Sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố nới lỏng giới hạn tín dụng cho lĩnh vực bất động sản hồi đầu tháng 4-2012, nhiều ngân hàng thương mại lớn hưởng ứng chủ trương này khá nhiệt tình bằng việc đổ xô cho vay mua nhà tại các dự án bất động sản.

Với giới đầu tư kinh doanh bất động sản, đây quả là một “phao cứu sinh”. Tuy nhiên, nếu theo những quy chuẩn trong hoạt động tín dụng thì việc các ngân hàng ồ ạt cho vay mua nhà có thể sẽ vi phạm quy định trong hoạt động tín dụng. Bởi lẽ, các gói cho vay mua nhà thường có thời hạn là 5 năm, 10 năm, thậm chí 20 năm, là các khoản vay dài hạn, trong khi vốn huy động của các ngân hàng chủ yếu là vốn ngắn hạn và các ngân hàng chỉ được dùng tối đa 30% vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn.

Bình luận trên báo chí, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam chưa có một cơ quan bảo lãnh tín dụng như ở Mỹ hay nhiều nước khác, thì việc các ngân hàng lấy vốn huy động ngắn hạn mang đi cho vay dài hạn mua nhà, đầu tư dự án là khá mạo hiểm, có thể khiến các ngân hàng càng gặp khó.
Có ý kiến cho rằng, về nguyên nhân sâu xa, việc các ngân hàng mạnh tay cho vay mua nhà chính là họ muốn tự cứu mình, vì nợ xấu và kẹt vốn đầu tư trong các dự án của ngân hàng. Trong bối cảnh thị trường bất động sản gặp khó khăn như hiện nay, nếu các ngân hàng không sàng lọc các dự án để cho chủ đầu tư tiếp tục vay thêm thì rất có thể ngân hàng cũng “chết” theo. Hơn nữa, trên thực tế, các ngân hàng lớn cũng chính là chủ nhân của không ít dự án bất động sản khi đã đổ hàng nghìn tỷ đồng vào các dự án này.
Các chuyên gia cho rằng, chủ trương cởi mở với thị trường bất động sản là đúng, song cần phải đúng đối tượng là những người có nhu cầu mua nhà thực sự, những người thu nhập thấp. Nếu các ngân hàng tiếp tục đổ thêm tiền vào cho vay bất động sản chỉ để mong thu hồi được đồng vốn trước đó là việc làm giống như “thêm dầu vào lửa”. Quy mô càng phình to thì rủi ro càng cao vì khả năng hoàn trả là rất khó nếu nền kinh tế vẫn tiếp tục khó khăn và DN làm ăn thua lỗ.
Theo Báo Công lý
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.