quang Minh hiện cũng đang đầu tư xây dựng Khu đô thị Sala trên các khu đất được chuyển giao từ hợp đồng BT.

Trở lại với câu chuyện của Đại Quang Minh ở Thủ Thiêm, song song với việc thi công 4 tuyến đường chính, Đại Quang Minh hiện đang đầu tư vào dự án Quảng trường trung tâm và Công viên bờ sông trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tổng mức đầu tư cho 2 dự án này là 1.970 tỷ đồng. Ngoài ra, ông lớn này cũng vừa được TP.HCM phê duyệt để đầu tư dự án cầu Thủ Thiêm 2, trước đó do Vinaconex làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí dự kiến là 2.300 tỷ đồng.

Như vậy, chỉ riêng danh mục dự án đầu tư theo hình thức BT của Đại Quang Minh đã lên con số 20.000 tỷ đồng, điều này cho thấy tham vọng của Đại Quang Minh muốn biến vùng đất tiềm năng nhưng đang trong giai đoạn sơ khai của khu Thủ Thiêm thành một khu đô thị hiện đại bậc nhất. Tuy nhiên, nhiều người vẫn đặt câu hỏi với số vốn điều lệ là 4.200 tỷ đồng, Đại Quang Minh sẽ huy động vốn như thế nào để triển khai các dự án này và một doanh nghiệp mới bước chân vào lĩnh vực bất động sản liệu có thực hiện được tham vọng lớn đó hay không?

N.H.O với giấc mơ 100.000 nhà ở xã hội

Trong khi nhiều doanh nghiệp bất động sản tập trung vào thị trường nhà ở thương mại, CTCP Tổ chức Nhà Quốc Gia (N.H.O) lại lựa chọn cho mình một hướng đi khác là phân khúc bình dân, đặc biệt với tuyên bố về tham vọng xây dựng 100.000 nhà ở xã hội, N.H.O thực sự khiến giới bất động sản chú ý tới.

N.H.O là công ty liên doanh giữa CTCP Đầu tư TAG và Công ty TNHH NIBC Investment. N.H.O đang xây dựng tham vọng phát triển mô hình căn hộ trung bình thấp, đạt tiêu chuẩn quốc tế tại Việt Nam.

N.H.O gây ấn tượng đầu tiên trên thị trường vào năm 2012 với dự án Nest Home 1 tại Đà Nẵng. Dự án có tổng mức đầu tư 148 tỷ đồng và được hoàn thành đúng tiến độ trong vòng 15 tháng. Nest Home 1 là dự án đầu tiên thuộc phân khúc trung bình 500 triệu đồng với diện tích khoảng 60m2.

Dự án nhà ở xã hội thứ 2 mà N.H.O phát triển là First Home nằm tại phường Thạnh Lộc (quận 12, TP.HCM) đã công bố bán hết vào cuối tháng 4/2014. Mỗi căn hộ tại First Home có diện tích từ 38m2 - 42m2 và có mức giá 386 triệu đồng mỗi căn.

Để hiện thực tham vọng “100.000 nhà ở xã hội” trong 10 năm như cam kết với Bộ Xây dựng, vào tháng 9/2014, N.H.O tuyên bố sẽ đầu tư vào 14 dự án với quy mô 25.000 căn nhà trải dài khắp các tỉnh/thành như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương, Quảng Ngãi và An Giang trong giai đoạn (2013-2016). Tổng mức đầu tư của các dự án này lên đến 20.612 tỷ đồng với tổng quỹ đất là 230ha. Ông Lawrence Tham - Chủ tịch HĐQT N.H.O cho biết, việc đầu tư 25.000 căn nhà này chính là bước đầu trong quá trình hiện thực hóa cam kết xây dựng 100.000 căn nhà ở xã hội của N.H.O.

Xây dựng nhà ở xã hội được xem là một “miếng bánh” không mấy hấp dẫn đối với doanh nghiệp bất động sản vì lợi nhuận thường khá thấp. Nhiều doanh nghiệp xin chuyển từ nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội chỉ trong trường hợp khó khăn về mặt tài chính. Do đó, việc N.H.O đặt tham vọng xây dựng 100.000 nhà ở xã hội cũng khiến nhiều người nghi ngờ đặt câu hỏi: Liệu tham vọng của N.H.O có trở thành hiện thực hay không?

Thị trường bất động sản 2014 được nhận định đi qua giai đoạn đáy khiến nhiều doanh nghiệp lao vào đón đầu cơ hội. FLC với tham vọng trở thành “ông trùm” bất động sản đất Bắc cùng những dự án lớn. Đại Quang Minh từ một đại gia ngành ô tô vừa bước chân vào lĩnh vực bất động sản đã đặt tham vọng biến vùng đất hoang hóa thành khu đô thị hiện đại. Còn lại là N.H.O với tham vọng “nhân văn” hơn, xây 100.000 nhà ở xã hội khi mà nhiều doanh nghiệp bỏ qua vì lợi nhuận thường khá thấp...

Đỗ Hương
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.